Thống nhất mức thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả các loại hình báo chí
Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng áp dụng thống nhất mức thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả các loại hình báo chí.
Tiếp theo chương trình Kỳ họp, sáng 12/5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và thảo luận trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Toàn cảnh phiên họp.
Các ý kiến cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi như Chính phủ trình. Dự thảo Luật cũng hoàn thiện quy định liên quan đến người nộp thuế và thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; hoàn thiện quy định về các khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; hoàn thiện quy định liên quan đến định các khoản được trừ và không được trừ, điều chỉnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số nhóm đối tượng phù hợp với bối cảnh mới; hoàn thiện các quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định…
Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định thời gian ưu đãi tối đa khi có thu nhập chịu thuế giúp doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư rõ ràng, đồng thời khuyến khích phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và khởi nghiệp sáng tạo. Ngoài ra, cần quy định thêm về đánh giá hiệu quả ưu đãi thuế theo định kỳ do Chính phủ đánh giá định kỳ hiệu quả của các chính sách ưu đãi thuế, báo cáo Quốc hội để điều chỉnh phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Vì đánh giá định kỳ đảm bảo các chính sách ưu đãi đạt hiệu quả thực chất, tránh lãng phí ngân sách, đồng thời điều chỉnh kịp thời nếu không phù hợp.
Cũng tại Phiên họp, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan đến rà soát hệ thống chính sách ưu đãi thuế; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật; chính sách ưu đãi thuế đối với lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; về các khoản chi phí được trừ; ưu đãi thuế đối với đơn vị sự nghiệp công lập;…
Ông Phan Văn Mãi - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội - cho biết, dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 4 chương và 21 điều.
Về bổ sung ưu đãi thuế đối với báo chí, theo cơ quan soạn thảo, quy định của luật hiện hành, thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo trên báo in theo quy định của Luật Báo chí áp dụng thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động; đối với các hoạt động báo chí khác áp dụng mức thuế suất phổ thông là 20%.
Ông Phan Văn Mãi cho biết, trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang phải thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại theo chủ trương của Đảng và Nhà nước và là đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ hoàn toàn, nguồn thu của báo chí chủ yếu dựa vào quảng cáo nhưng cùng với sự phát triển của công nghệ, nhất là truyền thông xã hội, nguồn thu từ quảng cáo của báo chí có xu hướng sụt giảm.
Do đó, để thể hiện sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của các cơ quan báo chí, trên cơ sở nhất trí với đề xuất của Cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng áp dụng thống nhất mức thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả các loại hình báo chí, tương tự như chính sách ưu đãi đang áp dụng cho báo in.
Tại dự thảo luật trình Quốc hội ở kỳ họp thứ 8 (tháng 11-2024), Chính phủ đề xuất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo điện tử, truyền hình, phát thanh về mức 15% (giảm 5% so với hiện hành). Riêng loại hình báo in vẫn áp dụng mức ưu đãi 10% như quy định hiện nay.
Khi cho ý kiến về nội dung này ở kỳ họp thứ 8, nhiều ý kiến đề nghị cần có chính sách ưu đãi về thuế nhiều hơn đối với lĩnh vực văn hóa và báo chí, nên áp dụng mức thuế suất 10%. Ý kiến khác đề nghị có chính sách ưu đãi nhiều hơn là 5% hoặc 0%.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP HCM) cho rằng cần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sâu hơn, về mức 0% hoặc 5% với lĩnh vực báo chí, thay vì 10% như trong dự thảo luật.
Nhấn mạnh báo chí là lĩnh vực quan trọng, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho rằng thuế thu nhập doanh nghiệp hiện đang quá cao với lĩnh vực này. Do đó, ông đề nghị xem xét ưu đãi thuế mạnh hơn cho báo chí.
Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với đầu tư mở rộng (ĐTMR), một số đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc dự thảo luật tiếp tục tạo ra 2 chế độ thuế khác nhau trong cùng một cơ sở kinh doanh (giữa cấu phần của dự án ban đầu và cấu phần dự án ĐTMR) là bất cập trong quản lý và thực hiện.
Ông Mãi cho biết ghi nhận các ý kiến này, song UBTVQH cho rằng trước mắt vẫn cần phải tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh trong trường hợp dự án chính đã hết thời hạn ưu đãi như đang được quy định hiện hành.
Vì vậy, đối với các trường hợp dự án ban đầu đã hết thời gian hưởng ưu đãi, đề nghị cho giữ như tinh thần của dự thảo luật, theo ông Mãi.
Đồng thời, ông Mãi cho hay dự thảo luật cũng được chỉnh lý để bảo đảm mức ưu đãi được giữ như luật hiện hành. Cụ thể, các thu nhập tăng thêm từ dự án ĐTMR được miễn thuế, giảm thuế và không được hưởng ưu đãi về thuế suất để tránh cách hiểu khác nhau, bảo đảm sự rõ ràng trong thực hiện.