Thông tư số 08/2023 đã sửa đổi được 4 điều vô lí nhất của chùm Thông tư 01- 04

Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung mà Bộ ban hành đã loại bỏ được một số điều bất cập đã được nhiều thầy cô lên tiếng.

Ngày 14/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm Thông tư 01- 042021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/5/2023.

Việc Bộ ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của đội ngũ nhà giáo sau quãng thời gian lấy ý kiến của dư luận trước những bất cập của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.

Vậy, Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành có gì mới so với chùm Thông tư 01- 04/2021/TT-BGDĐT mà Bộ đã ban hành ngày 02/2/2021? Những điều phi lí trong chùm Thông tư 01- 04/2021/TT-BGDĐT đã được sửa như thế nào?

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Thứ nhất: theo hướng dẫn của Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT thì Bộ đã bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng giáo viên. Trước đây, theo chùm Thông tư số 01- 04/2021/TT-BGDĐT thì giáo viên hạng nào sẽ có 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp .

Thế nhưng, tại Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT Bộ đã điều chỉnh quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp như sau: Chỉ quy định 01 chứng chỉ chung đối với các hạng giáo viên. Mỗi cấp học chỉ có 01 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Giáo viên đã có 1 trong các chứng chỉ theo hạng của cấp học đang giảng dạy cấp trước ngày 30/6/2022 thì được xác định đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng với từng cấp học.

Khi bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng theo quy định tại theo chùm Thông tư số 01- 04/2021/TT-BGDĐT và khi chuyển chức danh nghề nghiệp thì không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ. Giáo viên tuyển dụng mới phải có chứng chỉ theo quy định trong thời gian thực hiện chế độ tập sự.

Như vậy, so với trước đây, mỗi hạng giáo viên sẽ có một chứng chỉ thì giờ đây tất cả các hạng giáo viên chỉ cần một chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là được.

Thứ hai: Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT đã bỏ quy định tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở từng hạng chức danh nghề nghiệp và chỉ quy định đạo đức nghề nghiệp chung cho giáo viên ở tất cả các hạng. Tiêu chuẩn chung cho các hạng chức danh nghề nghiệp về đạo đức nghề nghiệp như sau:

“1. Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục mầm non.

2. Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước trẻ em.

3. Yêu nghề, thương yêu trẻ em; biết quản lý cảm xúc; đối xử công bằng và tôn trọng trẻ em; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.

4. Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ chung của viên chức và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đạo đức nhà giáo.”

Như vậy, những tiêu chí vô lý về đạo đức của giáo viên trong chùm Thông tư số 01- 04/2021/TT-BGDĐT đã được lược bỏ.

Thứ ba: theo hướng dẫn tại Thông tư số 02,03/2021/TT-BGDĐT thì giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên.

Tuy nhiên, tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, Bộ đã điều chỉnh quy định về trình độ đào tạo của giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở hạng I là đại học.

Cụ thể: Sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT như sau: Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tiểu học theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT như sau: Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học cơ sở theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Việc Bộ không yêu cầu giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở hạng I phải có bằng thạc sĩ trở lên là phù hợp với thực tế dưới cơ sở. Vì nếu yêu cầu như vậy sẽ dẫn đến thiệt thòi cho nhiều giáo viên và sẽ tạo nên việc chạy đua văn bằng, biết đâu lại hình thành những “lò ấp” thạc sĩ như trước đây dư luận xã hội đã từng chứng kiến.

Thứ tư: Giáo viên các cấp không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới

Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT như sau:

Nhiệm vụ của giáo viên được quy định đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp là những công việc giáo viên thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng và trong suốt thời gian giữ hạng nếu được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phân công.

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thể phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ của hạng cao hơn nếu giáo viên có khả năng thực hiện. Đối với những nhiệm vụ theo hạng chức danh nghề nghiệp mà trường mầm non, phổ thông công lập không được giao hoặc không đủ điều kiện thực hiện thì người đứng đầu trường mầm non, phổ thông công lập quyết định việc quy đổi sang các nhiệm vụ khác có liên quan để làm căn cứ đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của giáo viên.

Không yêu cầu giáo viên phải cung cấp minh chứng về việc thực hiện nhiệm vụ của hạng khi bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định tại các chùm Thông tư số 01- 04/2021/TT-BGDĐT.

Việc bỏ đi những minh chứng là điều cần thiết vì thực tế các loại văn bằng, chứng chỉ, các danh hiệu thi đua nhà trường đều đã lưu trong hồ sơ viên chức.

Như vậy, Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư 01- 042021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập đã loại bỏ được nhiều bất cập so với trước đây mà dư luận đã lên tiếng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thong-tu-so-082023-da-sua-doi-duoc-4-dieu-vo-li-nhat-cua-chum-thong-tu-01-04-post234536.gd