Thông điệp hòa bình và đoàn kết của tân Giáo hoàng LEO XIV

Hồng y Robert Francis đã được bầu làm Giáo hoàng mới, trở thành nhà lãnh đạo của 1,4 tỷ tín đồ Công giáo trên toàn cầu. Lập trường cân bằng của ông trong nhiều vấn đề đang được hy vọng có thể giúp hàn gắn rạn nứt trong Giáo hội.

Lãnh đạo mới của 1,4 tỷ tín đồ Công giáo

Cuối cùng, sau 4 vòng bỏ phiếu trong ngày 8-5, vào lúc 18 giờ 8 phút (theo giờ Italia), khói trắng đã bốc lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine, dấu hiệu cho thấy các hồng y đã chọn được người lãnh đạo mới của Giáo hội Công giáo. Đám đông tập trung tại Quảng trường Thánh Peter reo hò phấn khích, trong khi tiếng chuông của Vương cung thánh đường Thánh Peter vang lên chào đón Giáo hoàng mới. Đây là lần thứ ba liên tiếp, Mật nghị hồng y bầu được Giáo hoàng trong ngày bỏ phiếu thứ hai. Năm 2005, Giáo hoàng Benedict XVI đắc cử sau 4 vòng bỏ phiếu. Giáo hoàng Francis đắc cử năm 2013 sau 5 vòng bỏ phiếu.

 Chân dung tân Giáo hoàng Leo XIV

Chân dung tân Giáo hoàng Leo XIV

Trước đó, trong ngày đầu tiên (7-5) của Mật nghị hồng y, sự kiện được mô tả là cuộc bỏ phiếu bí mật nhất thế giới để bầu người kế nhiệm Giáo hoàng Francis, 133 vị hồng y từ khắp nơi trên thế giới trải qua 3 vòng bỏ phiếu vẫn chưa thể bầu được Giáo hoàng mới. Tối 7-5, khói đen đã bốc lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine, báo hiệu các hồng y đã bỏ phiếu nhưng vẫn chưa đạt được đa số phiếu cần thiết để bầu ra vị Giáo hoàng thứ 267 trong lịch sử Giáo hội Công giáo La Mã.

Sau khi có kết quả của Mật nghị hồng y, Hồng y Trưởng đẳng Phó tế Dominique Mamberti xuất hiện trên ban công của Vương cung Thánh đường Thánh Peter và tuyên bố: “Tôi xin loan báo cho mọi người một tin trọng đại. Chúng ta đã có Giáo hoàng”. Tân Giáo hoàng là Hồng y Robert Francis Prevost, quốc tịch Mỹ, chọn tông hiệu là Leo XIV. Xuất hiện trên ban công Vương cung Thánh đường Thánh Peter trong vai trò tân Giáo hoàng, ông Prevost đã gửi lời chào đến các tín đồ và cả thế giới. Ông nói: “Cầu bình an đến các anh chị em. Đây là lời chào đầu tiên từ Chúa Phục sinh, và tôi cũng muốn gửi lời chào bình an này tới trái tim và gia đình chúng ta”.

Giáo hoàng Leo XIV, 69 tuổi, đến từ thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ. Vatican mô tả ông là Giáo hoàng thứ hai đến từ châu Mỹ sau người tiền nhiệm Francis, đồng thời là Giáo hoàng đầu tiên theo Dòng Thánh Augustine. Ông sinh năm 1955 với cha mẹ là người gốc Tây Ban Nha và Pháp - Italia. Lớn lên ở Dolton, bang Illinois, ông từng làm người giúp lễ tại Nhà thờ St. Mary ở ngoại ô phía nam Chicago.

Năm 1973, ông hoàn thành chương trình phổ thông tại trường trung học St. Augustine Seminary và từng nhận thư khen ngợi vì thành tích học tập xuất sắc. Ông lấy bằng cử nhân chuyên ngành toán học tại Đại học Villanova, bang Pennsylvania năm 1977. Ông nói được tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Italia, tiếng Pháp và tiếng Bồ Đào Nha, đồng thời có thể đọc hiểu tiếng Latin và tiếng Đức.

Năm 1982, ông được trao bằng Thạc sĩ Thần học tại Liên minh thần học Công giáo, một trường sau đại học tại Chicago. Trong cùng năm, ông được phong linh mục. Ông nhận bằng cử nhân Luật giáo năm 1984 và chuyển đến Peru làm việc một năm sau đó, nơi ông được cấp quốc tịch. Tuy nhiên, ông vẫn thường xuyên trở về Mỹ với vai trò linh mục và tu viện trưởng ở quê nhà. Sau khi nhận bằng Tiến sĩ Luật giáo năm 1987 tại Học viện Giáo hoàng Thánh Thomas Aquinas ở Rome, Italia, ông làm việc ở Peru và Mỹ.

Tháng 1-2023, ông được Giáo hoàng Francis chọn làm Tổng trưởng Bộ Giám mục của Vatican, được tấn phong hồng y vào tháng 9 năm này. Đây là một trong những cơ quan quan trọng nhất của Vatican, đảm nhận nhiệm vụ lựa chọn và giám sát bổ nhiệm các giám mục trên thế giới. Cuối năm 2023, Giáo hoàng Francis phong ông làm hồng y, trở thành một trong những thành viên trẻ nhất của Hồng y đoàn. Hồng y Prevost chỉ trả lời phỏng vấn truyền thông ít lần và hiếm khi xuất hiện trước công chúng.

