Thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa của Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 – 2025
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ Mười ba, sáng nay, 11.7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Đúng thẩm quyền
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Lâm nghiệp, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đề xuất nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng 1.054,63 ha thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích của Quốc hội.
Tại Nghị quyết số 44/2022/QH15, Quốc hội giao Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng của Dự án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương. Dự án đã thực hiện điều tra, đánh giá hiện trạng rừng và lập bản đồ hiện trạng khu vực đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng về: vị trí (lô, khoảnh, tiểu khu, địa danh hành chính), kết quả điều tra rừng (diện tích rừng, trữ lượng rừng); diện tích theo loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất); nguồn gốc hình thành (rừng tự nhiên, rừng trồng); điều kiện lập địa, trữ lượng (đối với rừng tự nhiên), loài cây (đối với rừng trồng) của các dự án thành phần và đã được được địa phương thẩm định.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, ngày 11.01.2022, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (Nghị quyết số 44), trong đó, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 5.481 ha bao gồm đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha. Khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 44 quy định: “Giao Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương trước khi quyết định đầu tư Dự án”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến cho rằng tại Nghị quyết số 44, Quốc hội không giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, tuy nhiên tại Tờ trình số 248, Chính phủ đề nghị xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của Dự án, do đó đề nghị cân nhắc về nội dung này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng Dự án có diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng lớn là 1.054,63 ha, trong đó rừng phòng hộ là 111,84 ha, rừng đặc dụng 4,45 ha, rừng sản xuất 802,91 ha, ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 145,43 ha, do đó, để bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về lâm nghiệp và phù hợp với tình hình thực tế thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phù hợp, đúng thẩm quyền theo quy định.
Hồ sơ kèm theo Tờ trình số 248 của Chính phủ đã cơ bản đáp ứng theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16.11.2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15.7.2020 của Chính phủ).
Cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa hai vụ trở lên tăng thêm so với Nghị quyết 44
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, chủ trương đầu tư dự án là Quốc hội quyết định và Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ hoàn chỉnh hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên. Theo Luật Đất đai thì không có khái niệm “đất rừng”, trong Luật Đầu tư công cũng không có có khái niệm là nội dung của dự án đầu tư phải có “đất rừng”, cho nên Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 là đúng.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 với một số nội dung như sau:
Thứ nhất, thống nhất quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 theo nhiệm vụ Quốc hội giao tại khoản 2, điều 3 của Nghị quyết số 44/2022/QH15.
Thứ hai, thống nhất về nguyên tắc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa hai vụ trở lên tăng thêm so với Nghị quyết 44 và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ để kịp thời triển khai việc thực hiện đúng tiến độ. Đồng thời đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư, bảo đảm bảo đúng quy định về ủy quyền.
Thứ ba, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng ngoài các nội dung nêu tại điểm 1, điểm 2, các nội dung khác phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (nếu có) phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và Chính phủ phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Phó Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh Nghị quyết, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.