Thông điệp phía sau quyết định giải tán Quốc hội của Tổng thống Pháp; 'Cú đấm' làm chao đảo giá trị đồng Euro và thị trường chứng khoán châu Âu

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 9/6 cho biết ông sẽ giải tán Quốc hội và kêu gọi một cuộc bầu cử lập pháp thật nhanh chóng sau khi đảng của ông thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Ảnh chụp màn hình này cho thấy Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang phát biểu trên truyền hình toàn quốc từ Paris vào ngày 9/6. (Nguồn: Getty Images)

Ảnh chụp màn hình này cho thấy Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang phát biểu trên truyền hình toàn quốc từ Paris vào ngày 9/6. (Nguồn: Getty Images)

Trong bài phát biểu trước quốc dân từ Điện Elysee, ông Macron nói: “Tôi đã quyết định trao lại cho các bạn quyền lựa chọn tương lai Quốc hội của chúng ta thông qua cuộc bỏ phiếu. Do đó, tôi sẽ giải tán Quốc hội”. Ông cho biết, cuộc bỏ phiếu sẽ bao gồm hai vòng vào ngày 30/6 và ngày 7/7.

Theo các viện thăm dò ý kiến của Pháp, động thái này diễn ra khi kết quả dự kiến đầu tiên từ Pháp hôm 9/6 đã đưa đảng Tập hợp quốc gia cực hữu của bà Marine Le Pen dẫn trước trong cuộc bầu cử quốc hội Liên minh châu Âu, đánh bại những người theo chủ nghĩa ôn hòa của ông Macron. Đây cũng là một rủi ro chính trị lớn, vì đảng của ông có thể chịu nhiều tổn thất hơn, cản trở phần còn lại của nhiệm kỳ tổng thống, vốn sẽ kết thúc vào năm 2027.

Ông Macron thừa nhận sự thất bại. “Tôi đã thấy thông điệp của các bạn, những mối quan tâm của các bạn và tôi sẽ không bỏ qua chúng”, ông nói và thêm rằng việc kêu gọi một cuộc bầu cử nhanh chóng chỉ nhấn mạnh yếu tố dân chủ trong sự lãnh đạo của ông.

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu kéo dài 4 ngày tại 27 quốc gia EU là cuộc bầu cử lớn thứ hai trên thế giới, sau Ấn Độ. Qua đó, sự trỗi dậy của phe cực hữu thậm chí còn gây sửng sốt hơn nhiều nhà phân tích dự đoán.

Tại Đức, đảng Dân chủ xã hội lâu đời của Thủ tướng Olaf Scholz đã tụt lại phía sau Đảng cực hữu, hiện đã vươn lên vị trí thứ hai.

Những cuộc bầu cử này diễn ra vào thời điểm thử thách lòng tin của cử tri đối với khối liên minh có dân số khoảng 450 triệu người. Trong 5 năm qua, EU đã bị rung chuyển bởi đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế và khủng hoảng năng lượng do cuộc xung đột đất đai lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II. Tuy vậy, các chiến dịch vận động chính trị thường tập trung vào các vấn đề được quan tâm ở từng quốc gia hơn là vào các lợi ích rộng lớn hơn của châu Âu.

Quyết định của Tổng thống Pháp đã làm chao đảo thị trường và đồng Euro ngày 10/6.

Những lợi ích lớn cho phe cực hữu trong cuộc bầu cử ở Pháp có thể buộc ông Macron phải điều hành chính phủ với một quốc hội thù địch, khiến chính quyền ôn hòa của ông gặp khó khăn hơn trong việc theo đuổi chương trình nghị sự chính sách của mình và làm dấy lên nghi ngờ về khả năng đưa tài chính của chính phủ lên một nền tảng bền vững hơn.

Chỉ số CAC 40 của Pháp, đại diện cho 40 công ty lớn nhất niêm yết ở Paris, giảm 1,8% vào lúc 7h06 sáng theo giờ ET, trong đó các ngân hàng nằm trong số những công ty giảm giá nhiều nhất. Chỉ số Stoxx 600 chuẩn của châu Âu được giao dịch giảm 0,6% trong ngày cùng thời điểm.

Đồng Euro giảm 0,5% so với đồng USD trong giao dịch đầu giờ chiều, chạm mức thấp nhất trong một tháng. So với đồng bảng Anh, đồng tiền chung của 20 quốc gia ở châu Âu giảm 0,4%, giao dịch ở mức yếu nhất trong gần hai năm.

(theo CBS News, CNN)

Hòa Bình

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thong-diep-phia-sau-quyet-dinh-giai-tan-quoc-hoi-cua-tong-thong-phap-cu-dam-lam-chao-dao-gia-tri-dong-euro-va-thi-truong-chung-khoan-chau-au-274529.html