Thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng và dấu ấn Việt Nam
Thông điệp chính của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ - đó là sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm của Việt Nam với bạn bè, đối tác quốc tế, cả ở bình diện song phương và đa phương.
Những thông điệp quan trọng của Thủ tướng trong chuyến đi đã để lại ấn tượng sâu đậm với dư luận trong nước và quốc tế về một Việt Nam tự tin, cởi mở, khát vọng vươn lên mạnh mẽ và đóng góp tích cực, có trách nhiệm với các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ, thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc. Thủ tướng và đoàn đại biểu Việt Nam lên đường chỉ vài giờ ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII bế mạc chiều ngày 10/5 và về tới Hà Nội vào sáng sớm ngày 19/5, đúng dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Về thời gian, đây là chuyến công tác nước ngoài dài ngày nhất của Thủ tướng kể từ khi nhậm chức, có lịch trình làm việc dày đặc với gần 70 hoạt động, cả song phương và đa phương. Lãnh đạo các bộ ngành tháp tùng cũng có hơn 40 cuộc gặp, làm việc, tọa đàm với các đối tác Hoa Kỳ và quốc tế để trao đổi sâu về các lĩnh vực hợp tác chuyên ngành. Về nội dung, đây là chuyến công tác "ba trong một" bao gồm song phương kết hợp đa phương ở các tầng nấc khác nhau: tầm khu vực trong ASEAN và tầm toàn cầu với Liên Hiệp Quốc. Về không gian, chuyến công tác trải dài "từ bờ Đông sang bờ Tây" Hoa Kỳ. Thủ tướng đã chắt chiu từng phút, từng cơ hội để tranh thủ làm việc, trao đổi, đàm phán với các đối tác về những cơ hội hợp tác, đầu tư hay quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Chuyến công tác đã đạt được mục tiêu đề ra với những kết quả toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực, vừa có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, tạo ra những dấu ấn lớn, đồng thời khẳng định nhiều thông điệp quan trọng về các vấn đề trong nước và quốc tế, để lại ấn tượng rất sâu sắc.
Từ những giá trị phổ quát của nhân loại
Nằm ở trung tâm Thủ đô Washington tươi đẹp là những đài tưởng niệm dành cho 3 vị tổng thống vĩ đại của nhân dân Hoa Kỳ: Washington – người lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho Hợp chúng quốc Hoa Kỳ; Lincoln – người đã lãnh đạo đất nước vượt qua cuộc chiến Nam – Bắc, thành công trong việc bảo vệ Liên bang, xóa bỏ chế độ nô lệ; và Thomas Jefferson, tác giả bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ.
Không khó để nhận ra những nét tương đồng trong lịch sử Việt Nam và Hoa Kỳ: Hai nước đều phải đấu tranh giành độc lập, rồi sau đó là thống nhất đất nước trước nguy cơ chia cắt. Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cũng đã viết bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành độc lập dân tộc và sau đó, thống nhất đất nước.
Trong chuyến công tác, Thủ tướng và đoàn công tác đã tới thăm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng làm việc tại khách sạn Omni Parker House, thành phố Boston, thủ phủ bang Massachusetts. Massachusetts chính là một trong những điểm đến trong hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, khách sạn Omni Parker House là nơi lưu giữ đến ngày hôm nay những ký ức chân thực và sống động về Người hơn 100 năm về trước, trong đó có chiếc bàn mặt đá khi Người phụ trách lò bánh…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tới đặt hoa tại Đài tưởng niệm Tổng thống Thomas Jefferson – vị Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ. Tư tưởng của ông và những nhà lập quốc Hoa Kỳ hẳn đã ảnh hưởng tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người tới nghiên cứu lịch sử và tìm hiểu về cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước của nhân dân Hoa Kỳ.
Cùng với các phát biểu tại các cuộc gặp với các đối tác, bạn bè quốc tế, cộng đồng người Việt, Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo ASEAN duy nhất trong dịp này có phát biểu quan trọng tại CSIS - một trong những cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Hoa Kỳ về chiến lược, chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế; và là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam phát biểu tại Đại học Harvard. Đằng sau các phát biểu này là hàng loạt thông điệp quan trọng từ Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam. Những thông điệp tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam để đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vì phồn vinh và hạnh phúc của Nhân dân.
