Thông điệp 'ngoại giao vaccine' của Mỹ
Đi sau Trung Quốc và Nga nhưng dường như chiến lược 'ngoại giao vaccine' của Mỹ đang phát huy tác dụng rõ rệt, khi biến thể Delta làm nhiều quốc gia chao đảo và 'cơn khát' vaccine Covid-19 chưa lúc nào sục sôi đến thế.
Tổng thống Joe Biden từng tự tin tuyên bố Mỹ sẽ là "kho vaccine của thế giới" trong cuộc chiến chung chống lại Covid-19. Theo ông Biden, “sự lãnh đạo mạnh mẽ của Mỹ là cần thiết đối với việc chấm dứt đại dịch lúc này và đối với việc tăng cường an ninh y tế toàn cầu trong tương lai, để ngăn ngừa, phát hiện và phản ứng tốt hơn với mối đe dọa kế tiếp”.
Từ song phương đến đa phương
Có thể thấy, Washington đã và đang tận dụng tối đa các cơ hội từ song phương đến đa phương để truyền tải thông điệp “ngoại giao vaccine”, cho thấy rõ một tinh thần dẫn dắt và chia sẻ với các quốc gia trong cuộc chiến chống lại đại dịch.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 tháng 6 vừa qua, Tổng thống Biden đã cam kết mua nửa tỷ liều vaccine của hãng Pfizer để cung cấp cho sáng kiến vaccine toàn cầu COVAX, bắt đầu từ tháng 8, từ đó phân phối tới hơn 90 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới.
Trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao trực tuyến ASEAN-Mỹ đầu tháng 7, chủ đề vaccine một lần nữa trở thành trọng tâm mà phía Washington muốn nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chia sẻ, Mỹ đã tài trợ 2 tỷ USD trong số 4 tỷ USD đã cam kết cho COVAX quản lý để cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển, trong đó có các quốc gia ASEAN.
Bên cạnh đó, Washington cũng dành 96 triệu USD cho ASEAN tăng cường năng lực chống dịch Covid-19.
Khi Indonesia “chới với” trong dịch bệnh, Washington ngay lập tức đưa ra những cam kết hỗ trợ đảo quốc này.
Đầu tháng 7, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã thông báo chuyển 4 triệu liều vaccine Moderna cho Indonesia "càng sớm càng tốt" thông qua cơ chế COVAX bên cạnh các hỗ trợ khác.
Trong chuyến công du tới Ấn Độ (từ ngày 27-28/7), một đối tác quan trọng của Mỹ ở châu Á, Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh vấn đề hợp tác vaccine với Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi và người đồng cấp S Jaishankar.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ lần đầu tiên theo hình thức trực tuyến vào tháng 3 vừa qua, các nhà lãnh đạo đã cam kết phân phối 1 tỷ liều vaccine cho khu vực châu Á vào cuối năm 2022.
Mỹ thông qua Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Mỹ (DFC), sẽ phối hợp với nhà sản xuất thuốc Ấn Độ Biological E Ltd để sản xuất số liều vaccine nói trên, chủ yếu cho các quốc gia Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, sau đó đã bị ảnh hưởng bởi làn sóng Covid-19 mới với những biến thể nguy hiểm hơn và buộc phải tạm dừng xuất khẩu vaccine.
Mỹ đã gửi nguyên liệu thô cho sản xuất vaccine, thiết bị y tế và đồ bảo hộ đến Ấn Độ. Trong tháng tới, quốc gia Nam Á này dự kiến sẽ nhận được 3-4 triệu liều vaccine do Mỹ sản xuất. Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh ngày 23/7 rằng, Ấn Độ “là một quốc gia rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại Covid-19" và "cuối cùng sẽ trở thành nguồn cung cấp vaccine quan trọng cho thế giới".
Nhu cầu của các nước đối với nguồn vaccine từ Mỹ hiện rất lớn. Phía Mỹ đến nay viện trợ vaccine cho gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Để đảm bảo nguồn cung vaccine đến được các đối tác nhanh chóng nhất, Mỹ đã chọn kênh phân phối chính thông qua cơ chế COVAX.
Mỹ hiện chỉ triển khai viện trợ theo cơ chế song phương với một số rất ít nước lân cận ở khu vực Trung Mỹ, do các vấn đề quy định, thủ tục và điều phối khá phức tạp từ phía Mỹ.
Chia sẻ kịp thời và ý nghĩa
Trong một lần chia sẻ với báo chí, Giám đốc Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) Mỹ tại Việt Nam Eric Dziuban cho rằng hình ảnh những lô vaccine Covid-19 dán quốc kỳ Mỹ, đi qua nửa vòng trái đất cập cảng hàng không Việt Nam là một hình ảnh đẹp và ấn tượng trong quan hệ Việt-Mỹ. Rõ ràng “ngoại giao” vaccine đã gắn kết chặt chẽ hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Mỹ.
Ngay sau khi Việt Nam tiếp nhận thêm 3.000.060 liều vaccine Moderna do Chính phủ Mỹ hỗ trợ thông qua Cơ chế COVAX, trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Mỹ đã đăng dòng trạng thái: “Chúng tôi rất vinh hạnh khi được giúp đỡ đối tác tin cậy của mình. Những người bạn đích thực”.
Trước đó, cũng thông qua COVAX, Chính phủ Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam 2 triệu liều vaccine Moderna. Số vaccine này đã được vận chuyển đến Việt Nam ngày 10/7.
Trả lời câu hỏi của báo chí ngày 24/7, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho biết, Mỹ cũng đang xem xét viện trợ thêm vaccine cho Việt Nam thời gian tới. "Đây là sự chia sẻ, giúp đỡ kịp thời và ý nghĩa đối với Việt Nam", Đại sứ Hà Kim Ngọc nhấn mạnh.
Theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, trước mắt phía Mỹ cũng đang khẩn trương trao đổi với đối tác Việt Nam hoàn tất thủ tục để sớm chuyển tới Việt Nam các bộ xét nghiệm nhanh CUE Covid-19 và 75 thiết bị trữ lạnh vaccine.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo, đến tháng 9 năm nay, tình hình khan hiếm vaccine vẫn diễn ra hết sức nghiêm trọng. Do vậy, một nước Mỹ hăng hái “ngoại giao vaccine” cho thấy hình ảnh một cường quốc có trách nhiệm, đồng thời là một cách tiếp cận “mềm” của Tổng thống Joe Biden.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thong-diep-ngoai-giao-vaccine-cua-my-152901.html