Thông điệp mạnh mẽ về Việt Nam năng động, đổi mới, hấp dẫn đầu tư

Sự kiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc là cơ hội để truyền tải thông điệp mạnh mẽ về Việt Nam năng động, đổi mới, là điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại phiên đối thoại chính sách trong khuôn khổ WEF Davos, tháng 1-2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại phiên đối thoại chính sách trong khuôn khổ WEF Davos, tháng 1-2024

Tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) là tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức hợp tác công - tư, do GS. Klaus Schwab thành lập năm 1971, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ. Hiện nay, WEF có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới. Sự kiện quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng Giêng tại Davos, Thụy Sỹ. Ngoài ra, WEF còn tổ chức các Diễn đàn khu vực: Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên, Trung Quốc), Hội nghị WEF ASEAN...

WEF Đại Liên năm nay là một trong những sự kiện lớn quan trọng nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là hội nghị có quy mô lớn thứ hai sau Hội nghị WEF Davos, thu hút hơn 1.500 đại biểu tham dự, trong đó có Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tổng thống Ba Lan Andrzej Sebastian Duda cùng gần 100 lãnh đạo và đại diện các nước, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế và Trung Quốc.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, tăng trưởng phục hồi chậm. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là điểm sáng năng động trong bức tranh kinh tế thế giới với kỳ vọng thúc đẩy 2/3 tổng tăng trưởng toàn cầu, song vẫn đứng trước một số rủi ro do sự phân mảnh của kinh tế thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng và những căng thẳng về địa chính trị, cạnh tranh nước lớn.

Trong bối cảnh đó, với chủ đề “Những chân trời tăng trưởng mới”, WEF Đại Liên sẽ trao đổi, tìm kiếm hướng đi cho các động lực tăng trưởng mới, các ngành công nghiệp mới, phát huy vai trò của doanh nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cũng như chung tay ứng phó biến đổi khí hậu. Dự kiến 6 chủ đề sẽ được thảo luận tại Hội nghị, bao gồm: xây dựng nền kinh tế toàn cầu mới; tinh thần kinh doanh trong thời đại AI; kết nối giữa khí hậu, thiên nhiên và năng lượng; các lĩnh vực tiên phong cho các ngành công nghiệp; Trung Quốc và thế giới; đầu tư vào con người.

Tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có bài phát biểu đặc biệt tại Phiên khai mạc toàn thể; chủ trì một số phiên thảo luận, đối thoại với các tập đoàn kinh tế lớn, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo về các vấn đề như cơ hội hợp tác, giải pháp mới cho các vấn đề phát triển toàn cầu và chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ có các hoạt động tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và tập đoàn lớn.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chia sẻ những đánh giá, quan điểm của Việt Nam về triển vọng, thách thức, xu hướng điều chỉnh và các mô hình mới tác động đến kinh tế thế giới trong ngắn hạn và dài hạn. Thủ tướng sẽ nhấn mạnh những tiềm năng, thế mạnh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như của Việt Nam. Từ đó, Thủ tướng sẽ đề xuất các giải pháp ở các cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia và doanh nghiệp, nhấn mạnh vai trò của tư nhân và hợp tác công - tư trong thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế, tận dụng các cơ hội, tiềm năng hiện có, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như phát triển xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0.

Cơ hội giao thoa, hội nhập cho kinh tế Việt Nam với thế giới

Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989. Việt Nam đã 5 lần tham dự Hội nghị thường niên WEF Davos ở cấp Thủ tướng vào các năm 2007, 2010, 2017, 2019 và 2024. Trong các năm khác, Việt Nam thường tham dự ở cấp Phó thủ tướng. Việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam hai năm liên tiếp được mời tham dự Hội nghị WEF tại Trung Quốc là thể hiện sự coi trọng và đánh giá cao của WEF và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với vị thế, vai trò và những đóng góp của Việt Nam trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực.

Ngoài những đóng góp với các vấn đề chung của kinh tế toàn cầu và khu vực, tại hội nghị năm nay, thông qua cuộc hội ngộ với giới lãnh đạo, giới hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu, đoàn Việt Nam sẽ giới thiệu ra thế giới những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nổi bật thời gian qua, thể hiện hình ảnh một Việt Nam năng động, tích cực hội nhập, tự tin và nhiều sức hút đối với các tập đoàn toàn cầu, qua đó mở ra cơ hội giao thoa, hội nhập cho kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, thu hút nguồn lực để phát triển đất nước.

Tham dự hội nghị cũng là cơ hội để Việt Nam có thể nắm bắt những vấn đề, xu thế mới của kinh tế thế giới; cùng các bên trao đổi về tư duy phát triển, quản trị ở cấp độ quốc gia và toàn cầu; đóng góp vào xử lý các vấn đề chung của thế giới như thúc đẩy tăng trưởng, phát triển các ngành công nghiệp mới, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực. Đây cũng là dịp để Việt Nam tăng cường trao đổi, thúc đẩy quan hệ với các nước, các đối tác, các tổ chức quốc tế, nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín của đất nước, khẳng định vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Với WEF, sự tham dự và hoạt động của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác, đối tác với WEF theo hướng ngày càng thực chất trên cơ sở Biên bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam - WEF giai đoạn 2023-2026, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp là thành viên của WEF trên các lĩnh vực như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, năng lượng và khoa học - công nghệ.

Với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và tham dự Hội nghị WEF tại Trung Quốc thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng và Chính phủ Việt Nam đối với quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Trong bối cảnh quan hệ hai Đảng, hai nước đang phát triển sâu sắc, thực chất và toàn diện như hiện nay, chuyến công tác dự WEF Đại Liên 2024 và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ là dịp để lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu thảo luận những biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả nhận thức chung đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai nước.

Chuyến công tác và làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính còn góp phần triển khai trên thực tế những thỏa thuận mà lãnh đạo cấp cao của hai nước đã ký kết, đặc biệt là tại hai chuyến thăm lẫn nhau mang tính lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (10-2022) và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12-2023). Nó tiếp thêm động lực mạnh mẽ để hai Đảng, hai nước không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện, hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18-1-1950/18-1-2025).

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thong-diep-manh-me-ve-viet-nam-nang-dong-doi-moi-hap-dan-dau-tu-post580576.antd