Thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự
Chiều 24/11, Quốc hội thông qua dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, với tỷ lệ hơn 95% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự gồm 6 chương, 34 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Luật quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; chế độ, chính sách trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Về quy định đối với công trình lưỡng dụng – một trong những điểm có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình bàn luật, theo dự án luật vừa thông qua, công trình lưỡng dụng là công trình sử dụng cho cả mục đích quân sự, quốc phòng và mục đích dân sự, gồm công trình dân sự có tính lưỡng dụng và công trình quốc phòng sử dụng lưỡng dụng, được cấp có thẩm quyền quyết định khi phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc chuyển đổi, bổ sung mục đích sử dụng.
Cơ quan chủ trì thẩm định chủ trương đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng về tính lưỡng dụng của công trình trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình lưỡng dụng có trách nhiệm cung cấp hồ sơ thiết kế, hoàn công và phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng để đăng ký danh mục, phân loại, phân nhóm, quản lý hồ sơ.
Khi quyết định sử dụng hay bãi bỏ sử dụng lưỡng dụng đối với công trình quốc phòng, bộ trưởng Bộ Quốc phòng phải chủ trì, phối hợp với bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, chủ tịch UBND cấp tỉnh có liên quan trình Thủ tướng quyết định.
Trong trường hợp cấp bách để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định có thời hạn việc chuyển công trình lưỡng dụng từ sử dụng cho mục đích dân sự sang sử dụng cho mục đích quân sự.
Công trình lưỡng dụng khi sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng thì được quản lý, bảo vệ theo quy định của luật.
Trường hợp công trình lưỡng dụng sử dụng đồng thời cho cả mục đích quân sự, quốc phòng và mục đích dân sự thì chủ sở hữu công trình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức việc quản lý, bảo vệ công trình theo quy định của luật này và pháp luật có liên quan.
Nếu muốn cải tạo, sửa chữa công trình dân sự có tính lưỡng dụng làm thay đổi công năng sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng phải có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng.
Nếu thay đổi chủ sở hữu hoặc đưa công trình dân sự có tính lưỡng dụng ra khỏi danh mục công trình lưỡng dụng thì cần phải có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng và được phép của cấp có thẩm quyền.
Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng công trình lưỡng dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng công trình dân sự sang công trình lưỡng dụng.