Trong đó, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn thể hiện sự chân thành, nhất quán, minh bạch trong xây dựng, triển khai đường lối đó.
Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng.
Lịch sử đã chứng minh rằng Việt Nam luôn mong muốn thiết lập quan hệ bang giao hữu hảo với các quốc gia, sẵn sàng mở cửa và hội nhập. Thực tế, không phải bây giờ Việt Nam mới thể hiện mong muốn hợp tác với Hoa Kỳ.
Trong bài phát biểu tại CSIS, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc lại, cách đây 77 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa bằng chân lý bất hủ: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Đây cũng là tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ và thể hiện sự chia sẻ giá trị chung, mang tính phổ quát, không chỉ của hai quốc gia mà còn của toàn nhân loại.
Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Việt Nam đã chủ động thể hiện mong muốn thiết lập quan hệ đối tác bình đẳng, toàn diện với Hoa Kỳ trong những bức thư gửi tới chính quyền Hoa Kỳ năm 1946. Đặc biệt, trong bức thư ngày 18/1/1946 gửi Tổng thống Harry Truman, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ".
"Thăng trầm và đột phá", "chân thành, lòng tin và trách nhiệm"
Cũng trong bài phát biểu tại CSIS, Thủ tướng đã nhấn mạnh vai trò của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong một thế giới có nhiều biến động mới, khó lường, diễn biến rất nhanh nhưng lại có tác động lớn tới mọi quốc gia, mọi người dân. Chỉ có đầy đủ sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, các nước mới có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề đặt ra một cách thực chất, hiệu quả. Ngược lại, chính thiếu vắng sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm là một trong những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng, xung đột ở nhiều khu vực.
Đúng như so sánh của Thủ tướng, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã trải qua những "thăng trầm và đột phá". Những bước đột phá trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ những năm qua đã cho thấy sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm có vai trò đặc biệt quan trọng để giải quyết những vấn đề đặt ra đối với thế giới hiện nay.
Sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm giữa các bên cần không ngừng được vun đắp. Trong cuộc làm việc đầu tiên của đoàn Việt Nam trên đất Hoa Kỳ, khi trao đổi với Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã vui vẻ nói rằng bà muốn sớm được thưởng thức các món ăn nhiều gia vị với hương vị rất phong phú tại Việt Nam. Đáp lại, Thủ tướng nói rằng có lẽ quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ cũng giống như các món ăn Việt Nam, có đủ chua, cay, mặn, ngọt nhưng về tổng thể rất ngon miệng và quan trọng là có ích cho sức khỏe.
Thực tế, các cuộc gặp giữa Thủ tướng và các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ đều diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn và chân thành như vậy. Trước đề nghị của Hoa Kỳ về những sáng kiến hợp tác mới trong khu vực, Thủ tướng cho biết Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ và các đối tác để làm rõ nội hàm cụ thể các sáng kiến này, Việt Nam cũng sẵn sàng ủng hộ các khuôn khổ đóng góp vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.
Mặt khác, ông cũng thẳng thắn nhắc lại những trắc trở trong quá trình đàm phán và ký kết kết hiệp định TPP, nay là CPTPP. Bản thân Thủ tướng cũng đã từng tham gia vận động nhiều nước liên quan tiếp tục nỗ lực duy trì khuôn khổ hợp tác này, bất chấp những khó khăn tưởng chừng không thể khắc phục.
Một ví dụ khác, khi đại diện tập đoàn Goldman Sachs muốn tìm hiểu kỹ hơn về định hướng chính sách với giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, Thủ tướng thẳng thắn nói rằng cách tiếp cận của một nước đang phát triển như Việt Nam không thể giống như Nhật, Mỹ hay Hàn Quốc.
"Chúng tôi có những hạn chế về hạ tầng, cơ chế, chính sách, cũng chưa có nhiều kinh nghiệm nên tiếp cận thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. Điều này có lợi cho cả nhà đầu tư và cho Việt Nam. Tôi hay so sánh là một người lẽ ra gánh được 20kg thì cố gắng nhiều cũng chỉ gánh được tới 25kg chứ không thể gánh tới 50kg được. Người còn yếu thì phải vậy thôi, phải đi từng bước thận trọng, mong các nhà đầu tư chia sẻ. Chúng tôi muốn tạo niềm tin và hiệu quả, cơ hội chắc chắn trong kinh doanh, không gây phiền hà, lo lắng cho các nhà đầu tư", Thủ tướng nói.
