Thông điệp hòa bình qua lễ tưởng niệm nạn nhân Holocaust tại Việt Nam

'Không bao giờ được lãng quên và học lấy bài học hòa bình' là thông điệp của lễ tưởng niệm các nạn nhân trong nạn diệt chủng Holocaust được tổ chức tại Hà Nội, ngày 29/3.

Nghi thức thắp nến tưởng niệm nạn nhân Holocaust tại sự kiện. (Ảnh: Thu Trang)

Nghi thức thắp nến tưởng niệm nạn nhân Holocaust tại sự kiện. (Ảnh: Thu Trang)

Lễ tưởng niệm được đồng tổ chức bởi Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và Đại sứ quán Đức tại Việt Nam.

Thế chiến II là một giai đoạn đen tối trong lịch sử nhân loại khi Phát xít Đức đã sát hại 6 triệu người Do Thái tại châu Âu chỉ vì họ là người Do Thái, cũng như các nhóm thiểu số khác. Chính vì thế, LHQ đã chọn ngày 27/1 hằng năm là Ngày quốc tế tưởng niệm nạn nhân Holocaust.

Lễ tưởng niệm năm nay có sự tham dự của Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Hòa bình Việt Nam Trần Đắc Lợi, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam Pauline Tamesis, Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer, Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner, cùng các học sinh, sinh viên đến từ Trường Phổ thông Thực nghiệm Hà Nội và Học viện Ngoại giao. Đáng chú ý, đâu là lần đầu tiên một nạn nhân sống sót sau thảm họa diệt chủng Holocaust có mặt ở Việt Nam để trực tiếp kể câu chuyện của mình.

Tại buổi lễ, 6 học sinh đại diện cho Trường Phổ thông Thực nghiệm đã tiến hành nghi thức thắp nến tưởng niệm nạn nhân Holocaust, một truyền thống Do Thái được lưu giữ trên toàn thế giới.

Tâm điểm của lễ tưởng niệm là buổi trò chuyện của đông đảo khán giả Việt Nam với bà Betty Eppel, nạn nhân Do Thái còn sống sót sau thảm họa Holocaust. Năm nay 88 tuổi, bà Eppel kể lại câu chuyện sống sót kỳ diệu của mình khi thoát khỏi cái chết như hàng triệu người Do Thái khác.

Bà Betty Eppel (trái), nạn nhân Do Thái còn sống sót sau thảm họa Holocaust chia sẻ câu chuyện của mình. (Ảnh: Thu Trang)

Bà Betty Eppel (trái), nạn nhân Do Thái còn sống sót sau thảm họa Holocaust chia sẻ câu chuyện của mình. (Ảnh: Thu Trang)

Bà Eppel may mắn được một gia đình Cơ đốc giáo ở miền Nam nước Pháp che giấu khỏi cuộc đàn áp của Đức quốc xã vào những năm 1942-1945. Trong thời gian đó, khi mới 7 tuổi, bà đã mất liên lạc với mẹ và em trai. Hơn hai thập niên sau, bà mới được biết người thân của mình đã qua đời ở trại Auschwitz, nhiều khả năng bị sát hại bằng phòng hơi ngạt.

Sau đó, bà Eppel trở về Israel, kết hôn và có con. Nhưng nỗi đau mà quá khứ để lại chưa bao giờ nguôi ngoai, bà thường xuyên chia sẻ những bài học trong giai đoạn lịch sử đó và bi kịch của chính mình.

Lễ tưởng niệm Holocaust ở Hà Nội năm nay hy vọng có thể giúp người dân Việt Nam thêm hiểu biết về Holocaust và những bài học cho nhân loại. Đồng thời, sự kiện cũng thôi thúc những dân tộc chịu nhiều mất mát trong chiến tranh như Việt Nam không ngừng nỗ lực hướng tới hòa bình và bình đẳng.

Holocaust là đỉnh điểm của hàng thiên niên kỷ hận thù và phân biệt đối xử nhắm vào người Do Thái, hay còn gọi là chủ nghĩa bài Do Thái. Ngày nay, hàng nghìn thực thể trên thế giới đã công nhận định nghĩa về bài Do Thái của Liên minh Tưởng niệm Holocaust thế giới trong nỗ lực chống lại hiện tượng nguy hiểm này.

Thông điệp của bà Eppel chính là đừng im lặng trước nạn phân biệt chủng tộc trong cuộc sống. Nghĩa vụ truyền đạt và giáo dục thế hệ trẻ ngày càng trở nên quan trọng hơn khi thế giới đã không còn nhiều những bằng chứng và nhân chứng sống của lịch sử nữa.

Toàn cảnh lễ tưởng niệm nạn nhân Holocaust tại Việt Nam. (Ảnh: Thu Trang)

Toàn cảnh lễ tưởng niệm nạn nhân Holocaust tại Việt Nam. (Ảnh: Thu Trang)

Nhã Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thong-diep-hoa-binh-qua-le-tuong-niem-nan-nhan-holocaust-tai-viet-nam-221511.html