Thống đốc NHNN chia sẻ gì về thị trường tài chính Việt Nam?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết NHNN đã ban hành đầy đủ các văn bản quy định về quản lý ngoại hối đối với các giao dịch vãng lai, FII và FDI.

Tọa đàm "Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam" được tổ chức bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên năm 2024 tại Davos, Thụy Sỹ, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sĩ, Quỹ đầu tư VinaCapital phối hợp tổ chức. Sự kiện được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, cùng sự tham gia của Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, lãnh đạo các tập đoàn tài chính, ngân hàng thương mại lớn của quốc tế và Việt Nam.

Thống đốc chia sẻ về các quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài tại TCTD. (Nguồn ảnh: SBV)

Thống đốc chia sẻ về các quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài tại TCTD. (Nguồn ảnh: SBV)

Tại Tọa đàm, đại diện các tập đoàn tài chính quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh, có tiềm năng trở thành một trung tâm tài chính và hoàn toàn có thể tạo bước nhảy vọt trong lĩnh vực này. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự quan tâm cũng như mong muốn hiện diện thương mại tại Việt Nam. Để hiện thực hóa mục tiêu, các nhà đầu tư sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để thành lập trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại buổi Tọa đàm, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chia sẻ Thành phố Hồ Chí Minh có tiềm năng và các điều kiện cần và đủ để trở thành trung tâm tài chính như kinh tế vĩ mô ổn định, quy mô kinh tế lớn, hoạt động kinh tế phát triển, vị trí địa lý thuận lới (nằm tại múi giờ khác với 21 trung tâm tài chính trên thế giới), có nguồn nhân lực có kỹ năng. Hướng tới mục tiêu về xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm, nhận tư vấn và đồng hành của các tập đoàn, doanh nghiệp trong việc xác định lộ trình, bước đi cụ thể để lựa chọn mô hình phát triển phù hợp.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các chuyên gia, các ngân hàng, các quỹ đầu tư tài chính hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; tái cơ cấu các ngân hàng; xây dựng, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia; hỗ trợ phát triển hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khả năng tham gia đầu tư, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam; đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực dịch vụ tài chính, đáp ứng được các tiêu chuẩn và phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu. Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư từ Thụy Sĩ nói riêng đầu tư kinh doanh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.

Nhân dịp này, Thủ tướng chia sẻ với các đại biểu là các nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng về quá trình giành độc lập, đường lối phát triển đất nước và tình hình Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới, đồng thời điểm lại một số thành tựu, kết quả nổi bật. Thủ tướng đã trích dẫn các con số “biết nói” tại thị trường Việt Nam như minh chứng cho sự ổn định và hấp dẫn của thị trường đầu tư trong nước. Cụ thể, lũy kế đến hết năm 2023, Việt Nam thu hút tổng vốn FDI đăng ký đạt hơn 468 tỷ USD, giải ngân khoảng 300 tỷ USD. Năm 2023, người dân và các tổ chức kinh tế gửi vào ngân hàng khoảng 13,5 triệu tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Điều này cho thấy thu nhập được cải thiện và niềm tin của người dân, các nhà đầu tư gia tăng đáng kể.

Với mục tiêu năm 2030 trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Việt Nam đã và đang tập trung phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột: (i) Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, (ii) Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, và (iii) Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình phát triển, Đảng và Chính phủ đặt ưu tiên đối với các vấn đề về con người, đảm bảo cân bằng xã hội và môi trường, không đánh đổi hay hy sinh các mục tiêu trên để đổi lấy tăng trưởng kinh tế.

Các đại biểu tại Tọa đàm "Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam". (Nguồn ảnh: SBV)

Các đại biểu tại Tọa đàm "Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam". (Nguồn ảnh: SBV)

Thảo luận tại buổi tọa đàm về các vấn đề tài chính - ngân hàng trong quá trình thành lập trung tâm tài chính quốc tế, trước quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài về quy định sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng Việt Nam, quản lý nguồn vốn đầu tư vào và ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: Theo quy định, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam; tỷ lệ này với một tổ chức nước ngoài là 15%; đối với một nhà đầu tư chiến lược là không quá 20% và tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30%. Trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng, Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém.

Đối với quy định về quản lý ngoại hối hiện hành, Thống đốc cho biết tại Việt Nam, các giao dịch vãng lai giữa người cư trú và người không cư trú được tự do thực hiện, các dòng vốn vào và ra khỏi lãnh thổ Việt Nam dưới hình thức đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp tuân thủ theo các quy định về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài. Theo đó NHNN đã ban hành đầy đủ các văn bản quy định về quản lý ngoại hối đối với các giao dịch này.

Trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và sự bùng nổ của Fintech, tại Việt Nam xuất hiện một số loại hình dịch vụ mới do các công ty Fintech cung cấp. Để tạo hành lang pháp lý cho các loại hình dịch vụ có thể phát sinh, trong quá trình dự thảo Luật sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng, cơ quan soạn thảo đã đưa ra một số nguyên tắc chung để cơ sở pháp lý cho việc thực hiện.

Đối với việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam, Thống đốc đề cập một số vấn đề cần các bên quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm như sau: (i) Thứ nhất là cần xác định rõ về phạm vi và hoạt động của các định chế tài chính tại trung tâm tài chính quốc tế để từ đó xây dựng cơ chế, chính sách quản lý phù hợp, (ii) Thứ hai, các cơ chế chính sách được xây dựng cần đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Thống đốc nhấn mạnh đây là vấn đề cần được nghiên cứu thấu đáo và cần có các giải pháp quản lý từ nhiều cơ quan, bộ, ngành. Trong thời gian tới, Thống đốc mong muốn các bên duy trì kênh liên lạc và tiếp tục nghiên cứu toàn diện, tổng thể về các nội dung liên quan; đảm bảo phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của nền kinh tế.

Trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động tại Diễn đàn VEF, trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi Marcus Wallenber, lãnh đạo Skandinaviska Enskilda Banken - SEB Group (Thụy Điển); Thủ tướng đã mời ngân hàng lớn nhất Bắc Âu với tổng tài sản gần 339 tỷ USD tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém tại Việt Nam.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam khuyến khích sự tham gia của các tổ chức có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và khả năng hỗ trợ. Ông đề nghị SEB tham gia thị trường tài chính Việt Nam, quá trình xây dựng chính sách và nghiên cứu khả năng đầu tư, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Trong khuôn khổ hoạt động song phương tại Nhật Bản vào tháng 12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có buổi tiếp ông Masahiko Kato, Chủ tịch Ngân hàng Mizuho; và các ông Koichi Zaiki, Tổng phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương; ông Eiji Katayama, Tổng phụ trách Việt Nam kiêm Tổng giám đốc Mizuho chi nhánh Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Ngân hàng Mizuho tham gia tái cấu trúc ngân hàng yếu kém của Việt Nam.

Tại Việt Nam, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém đang là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra với ngành ngân hàng trong các Chỉ thị của NHNN đầu năm 2023 và mới đây là Chỉ thị 01 đầu năm 2024. VIệt Nam hiện có 5 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, gồm CBBank, OceanBank, GPBank, DongABank và SCB. Việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém đang chậm, theo đánh giá của Thống đốc NHNN là khó khăn trong việc tìm nhà đầu tư tự nguyện tham gia.

Trong năm 2023- 2024, một số nhà băng trong danh sách sẵn sàng tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém như Vietcombank, VPBank, MBBank..., được biết cũng đã sẵn sàng trong các kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc cụ thể hơn.

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Nghiên cứu Phân tích MSVN cho biết, tuy vậy, các ngân hàng yếu kém, trong diện kiểm soát đặc biệt, vẫn có "sức hút" riêng. Ông Thành cho biết vẫn có những đối tác ngoại, và cả nội, mong muốn được tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu, song quan trọng là vấn đề đàm phán và chia sẻ, đặc biệt là về các quy định tỷ lệ sở hữu, định giá, lộ trình tham gia...

Các chia sẻ của Thống đốc chưa cập nhật các quy định mới tại Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật này sẽ có hiệu lực từ 1/7/2024 tới đây. Theo quy định của Luật các TCTD (sửa đổi) vừa được thông qua, một cá nhân chỉ sở hữu tối đa 3% vốn điều lệ ngân hàng (so với 5% trước đây); Một tổ chức sở hữu tối đa 10% vốn điều lệ ngân hàng (so với 15% trước đây); Nhóm cổ đông và các bên liên quan sở hữu tối đa 15% vốn điều lệ ngân hàng (so với 20% trước đây).

Với quy định mới tại Luật các TCTD (sửa đổi), các chuyên gia thuộc khối nghiên cứu phân tích MSVN nói với DĐDN, những giới hạn sẽ có ý nghĩa tích cực nhằm lành mạnh hóa sự phát triển của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ tạo ra rào cản trong việc thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thong-doc-nhnn-chia-se-gi-ve-thi-truong-tai-chinh-viet-nam-704281.html