'Thôn thông minh' ở Ninh Quang

Mô hình “Thôn thông minh” triển khai tại thôn Thạnh Mỹ (xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa) giúp kết nối chặt chẽ hơn giữa người dân và chính quyền nhằm cụ thể hóa mục tiêu "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong quá trình đưa chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Kết nối người dân

Ông Phan Duy Phúc - Trưởng thôn Thạnh Mỹ cho chúng tôi xem danh sách các nhóm Zalo mà ông đã lập nhằm phục vụ cho việc quản lý, điều hành và trao đổi thông tin giữa ông, Đảng ủy, chính quyền xã và người dân trong thôn. "Hầu hết công việc của thôn đều được triển khai trong nhóm, tùy vào nội dung công việc, các thành viên trong nhóm có trách nhiệm trao đổi, triển khai trong nhóm mình” - ông Phúc cho biết. Nói rồi ông ví dụ, sau khi triển khai lịch sản xuất nông nghiệp trong nhóm “ban ngành Thạnh Mỹ”, Chi hội trưởng nông dân của thôn sẽ triển khai các nội dung liên quan đến lịch thời vụ, hướng dẫn, khuyến cáo cho hội viên, nông dân trong “nhóm nông dân” của thôn. Nhóm này chuyên trao đổi về tình hình sản xuất, cây con giống, thời tiết, giá cả nông sản… Tương tự, có các nhóm: Phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên… hình thành nên “bộ máy” online triển khai các nội dung công việc hàng ngày một cách nhanh chóng, chính xác, khoa học. Trong thôn còn có nhóm Chi bộ Thạnh Mỹ với 43 đảng viên trong thôn trao đổi công việc liên quan đến họp hành, học tập nghị quyết, thông báo sinh hoạt chi bộ…

Thạnh Mỹ là một trong hai thôn đầu tiên của tỉnh xây dựng mô hình "Thôn thông minh".

Thạnh Mỹ là một trong hai thôn đầu tiên của tỉnh xây dựng mô hình "Thôn thông minh".

Với nhiều nhóm khác nhau nên gần như toàn bộ 536 hộ dân của thôn Thạnh Mỹ đều được kết nối với nhau và với chính quyền địa phương. Nhờ các nhóm này, khi chính quyền địa phương hay thôn cần thông báo cho người dân vấn đề gì cũng nhanh chóng, chính xác, không phải cất công đến gõ cửa từng nhà như trước đây. Việc tham gia các nhóm giúp người dân kịp thời nắm bắt các quyết sách, công việc của thôn, của xã; đồng thời còn là nơi để người dân phản ánh tâm tư, nguyện vọng, đóng góp ý kiến của mình. Bà Nguyễn Thị Tính - người dân thôn Thạnh Mỹ cho biết, không chỉ thường xuyên được cập nhật kịp thời các thông tin như: Lịch tiêm phòng vắc xin cho trẻ; lịch sản xuất nông nghiệp; lịch tiêm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, vệ sinh tiêu độc môi trường chăn nuôi, thông báo mời họp; các khuyến cáo về thời tiết nắng nóng, mưa bão…, thông qua nhóm Zalo, người dân còn có thể phản ánh đến chính quyền những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Chẳng hạn như ra đường thấy khu vực bị ô nhiễm môi trường, người dân có thể chụp ảnh, quay video và phản ánh vào nhóm đề nghị chính quyền xử lý. Người dân cũng có thể trao đổi về các chính sách vay vốn, bảo hiểm...

Ứng dụng số vào đời sống

Xã Ninh Quang đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao vào năm 2020. Từ đó đến nay, Đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã tập trung nỗ lực xây dựng xã đạt NTM kiểu mẫu trong năm 2024. Theo quy định, để đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xã phải đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2022 - 2025 và hoàn thiện 3 nhóm tiêu chí, gồm: Thu nhập bình quân đầu người (năm 2024 là 66 triệu đồng/người/năm trở lên), có ít nhất 1 "Thôn thông minh" và lựa chọn lĩnh vực kiểu mẫu.

Cán bộ xã Ninh Quang hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm Zalo và tham gia vào nhóm thích hợp.

Cán bộ xã Ninh Quang hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm Zalo và tham gia vào nhóm thích hợp.

Ông Trương Văn Hiến - Chủ tịch UBND xã Ninh Quang cho biết, xã vẫn thực hiện các tiêu chí duy trì mức độ đạt chuẩn NTM nâng cao. Đối với các tiêu chí của xã NTM kiểu mẫu, qua rà soát lĩnh vực thông tin và truyền thông, đến nay, hạ tầng số trên địa bàn xã đã được đầu tư, xây dựng và lắp đặt đạt chuẩn. Cụ thể như: Đường truyền cáp quang tốc độ cao đáp ứng cho hơn 50% hộ dân; tỷ lệ phủ sóng di động 100%; hơn 70% hộ dân có điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối Internet. Xã cũng đã lắp đặt các điểm phát wifi miễn phí ở nhà sinh hoạt cộng đồng các thôn. Hợp tác xã Nông nghiệp 1 Ninh Quang với thương hiệu gạo Ngọc Quang đã ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào việc quản lý, điều hành và kinh doanh sản phẩm. Toàn bộ thông tin liên lạc của cán bộ, công chức chính quyền đều đã được công khai cho người dân trên Cổng thông tin điện tử của xã.

Hiện nay, xã đang tập trung triển khai các giải pháp trong kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 trên địa bàn, phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, tập trung triển khai các nội dung liên quan đến việc ứng dụng số vào công tác chỉ đạo, điều hành của xã, kết nối xã hội trên nền tảng số. Để triển khai hiệu quả kế hoạch này, xã đã tập trung vào việc đầu tư hạ tầng, dữ liệu, con người và các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trên nền tảng số.

HỒNG ĐĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chuyen-doi-so/202406/thon-thong-minh-o-ninh-quang-a3d1221/