Thông tư 06 chưa chỉ rõ đối tượng được hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về tín dụng

Đó quan điểm của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) khi nói về những bất cập của Thông tư 06/2023/TT-NHNN. Hội này cũng kiến nghị nên thu hồi thông tư này và nghiên cứu, ban hành nghị định có nội dung bám sát và đúng theo tinh thần của nghị quyết số 33/NQ-CP.

Theo đó, VARS cho rằng hiện nay pháp lý và nguồn vốn đang là khó khăn chính của thị trường bất động sản. Bởi hai yếu tố này mà hàng ngàn dự án đang phải “đắp chiếu”, khó triển khai hoặc phải tạm dừng hoạt động. Riêng về nguồn vốn, không chỉ chủ đầu tư mà nhiều khách hàng, nhà đầu tư cũng gặp khó trong việc tiếp cận, dẫn dến thanh khoản ách tắc.

Để giải tỏa vấn đề về nguồn vốn, Nghị quyết 33/NQ-CP đã cho thấy mục tiêu tháo gỡ rõ ràng về nguồn vốn tín dụng, nhằm khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường. Thông qua việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người mua nhà và đầu tư thuận lợi trong khâu tiếp cận các nguồn vốn tín dụng với mức lãi suất ưu đãi.

Tuy nhiên, Thông tư 06/2023/TT-NHNN gần như không bám trúng tinh thần của Nghị quyết 33/NQ-CP, chưa chỉ rõ các đối tượng được hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về tín dụng. Ngược lại, tại Thông tư 06 lại chỉ ra những đối tượng không được vay một cách chung chung, mơ hồ khiến cho các ngân hàng thương mại có thêm lý do để từ chối hồ sơ của khách hàng.

 VARS cho rằng nếu Thông tư 06 có hiệu lực sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của nhiều dự án bất động sản.

VARS cho rằng nếu Thông tư 06 có hiệu lực sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của nhiều dự án bất động sản.

VARS còn cho rằng, Thông tư 06 còn có những vấn đề bất cập khác. Đơn cử như việc các dự án đang bị vướng mắc pháp lý hoặc đang thiếu vốn chưa đủ điều kiện để triển khai tiếp. Nếu không được cho vay thì doanh nghiệp không có cơ hội xoay chuyển.

Bên cạnh đó, kênh M&A - mua bán và sáp nhập đang được coi là một kênh góp phần hỗ trợ tích cực, mở ra lối thoát cho nhiều doanh nghiệp và cho cả thị trường bất động sản. Nhưng tại Thông tư 06, thay vì tạo điều kiện, nới lỏng và hỗ trợ cho hoạt động M&A thì lại sinh ra nguy cơ sẽ khiến hoạt động này trở lên khó khăn hơn.

Cuối cùng là việc thủ tục thể hiện trong Thông tư 06 còn nhiều điểm chưa rõ, mơ hồ, rất dễ khiến thị trường thêm rối. Từ đó, kéo dài thời gian chững, gây ảnh hưởng đến quá trình hồi sức của thị trường.

Vì các lý do nói trên, VARS cho rằng hiện tại Ngân hàng nhà nước nên thu hồi lại Thông tư 06 và nghiên cứu, ban hành nghị định có nội dung bám sát và đúng theo tinh thần của nghị quyết số 33/NQ-CP. Nghị định này nên đi theo hướng làm rõ đối tượng được vay, gặp khó khăn do pháp lý mâu thuẫn, khó về vốn buộc phải dừng giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất, mua lại các doanh nghiệp khó; phương án cho vay đối với những đối tượng đặc biệt; cơ chế giám sát, bảo đảm hiệu quả sau cho vay; thủ tục cho vay cần quy định chi tiết, rõ ràng...

Trước đó vào tối ngày 16/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có văn bản hỏa tốc gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Thống đốc và các phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.

Theo đó, với tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, người dân, bảo đảm chính sách khi ban hành phải đúng, trúng, không cản trở sự phát triển và phù hợp, kịp thời xử lý vướng mắc, giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẩn trương chủ trì họp ngay với Thống đốc NHNN, lãnh đạo NHNN, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để nghe báo cáo và nghiên cứu chỉ đạo về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06 và những điểm bất hợp lý của Thông tư số 03, báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/8.

An Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thong-tu-06-chua-chi-ro-doi-tuong-duoc-ho-tro-thao-go-kho-khan-ve-tin-dung-post260891.html