Có lẽ chính sự thẳng thắn, chân thành và cởi mở của Thủ tướng đã giúp hai bên tin tưởng nhau hơn, dễ đối thoại và đồng thuận. Tổng thống Joe Biden và nhiều nhà lãnh đạo Hoa Kỳ khẳng định dành tình cảm cá nhân tốt đẹp cho Việt Nam. Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan chia sẻ nhận định của Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng sự chân thành, tin cậy và trách nhiệm là phương châm để có mối quan hệ tích cực giữa hai quốc gia.
Ở góc độ đa phương, trong bài bình luận về chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính, The Economic Times đánh giá chuyến thăm nhằm tái khẳng định vai trò của Việt Nam trong ổn định khu vực Đông Nam Á. Chuyến thăm cho thấy vị thế chủ chốt của Việt Nam trong việc định hình quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ, tiếp tục mở ra triển vọng cho mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, đồng thời là cơ hội để Việt Nam tiếp tục thể hiện tiếng nói có trách nhiệm, tham gia đóng góp cho chương trình nghị sự quốc tế trên tinh thần minh bạch, xây dựng, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, Liên Hợp Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, đóng góp cho hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Về phần nước chủ nhà, Tổng thống Joe Biden khẳng định Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Mỹ không chỉ kỷ niệm 45 năm đối tác và hữu nghị Hoa Kỳ - ASEAN, mà còn đánh dấu "kỷ nguyên mới" cho quan hệ này. "Một phần lớn lịch sử thế giới trong vòng 50 năm tới sẽ được định hình tại các quốc gia ASEAN. Mối quan hệ với tổ chức này chính là tương lai trong nhiều năm và nhiều thập kỷ tới", ông Biden nói.
Khát vọng hùng cường, thịnh vượng của Việt Nam
Cũng trong chuyến đi, tại các cuộc gặp và trao đổi, Thủ tướng đều dành thời gian để làm rõ về những định hướng lớn, các mục tiêu phát triển của Việt Nam trong những năm tới, những thập kỷ tới. Đồng thời, Thủ tướng và các thành viên trong đoàn cũng tận dụng tối đa cơ hội thúc đẩy các hoạt động hợp tác, huy động mọi nguồn lực cho xây dựng và phát triển đất nước. Ông nêu rõ, Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Với hơn 45 hoạt động song phương của Thủ tướng diễn ra liên tục, xuyên suốt từ Washington, Boston, New York, San Francisco, tất cả các giới của Hoa Kỳ đều bày tỏ coi trọng quan hệ với Việt Nam, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như sự khác biệt về hệ thống chính trị, ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng, mong muốn quan hệ song phương ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả, đánh giá cao khả năng giải quyết các thách thức của Việt Nam.
Hai bên khẳng định tính bổ trợ rất cao giữa hai nền kinh tế, cần khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội hợp tác về kinh tế - thương mại, đầu tư giữa hai nước cũng như tiếp tục phối hợp giải quyết hiệu quả các vướng mắc, bảo đảm cán cân thương mại song phương hài hòa, bền vững…
Thủ tướng và đoàn công tác đã tới những trung tâm hàng đầu thế giới về kinh tế, tài chính, học thuật, công nghệ, dành thời gian thăm trụ sở, dự tọa đàm và tiếp các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ và thế giới trong nhiều lĩnh vực chủ chốt như chế biến chế tạo, tài chính, công nghệ cao.
Thủ tướng nêu rõ những lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam hiện nay và thời gian tới, khẳng định tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên hợp tác, đầu tư trong phát triển kinh tế xanh, sạch, công nghệ mới, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng phó biến đổi khí hậu…
Các tập đoàn đều khẳng định Việt Nam chiếm vị trí cao trong chiến lược kinh doanh, là thị trường tiềm năng mà họ đang hướng tới, cam kết sẽ mở rộng đầu tư, với 25 thỏa thuận được ký kết và trao trong chuyến đi. Ở một khía cạnh khác, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã lớn mạnh rất nhanh, đủ sức vươn ra thị trường thế giới và đáp ứng các tiêu chuẩn cao, như những cái tên được nhắc tới gần đây với sự hiện diện tại thị trường Hoa Kỳ như Vietcombank hay FPT…
Đặc biệt, Thủ tướng dành nhiều thời gian kêu gọi sự hợp tác và ủng hộ trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu. Là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Việt Nam kêu gọi cách tiếp cận toàn cầu, bảo đảm công bằng, công lý trong vấn đề này. Theo những tính toán sơ bộ, tới năm 2030, Việt Nam cần khoảng 110-130 tỷ USD cho chuyển đổi năng lượng.
