Thông qua Nghị quyết tạo đột phá trong xây dựng, thi hành pháp luật
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm tạo đột phá trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật vào sáng 17/5, với 87,03% đại biểu tán thành.
Đây được đánh giá là một bước đi quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước bằng pháp luật.
Nghị quyết gồm 12 điều, quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính, nhân lực, phát triển và ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, với mục tiêu tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật hiện nay. Một điểm nhấn quan trọng là nghị quyết không chỉ đề cập đến quy trình lập pháp, mà còn nhấn mạnh các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho công tác xây dựng pháp luật từ cơ sở đến Trung ương, góp phần đồng bộ hóa hệ thống pháp luật, tăng tính khả thi và hiệu quả khi đi vào cuộc sống.

Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết tạo đột phá trong xây dựng, thi hành pháp luật.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan soạn thảo đã chỉnh lý nhiều nội dung quan trọng nhằm bảo đảm tính hợp lý, khả thi, minh bạch và ngăn chặn nguy cơ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện. Trong đó, nổi bật là việc tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực, đặc biệt là phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật - lĩnh vực vốn nhạy cảm, có nguy cơ bị lợi dụng để cài cắm, hợp thức hóa lợi ích nhóm nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ.
Một trong những nội dung đáng chú ý khác là việc giảm 30% tổng mức khoán chi xây dựng văn bản pháp luật đối với cơ quan Trung ương, nhằm tiết kiệm ngân sách, đồng thời tăng hỗ trợ cho cấp tỉnh, nơi công tác xây dựng pháp luật thường thiếu nguồn lực và chuyên môn. Mức hỗ trợ cho cấp xã được giữ nguyên, thể hiện sự quan tâm đến các địa phương cơ sở, nơi pháp luật cần được cụ thể hóa và tổ chức thực thi hiệu quả.
Nghị quyết cũng cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật - một cơ chế tài chính mới, linh hoạt. Tuy nhiên, để tránh bị lợi dụng tài trợ cho những dự thảo luật cụ thể và phát sinh xung đột lợi ích, nghị quyết quy định rõ: Quỹ này không được dùng để tài trợ trực tiếp cho bất kỳ dự thảo luật cụ thể nào. Việc này nhằm bảo đảm tính khách quan, độc lập của các đề xuất chính sách, tạo niềm tin trong xã hội.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Đáng chú ý, để khuyến khích sự tham gia chủ động và hiệu quả hơn từ các đại biểu dân cử, nghị quyết bổ sung chính sách hỗ trợ hàng tháng cho đại biểu HĐND cấp tỉnh chuyên trách khi trực tiếp tham gia xây dựng pháp luật. Đây là sự ghi nhận vai trò quan trọng của hệ thống chính quyền địa phương trong công tác lập pháp, đồng thời tăng động lực và trách nhiệm của các đại biểu trong việc phản ánh thực tiễn, đóng góp ý kiến từ cơ sở.
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng cho phép Chính phủ được quy định mức khoán chi với các loại văn bản pháp luật mới sẽ được bổ sung sau, thể hiện sự linh hoạt và chủ động trong việc áp dụng các cơ chế chi tiêu, tránh dập khuôn, cứng nhắc như hiện nay.
Điều 10 của Nghị quyết nhấn mạnh việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số là giải pháp then chốt hiện đại hóa công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu pháp lý, hệ thống theo dõi thi hành pháp luật, đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong rà soát, đánh giá văn bản, tất cả nhằm hướng tới một nền lập pháp hiện đại, minh bạch, hiệu quả và gần dân hơn.
Nghị quyết sẽ này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2025.