Thông điệp từ việc Iran ra mắt tàu sân bay trực thăng đầu tiên
Tuần trước, Iran vừa giới thiệu chiếc tàu sân bay trực thăng đầu tiên do nước này tự chế tạo. Việc con tàu ra mắt vào thời điểm căng thẳng giữa Iran và Mỹ gia tăng có thể xem như một cách để Tehran gửi đi thông điệp cứng rắn của mình.
Quả đấm thép của Hải quân Iran
Theo hãng thông tấn IRNA, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã tiếp nhận Shahid Bagheri - tàu sân bay chuyên chở trực thăng và máy bay không người lái. Đây là tàu sân bay đầu tiên của Iran, do nước này tự chế tạo trên nền tảng của một con tàu thương mại.
![Tàu sân bay trực thăng Shahid Bagheri đang đậu tại cảng nhà ở thành phố Bandar Abbas. Ảnh: Wikipedia](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_197_51454038/33135d486b068258db17.jpg)
Tàu sân bay trực thăng Shahid Bagheri đang đậu tại cảng nhà ở thành phố Bandar Abbas. Ảnh: Wikipedia
Tuy có “xuất thân” kiểu hoán cải như vậy nhưng Shahid Bagheri được giới thiệu rằng vẫn có khả năng tác chiến cực kỳ mạnh mẽ. Cụ thể, con tàu dài 240 mét, rộng 32 mét và có lượng giãn nước toàn tải lên đến 41.978 tấn này sở hữu một đường băng dài tới 180 mét cùng 8 nhà chứa máy bay.
Với “hạ tầng” như vậy, con tàu có thể mang theo 9 trực thăng đa nhiệm (5 chiếc trong nhà chứa và 4 chiếc đậu trên đường băng) cùng khả năng phóng và thu hồi một số lượng lớn máy bay không người lái (UAV) các loại: từ trinh sát, cảnh báo sớm cho tới tấn công tầm xa.
Trong số đó, đáng chú ý nhất là Qods Mohajer-6. Với phạm vi hoạt động 200–500 km, đạt tốc độ tối đa là 200 km/h, thời gian bay liên tục là 12 giờ và trần bay là 5.500 mét, Qods Mohajer-6 có 4 mấu treo vũ khí để gắn tên lửa hoặc bom và nhiều khả năng sẽ là loại UAV chủ lực được biên chế trên tàu. Ngoài ra, còn có UAV tấn công hạng nhẹ Ababil-3 và phiên bản UAV của Qaher-313, loại tiêm kích mà Iran đang tự phát triển.
Hải quân Iran cho biết, tàu sân bay Shahid Bagheri có tầm hoạt động lên đến 22.000 hải lý (35.000 km), chịu được biển động cấp 9 và có thể thực hiện các nhiệm vụ kéo dài tới một năm mà không cần tiếp nhiên liệu. Trên tàu còn có một bệnh viện và các tiện nghi như phòng tập thể dục dành cho thủy thủ đoàn.
![Hai phiên bản UAV của Qaher-313, loại tiêm kích mà Iran đang tự phát triển, đỗ trên boong tàu Shahid Bagheri. Ảnh: The War Zone](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_197_51454038/eeba9ee1a8af41f118be.jpg)
Hai phiên bản UAV của Qaher-313, loại tiêm kích mà Iran đang tự phát triển, đỗ trên boong tàu Shahid Bagheri. Ảnh: The War Zone
Theo Tổng Tư lệnh Hải quân Iran, Chuẩn đô đốc Alireza Tangsiri, tàu sân bay Shahid Bagheri sẽ là nền tảng hàng hải di động cho những nhiệm vụ của máy bay không người lái và trực thăng trên khắp các đại dương. Ngoài ra, với hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến, 30 xuồng tấn công tốc độ cao cùng 8 tên lửa hành trình/đối hạm có tầm bắn lên đến 1000 km, Shahid Bagheri còn là một vũ khí răn đe đáng gờm.
Chuẩn bị cho nguy cơ leo thang căng thẳng
Theo giới quan sát, răn đe cũng chính là thông điệp mà Iran gửi gắm qua việc biên chế tàu sân bay trực thăng Shahid Bagheri. Con tàu là một phần trong số những khí tài mới mà Tehran giới thiệu từ đầu tháng 1 đến nay, nhằm chuẩn bị cho nhiều căng thẳng hơn với Israel và Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt con tàu, Tổng tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, Tướng Hossein Salami cho biết nước này cần tăng cường năng lực răn đe để ngăn ngừa chiến tranh nhưng cũng nhấn mạnh rằng Iran không muốn gây chiến với bất kỳ quốc gia nào.
“Iran không muốn bị coi là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào, nhưng chúng tôi không khuất phục trước mối đe dọa từ bất kỳ thế lực nào”, ông Salami nói. Trong khi đó, Tư lệnh Hải quân Iran, Chuẩn đô đốc Alireza Tangsiri cho biết thêm: “Việc bổ sung con tàu này vào hạm đội là một bước quan trọng trong việc tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe của Iran ở vùng biển xa và duy trì lợi ích an ninh quốc gia của chúng tôi”.
![Tàu sân bay trực thăng Shahid Bagheri còn được trang bị pháo 30mm, 8 tên lửa phòng không Kowsar-222 và 8 tên lửa hành trình/đối hạm Noor có tầm bắn 1000 km. Ảnh: Faadees](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_197_51454038/710e08553e1bd7458e0a.jpg)
Tàu sân bay trực thăng Shahid Bagheri còn được trang bị pháo 30mm, 8 tên lửa phòng không Kowsar-222 và 8 tên lửa hành trình/đối hạm Noor có tầm bắn 1000 km. Ảnh: Faadees
Iran từ lâu đã theo đuổi sự tự cung tự cấp về quân sự, tự sản xuất tàu ngầm, máy bay chiến đấu và hệ thống tên lửa. Việc bổ sung tàu sân bay Shahid Bagheri phù hợp với chiến lược này và mở rộng hơn nữa khả năng triển khai lực lượng của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.
Việc công bố tàu chiến mới trùng với một loạt các cuộc tập trận quân sự của Iran, bao gồm các cuộc tập trận phòng không gần các địa điểm hạt nhân, tất cả diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng chiến dịch gây sức ép lên Iran.
Người đứng đầu Nhà Trắng mới đây đã ký một sắc lệnh hành pháp tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran nhằm “đẩy xuất khẩu dầu mỏ của nước này về 0” nhưng đồng thời cũng để ngỏ khả năng đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới.
Do đó, phản ứng của Tehran, thông qua việc nhấn mạnh năng lực quân sự, là điều dễ hiểu. Sau tàu sân bay Shahid Bagheri, Iran sẽ sớm công bố một tên lửa hành trình siêu thanh do nước này tự phát triển với tầm bắn 2.000 km.
Chuẩn Đô đốc Alireza Tangsiri cho biết loại tên lửa mới, dự kiến được ra mắt vào năm dương lịch Ba Tư tiếp theo - bắt đầu vào ngày 20 tháng 3 - sẽ tăng cường đáng kể khả năng răn đe của Iran, đồng thời nêu bật những tiến bộ mới nhất trong sức mạnh hải quân của nước này.