Thông tuyến đường sắt cao tốc sát biên giới Việt Nam, Trung Quốc tỏ rõ tham vọng

Tuyến đường sắt cao tốc nối liền 'cửa ngõ' của các nước Đông Nam Á với thành phố Đông Hưng, sát biên giới Việt - Trung được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy giao thương kinh tế, thương mại giữa các bên.

 Tuyến đường sắt nối thành phố Phòng Thành Cảng tới thành phố Đông Hưng, sát biên giới Việt - Trung.

Tuyến đường sắt nối thành phố Phòng Thành Cảng tới thành phố Đông Hưng, sát biên giới Việt - Trung.

Tuyến đường sắt nối thành phố Phòng Thành Cảng tới thành phố Đông Hưng thuộc khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, giáp với thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 27/12 vừa qua.

Đây là tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên nối của Trung Quốc chạy thẳng tới biên giới Việt - Trung. Theo SCMP, tuyến đường sắt cao tốc này cho thấy nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh trong việc tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư với các nước láng giềng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Tuyến đường sắt có chiều dài 47km, nối liền các thành phố Phòng Thành Cảng – nơi có cảng biển lớn nhất ở miền Tây Trung Quốc và là cửa ngõ giao thương chính của các quốc gia Đông Nam Á, với thành phố Đông Hưng.

Nhờ đó, thời gian di chuyển giữa hai thành phố giảm từ 1 giờ xuống chỉ còn 19 phút. Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc qua cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) cũng được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Tuyến đường sắt cao tốc có ý nghĩa to lớn về kinh tế, thương mại.

Tuyến đường sắt cao tốc có ý nghĩa to lớn về kinh tế, thương mại.

Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc cho biết: “Sau khi tuyến đường sắt cao tốc được đưa vào hoạt động, mạng lưới đường bộ trong khu vực Vịnh Bắc Bộ đã được cải thiện đáng kể.

Nó có ý nghĩa vô cùng to lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, thúc đẩy du lịch biên giới, trao đổi kinh tế và thương mại cũng như thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng cho Sáng kiến Vành đai và Con đường”.

Việc khai trương tuyến đường sắt cao tốc diễn ra sau khi Trung Quốc và Việt Nam công bố hợp tác chặt chẽ hơn về phát triển đường sắt xuyên biên giới trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Việt Nam hồi đầu tháng này.

Trước đó, Trung Quốc đã tăng cường xây dựng các tuyến đường sắt và các dự án cơ sở hạ tầng xung quanh Vịnh Bắc Bộ trong những năm gần đây với nỗ lực thúc đẩy giao thông thương mại và hậu cần, kết nối các tỉnh nội địa ở Tây Nam Trung Quốc với khối ASEAN - đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Theo số liệu hải quan Trung Quốc, xuất khẩu sang khu vực ASEAN đạt 473 tỷ USD trong 11 tháng năm 2023, trong khi nhập khẩu từ khối 10 quốc gia vẫn đứng vững ở mức 352 tỷ USD trong cùng kỳ.

Cuối năm 2015, Trung Quốc – Lào bắt đầu khơi công xây dựng tuyến đường sắt nối liền hai quốc gia. Tuyến đường sắt này có trị giá gần 6 tỷ USD, được kỳ vọng sẽ giúp tăng lưu lượng mậu dịch giữa Trung Quốc và Lào từ 1,2 triệu tấn vào năm 2016 lên 3,7 triệu tấn vào năm 2030.

Trung Quốc cũng đã thảo luận với Indonesia về việc mở rộng tuyến đường sắt tới thành phố cảng Surabaya của tỉnh Tây Java. Ngoài ra, Thái Lan bắt đầu đàm phán với Lào về tiềm năng phát triển đường sắt Trung Quốc - Lào - Thái Lan.

Khánh Tú

Theo SCMP

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/thong-tuyen-duong-sat-cao-toc-sat-bien-gioi-viet-nam-trung-quoc-to-ro-tham-vong-20180504224293389.htm