Thống nhất sách giáo khoa Chương trình Giáo dục phổ thông 2018: Thuận cả đôi bên
Khác với năm học 2020 - 2021, đối với lớp 1 Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (còn gọi là Chương trình Giáo dục phổ thông mới), các nhà trường trên địa bàn tỉnh được quyền lựa chọn những cuốn sách (môn học) tốt nhất trong 5 bộ sách giáo khoa, thì từ năm học 2021 - 2022, học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 6 trong toàn tỉnh sử dụng thống nhất 1 bộ sách lựa chọn từ 3 bộ sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phê duyệt. Điều này đã mang lại hiệu ứng tích cực…
Học sinh lớp 2A, Trường Tiểu học Hải Hà (thị xã Nghi Sơn) học nhóm.
Ngày 27-5-2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1766/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6, sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, từ năm học 2021 - 2022. Cụ thể, 3 bộ sách được chọn cho lớp 1, lớp 2 và lớp 6, đó là: Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo. Từ 3 bộ sách này, tiến hành lựa chọn những cuốn ưu việt nhất, tạo bộ sách giáo khoa sử dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh. 3 bộ sách của 3 nhà xuất bản: NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và NXB Đại học Sư phạm. Trong đó, các sách được chọn chủ yếu của NXB Giáo dục Việt Nam.
Theo cô giáo Phan Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Hà (thị xã Nghi Sơn): “Việc chọn sách năm nay rất phù hợp. Đối với những xã nghèo như Hải Hà, thuận lợi nhất là phụ huynh mua sách cho con dễ hơn vì chỉ có một bộ sách. Năm học trước, một số phụ huynh lo lắng khi con chuyển trường vì các nhà trường sử dụng sách khác nhau, ảnh hưởng đến việc học của con”.
Cô giáo Nguyễn Thúy Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Cương (TP Thanh Hóa) cho rằng: “Đúng là dễ dàng hơn trong việc mua sách, nhưng khó cho phụ huynh ở chỗ, bộ sách năm học trước sẽ không sử dụng lại được hết mà chỉ có một số cuốn, nên ít nhiều có sự tốn kém”.
Việc thống nhất bộ sách giáo khoa cho các lớp theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trên phạm vi cả tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các đại lý, đơn vị phân phối trong việc tính toán nhu cầu để cung ứng sách ra thị trường.
Khi thẩm quyền chọn sách giáo khoa thuộc về các nhà trường, dẫn đến tình trạng học sinh học trường khác nhau thì học sách khác nhau, gây ra những khó khăn nhất định. Vẫn biết, yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của học sinh ở cuối mỗi năm học là giống nhau. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện và con đường để đi đến kết quả cuối cùng giữa các bộ sách giáo khoa khác thì không giống nhau. Theo bà Vũ Thị Thanh Vân, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn: “Sử dụng sách giáo khoa khác nhau sẽ gây khó khăn về công tác quản lý chuyên môn cũng như quá trình kiểm tra, đánh giá chung đối với các đơn vị trên cùng địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Năm nay, việc lựa chọn sách giáo khoa đã thống nhất trong toàn tỉnh, đảm bảo khoa học hơn”.
Bà Lê Thị Thu Hà, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa, cho biết: “Thực tế, khi có một bộ sách giáo khoa chung sẽ tạo thuận lợi hơn trong chỉ đạo chuyên môn của các cấp quản lý. Đồng thời, các trường, cụm trường cũng dễ dàng hơn trong tổ chức hội thảo, sinh hoạt chuyên đề và các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục”.
Sách giáo khoa năm học 2020 - 2021, mặc dù khi triển khai có một số khó khăn, bất cập nhưng lại cho kết quả khả quan. Cuối học kỳ I, học sinh đã tự tin, năng động hơn. “Việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa năm học 2021 - 2022 được chuẩn bị công phu, triển khai đảm bảo đúng quy trình và quy định. Sách được chuẩn bị, cung ứng đầy đủ, kịp thời. Việc lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của các cơ sở giáo dục và toàn xã hội. Đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được ý kiến trái chiều nào từ cơ sở đối với sách giáo khoa của 3 khối lớp này”, ông Trịnh Vinh Long, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT cho biết.