Đây là khoản kinh phí rất lớn, trong khi Việt Nam dù đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử nhưng vẫn là một nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn, vẫn phải tiếp tục khắc phục hậu quả sau nhiều năm chiến tranh kéo dài. Do đó, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển như Hoa Kỳ về tư vấn chính sách, huy động tài chính, đào tạo nhân lực chất lượng cao, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực quản trị để ứng phó biến đổi khí hậu.
Trong các cuộc gặp gỡ Việt kiều tại Hoa Kỳ, Thủ tướng đều chuyển tới thông điệp nhất quán về sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài, sự hòa hợp hướng tới mục tiêu chung của dân tộc và đặc biệt là truyền cảm hứng về khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng. Những cuộc gặp gỡ với Kiều bào luôn để lại cảm xúc mạnh mẽ với tình cảm dạt dào luôn hướng về quê hương, Tổ quốc. Nhiều doanh nghiệp là Việt kiều hiến kế tới Chính phủ những kinh nghiệm quý báu để phát triển đất nước.
Điều đáng mừng là qua các cuộc làm việc, tất cả các bên đều có niềm tin vào con người Việt Nam – nguồn lực quan trọng nhất để phát triển đất nước. Ông Sang Nhin, một doanh nhân Việt kiều, Chủ tịch Công ty Westcoast Precision Inc, nhắc lại câu nói của người Mỹ "I have a dream" (Tôi có một giấc mơ). Ông bày tỏ mong muốn đóng góp để "công nghệ hóa" đất nước – đây là yếu tố then chốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Ông cũng đánh giá cao những phát biểu của Thủ tướng về tầm nhìn phát triển các địa phương và đất nước, được chứng minh qua bài học thành công của Quảng Ninh. Westcoast Precision Inc đã hoạt động gần 30 năm trong lĩnh vực cơ khí chính xác, vật liệu bán dẫn phục vụ quốc phòng… Ông Sang Nhin trình bày nhiều đề xuất về các hoạt động hợp tác, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, khẳng định vai trò hàng đầu của nguồn lực con người, bày tỏ tin tưởng vào tương lai phát triển mạnh mẽ của đất nước. "Tự hào với con người Việt Nam, chúng ta có thể làm được những gì mà chúng ta đã đặt ra", ông nói.
Bà Nguyễn Thị Bích Yến, một nhà nghiên cứu có nhiều phát minh, sáng chế trong các lĩnh vực công nghệ cao, cho biết đang cùng các kỹ sư Việt kiều trên toàn cầu triển khai một dự án về internet vạn vật (IoT), ứng dụng trí tuệ nhân tạo để áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam. Trong quá trình này, bà nhận thấy giới trẻ của Việt Nam có trình độ và tinh thần rất cao, "khó mấy cũng làm", và điều này khiến bà rất tự hào. Bà cho rằng, nếu kết nối tốt hơn nữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước sẽ tạo ra sức mạnh to lớn hơn cho phát triển đất nước.
Các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ cũng đều đánh giá cao những lợi thế thu hút đầu tư của Việt Nam với việc ưu tiên phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực… Phó chủ tịch điều hành Khối sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu của Intel, ông Keyvan Esfarjani cho biết Intel Việt Nam đã đạt giải thưởng cao nhất về chất lượng của tập đoàn trong năm 2021, đây là minh chứng của chất lượng nhân lực tại Việt Nam.
Cũng phải nói thêm, những thành tích ấn tượng của Việt Nam trong phòng chống dịch, đặc biệt là chiến dịch tiêm chủng rất thành công của Việt Nam đã củng cố mạnh mẽ niềm tin của các đối tác quốc tế và Hoa Kỳ. Thị trưởng San Francisco đã phải đặt câu hỏi với Thủ tướng là bằng cách nào mà Việt Nam có thể khiến người dân yên tâm, tin tưởng, tích cực tham gia phòng chống dịch, nhất là việc tiêm chủng. Điều này càng có ý nghĩa trong một thế giới có nhiều biến động, rủi ro do cạnh tranh, xung đột và cả dịch bệnh vẫn còn hoành hành ở nhiều nơi.