Người được kỳ vọng hàn gắn Giáo hội

Tân Giáo hoàng Leo XIV dự kiến sẽ tiếp tục những cải cách của người tiền nhiệm Francis. Ông phải đối mặt với thách thức hàn gắn những rạn nứt sâu sắc giữa phe bảo thủ và cấp tiến trong Giáo hội. Nói với đám đông tập trung ở Quảng trường Thánh Peter sau khi được bầu, tân Giáo hoàng Leo XIV chia sẻ: “Chúng ta phải cùng nhau cố gắng trở thành một nhà thờ truyền giáo, một nhà thờ xây cầu nối và đối thoại, luôn rộng mở như quảng trường này, để dang rộng vòng tay chào đón tất cả những ai cần lòng bác ái và sự hiện diện của chúng ta”.

Nhiều người cho rằng, các hồng y cử tri sẽ luôn tránh xa việc bầu một Giáo hoàng là người Mỹ, do ảnh hưởng chính trị toàn cầu quá lớn của nước này. Song kinh nghiệm lâu năm của tân Giáo hoàng Leo XIV khi ông phụng sự ở Peru có thể làm giảm bớt nỗi lo trong số các cử tri. “Ông ấy là người mặc dù đến từ phương Tây, nhưng sẽ rất chú ý đến nhu cầu của Giáo hội toàn cầu. Chúng ta đang nói về một người đã dành hơn một nửa sự nghiệp giáo hội của mình ở nước ngoài với tư cách là nhà truyền giáo ở Peru”, nhà phân tích Vatican Elise Allen chia sẻ với hãng tin CNN.

Giáo hoàng Leo XIV được xem là một người tiến bộ trong nhiều vấn đề xã hội. Giống như cố Giáo hoàng Francis, tân Giáo hoàng Prevost từng dành nhiều thời gian tiếp cận và hỗ trợ các nhóm thiệt thòi như người nghèo. Sự thận trọng của ông khi lên tiếng về các vấn đề gây chia rẽ như ban bước cho người đồng tính có thể giúp ông trở thành lựa chọn dễ chịu với nhiều hồng y. “Ông ấy là người có thể khiến những người cấp tiến và cả những người bảo thủ đều cảm thấy thoải mái. Cả hai bên đều có thể tìm thấy những điều mà họ ca ngợi và đồng cảm ở ông ấy. Tôi không nghĩ điều đó có thể giải quyết dứt điểm những khác biệt trong Giáo hội, nhưng đó là một thành công”, cha Robert Sirico, Chủ tịch danh dự của nhóm nghiên cứu về đức tin Viện Acton ở Mỹ, nhận xét.

Các lãnh đạo trên thế giới đã hoan nghênh việc hồng y Robert Francis Prevost được bầu làm Giáo hoàng, lấy tông hiệu là Leo XIV. Trên mạng xã hội, Tổng thống Donald Trump bày tỏ niềm vui: “Thật là một vinh dự khi biết rằng ngài là vị Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên. Thật hào hứng, và thật là một vinh dự lớn cho đất nước chúng ta. Tôi mong được gặp Giáo hoàng Leo XIV. Đó sẽ là một khoảnh khắc vô cùng ý nghĩa”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bày tỏ hy vọng: “Chúng tôi mong rằng triều đại Giáo hoàng của ngài được dẫn dắt bởi sự khôn ngoan và sức mạnh, khi ngài lãnh đạo cộng đồng Công giáo và truyền cảm hứng cho thế giới qua cam kết vì hòa bình và đối thoại”. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì cho rằng: “Đây là khoảnh khắc lịch sử cho Giáo hội Công giáo và hàng triệu tín hữu. Gửi đến Đức Giáo hoàng Leo XIV và tất cả các tín hữu Công giáo tại Pháp và trên toàn thế giới, tôi xin gửi lời chúc tình huynh đệ. Vào ngày 8-5 này, nguyện cho triều đại Giáo hoàng mới là triều đại của hòa bình và hy vọng”.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz chúc mừng Giáo hoàng Leo XIV, khẳng định ông là “người mang lại hy vọng và dẫn dắt cho hàng triệu tín đồ”. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez bày tỏ hy vọng Giáo hoàng Leo XIV sẽ góp phần giúp tăng cường đối thoại và bảo vệ quyền con người. Thủ tướng Anh Keir Starmer nhận xét: “Việc bầu chọn Giáo hoàng Leo XIV là một khoảnh khắc sâu sắc của niềm vui đối với các tín hữu Công giáo tại Vương quốc Anh và trên toàn thế giới, mở ra một chương mới cho vai trò lãnh đạo của Giáo hội và cả thế giới”. Còn Thủ tướng Italia Giorgia Meloni cho rằng: “Trong một thời đại đầy xung đột và bất ổn, những lời của ngài từ ban công Thánh đường Thánh Peter là lời kêu gọi mạnh mẽ hướng đến hòa bình, tình huynh đệ và trách nhiệm”.

HOÀNG SƠN

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thong-diep-hoa-binh-va-doan-ket-cua-tan-giao-hoang-leo-xiv-post611317.antd