Thống nhất chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa cho cao tốc Bắc - Nam

Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, diện tích rừng tăng 438,3 ha, diện tích đất rừng tăng 582,93 ha; diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên tăng 152,55 ha so với con số đã được quyết định.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Tiếp tục phiên họp thứ 34, chiều 12/6 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tờ trình số 173/TTr-CP của Chính phủ về Nghị quyết điều chỉnh Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQHQH15 về quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, theo Tờ trình số 173, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, diện tích rừng tăng 438,3 ha (gồm 31,5 ha rừng tự nhiên và 406,8 ha rừng trồng); diện tích đất rừng tăng 582,93 ha; diện tích đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên tăng 152,55 ha so với Nghị quyết số 273.

Bên cạnh đó, qua khảo sát cho thấy hiện nay đối với một số khu vực không thuộc Nghị quyết số 273, đặc biệt là thuộc phạm vi rừng tự nhiên, các nhà thầu không thể triển khai thi công do các địa phương và cơ quan quản lý rừng không cho phép. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh Nghị quyết số 273 là cần thiết, phù hợp để bảo đảm cơ sở pháp lý và tránh ảnh hưởng đến tiến độ Dự án.

Cụ thể hơn về diện tích điều chỉnh, báo cáo thẩm tra nêu rõ, nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệnh diện tích rừng, đất rừng, đất trồng lúa từ hai vụ trở lên là do khi triển khai bước lập thiết kế kỹ thuật, phương án tuyến cần được tối ưu hóa để bảo đảm tính kinh tế - kỹ thuật; cập nhật chính xác điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn dẫn đến thay đổi cao độ đường đỏ, độ dốc mái đào, đắp; xác định chính xác hơn ranh giới, phạm vi chiếm dụng đất của Dự án.

Tuy nhiên, khảo sát Ủy ban Kinh tế nhận thấy, ngoài các nguyên nhân nêu trên thì việc tăng/giảm diện tích chủ yếu do tại bước phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (thiết kế cơ sở) đã được bổ sung hạng mục công trình, điều chỉnh hướng tuyến và các địa phương có cách hiểu, triển khai thực hiện khác nhau trong việc thống kê diện tích rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước hai vụ trở lên trong việc sử dụng diện tích bãi đổ thải, mỏ vật liệu, khu tái định cư, nghĩa trang... phục vụ cho Dự án.

Từ đó dẫn đến có địa phương thống kê các diện tích này vào phần tăng thêm, có địa phương cho rằng việc chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước hai vụ trở lên sử dụng cho các mục đích này thuộc thẩm quyền địa phương, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 273 nên không đề xuất điều chỉnh.

Để đẩy nhanh tiến độ Dự án, Chính phủ đã cho phép thực hiện đồng thời hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước hai vụ trở lên với báo cáo nghiên cứu khả thi (thiết kế cơ sở). Theo đó, phạm vi Dự án lúc lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước hai vụ trở lên tại Nghị quyết số 273 được xác định theo thiết kế sơ bộ (tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi).

Trong khi đó, tại bước quyết định đầu tư (thiết kế cơ sở), thiết kế kỹ thuật phạm vi Dự án đã có thay đổi, do bổ sung hạng mục và điều chỉnh phạm vi chiếm dụng đất của Dự án để đáp ứng các yêu cầu về mặt kỹ thuật, dẫn đến trong quá trình thi công gặp vướng mắc, đặc biệt đối với các khu vực đi qua rừng tự nhiên, do chưa phù hợp với phạm vi Dự án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 273.

Theo Ủy ban Kinh tế, tại Nghị quyết số 273, Ủy ban Thường vụ Quốc chỉ xem xét, quyết định việc chuyển đổi rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước hai vụ trở lên đối với phạm vi chiếm dụng đất theo tuyến của Dự án, không bao gồm diện tích sử dụng cho bãi đổ thải, khu tái định cư, mỏ vật liệu, nghĩa trang... Đối với việc xác định vị trí, quy mô các bãi đổ thải, khu tái định cư mỏ vật liệu, nghĩa trang... để phục vụ cho công tác thi công và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc thẩm quyền của địa phương và đã được các địa phương cho phép, quyết định, hiện nay đã được triển khai thực hiện.

Vì vậy, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định diện tích chuyển đổi rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước hai vụ trở lên vào các mục đích trên là không hợp lý. Đề nghị Chính phủ bổ sung, làm rõ hơn nguyên nhân tăng, giảm diện tích rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước hai vụ trở lên của Dự án so với Nghị quyết số 273 và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan (nếu có).

Ủy ban Kinh tế cho rằng, Nghị quyết số 273 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, do đó việc điều chỉnh là phù hợp theo thẩm quyền, tuy nhiên đề nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện lại Tờ trình, dự thảo Nghị quyết và hồ sơ theo quy định, xác định chính xác diện tích chiếm dụng đất theo tuyến của Dự án để bảo đảm việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên theo đúng thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau khi thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rút kinh nghiệm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, không để phát sinh diện tích rừng, trồng lúa với số lượng lớn như hiện nay, phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ…

Ông Hải đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ, tờ trình, dự thảo nghị quyết, đảm bảo đầy đủ hồ sơ, chính xác số liệu, đúng phạm vi rừng, đất rừng, đất trồng lúa được Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cho chuyển đổi mục đích sử dụng. Không đưa vào nghị quyết các nội dung vượt phạm vi Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Khẩn trương rà soát toàn bộ dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông 2021 - 2025 kịp thời báo cáo Quốc hội quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không để làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Chính phủ chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu về đất rừng, đất lúa chuyển đổi mục đích để xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía đông, đảm bảo phù hợp tương thích các quy hoạch có liên quan, đồng thời đảm bảo việc trồng rừng thay thế, bù đắp đất trồng lúa, có phương án chuyển đổi theo đúng quy định, Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý.

100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết thống nhất các nguyên tắc nêu trên, Phó chủ tịch Quóc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, hoàn chỉnh hồ sơ, dự thảo nghị quyết, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thong-nhat-chuyen-muc-dich-su-dung-dat-rung-dat-lua-cho-cao-toc-bac---nam-d217526.html