Nếu các đối tác, bạn bè quốc tế đều bày tỏ đồng tình, chia sẻ, ủng hộ mạnh mẽ khát vọng vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển, hùng cường, thịnh vượng của Việt Nam, thì cộng đồng người Việt, các nhà khoa học, trí thức, sinh viên, giới doanh nhân Việt kiều cũng tin tưởng hơn và đồng lòng hướng về Tổ quốc, xây dựng đất nước với tâm thế "luôn tự hào là người Việt Nam".
Tất cả những điều này góp phần tạo nên sức mạnh cộng hưởng, đúng như quan điểm được Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh: Việt Nam xác định nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, trong đó phát huy cao độ, phát huy tốt nhất năng lực, phẩm chất, trí tuệ con người Việt Nam để xây dựng đất nước; đồng thời coi ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên.
Khắc phục hậu quả chiến tranh, không bỏ ai lại phía sau để hướng tới tương lai
Cũng trong các cuộc gặp với các đối tác, doanh nghiệp Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh vấn đề tiếp tục hàn gắn vết thương, khắc phục hậu quả chiến tranh.
Cuối buổi làm việc với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ ngày 12/5, khi chương trình nghị sự hoàn thành, các cử tọa ngạc nhiên khi thấy Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam xin thêm ít phút. Và ông dành ít phút này để kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ chia sẻ với những khó khăn, mất mát, thiết thòi của nhân dân Việt Nam đã trải qua những năm dài chiến tranh khốc liệt, để cùng có trách nhiệm, chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh, xoa dịu nỗi đau của nhiều gia đình Việt Nam và Hoa Kỳ.
Sau phút như lắng lại khi nghe đề nghị của Thủ tướng, cả hội trường rền vang những tràng pháo tay đầy đồng cảm và chia sẻ từ các đại biểu dành cho đề nghị này.
Thủ tướng cho biết, hiện Việt Nam vẫn còn khoảng 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, 3 triệu người hiện vẫn chịu ảnh hưởng bởi chất độc da cam, cùng khoảng 3 triệu ha đất đai chưa được tẩy độc dioxin, nhiều nơi chưa được rà phá bom mìn. Thời gian qua, hai bên đã thể hiện sự chân thành chia sẻ, tập trung, quyết tâm khắc phục hậu quả chiến tranh. Việt Nam đã tích cực hợp tác hiệu quả với phía Hoa Kỳ trong tìm kiếm những quân nhân Hoa Kỳ mất tích ở Việt Nam và gần đây một số cựu chiến binh Hoa Kỳ đã cung cấp thông tin giúp Việt Nam tìm kiếm các hài cốt liệt sĩ.
Việt Nam hoan nghênh và mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh với Việt Nam, thông qua các dự án tẩy độc dioxin, hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, rà phá bom mìn, thúc đẩy hợp tác tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ.
Những đề xuất này của Thủ tướng nhận được sự chia sẻ và đồng cảm lớn từ phía các đối tác Hoa Kỳ. Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Samantha Power cho biết trong thời gian tới, USAID đặt trọng tâm hỗ trợ Việt Nam tẩy độc dioxin và rà phá bom mìn, nâng cao năng lực giám định ADN để nhận dạng các hài cốt liệt sĩ… "Khắc phục hậu quả chiến tranh là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của chúng tôi tại Việt Nam", bà nói.
Ở trung tâm Thủ đô Washington, bên cạnh đài tưởng niệm 3 vị tổng thống đã có những đóng góp lớn lao cho độc lập, tự do của đất nước và nhân dân Hoa Kỳ, vẫn còn đó những công trình tưởng niệm chiến tranh thế giới thứ II và cả cuộc chiến tranh tại Việt Nam… Dù ở đâu, tại Việt Nam hay ở phía bên kia bán cầu, Nhân dân vẫn ở hàng đầu trong cuốn sổ tay điều hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Người đứng đầu Chính phủ, để không có bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau, nhất là những người thiệt thòi, yếu thế hơn.
theo Hà Văn/Chinhphu.vn