Thống nhất tiêu chuẩn trong xây dựng đường sắt đô thị
Theo các chuyên gia, việc mỗi đường sắt đang áp dụng một tiêu chuẩn khác nhau gây nhiều khó khăn trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống. Vì vậy, cần thống nhất một tiêu chuẩn nhất định về xây dựng đường sắt đô thị tại Việt Nam.
Hội thảo phát triển đường sắt đô thị tiếp tục diễn ra phiên thứ 4 với chuyên đề Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và quản lý dự án đường sắt đô thị. Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cùng nhiều chuyên gia trong ngành đường sắt đô trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo chuyên đề, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Đương Đức Tuấn cho biết, theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) với tổng chiều dài 417,8km, trong đó 75,6km đi ngầm. Tuy nhiên hiện nay mới chỉ hoàn thành được 13km của tuyến ĐSĐT số 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông, và đang triển khai thi công 12,5km tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.
Thực tế quá trình triển khai thực hiện, cả hai dự án ĐSĐT của Hà Nội đều chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan. Một trong những nguyên nhân chính là Chủ đầu tư cũng như các nhà thầu gặp không ít vướng mắc khi áp dụng nhiều hệ thống Quy chuẩn, tiêu chuẩn cả trong và ngoài nước, cũng như khó khăn trong công tác quản lý dự án ĐSĐT. Theo các chuyên gia, việc mỗi đường sắt đang áp dụng một tiêu chuẩn khác nhau gây nhiều khó khăn trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống.
Cần thống nhất một tiêu chuẩn nhất định về xây dựng đường sắt đô thị tại Việt Nam. Đây là ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia trong phiên hội thảo lần này. Khung tiêu chuẩn thống nhất ngoài việc giúp đảm bảo tính tương thích và khả năng tương tác của các tuyến đường sắt, mà còn giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa, từ đó gia giảm được giá thành đầu tư.
Hiện các tuyến đường sắt đô thị trên thế giới đều thực hiện theo một tiêu chuẩn nhất định trong tư vấn thiết kế và xây dựng. Việc thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật giữa nhiều đơn vị chủ thể là “chìa khóa” cốt lõi để thiết lập tiêu chuẩn. Điều này bao gồm sự phối hợp và liên lạc giữa nhiều đơn vị như đơn vị thiết kế, đơn vị thi công, đơn vị giám sát và đơn vị vận hành. Nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn cho các công trình tàu điện ngầm, đơn vị thiết kế và đơn vị thi công cần có sự hợp tác chặt chẽ để cùng lập ra phương án thiết kế và kế hoạch thi công chi tiết.