Thông xe kỹ thuật đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài: Tăng tính kết nối, giảm ùn tắc
Thông tin với PV ANTĐ ngày 16-1, ông Trịnh Hữu Tuấn – Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, cơ quan chức năng đã sẵn sàng tổ chức thông xe kỹ thuật đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Đống Đa là một trong bốn quận nội thành có mật độ dân số cao nhất Thành phố. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, Thành phố đã phê duyệt quy hoạch đến 2020 tầm nhìn 2030, trên địa bàn quận Đống Đa có khoảng 18 dự án giao thông trọng điểm đang triển khai xây dựng, nâng cấp hạ tầng. Những tuyến phố huyết mạch như: Đường vành đai 1, vành đai 2, Nguyễn Chí Thanh… được nâng cấp tạo điều kiện kinh tế khu vực phát triển đầy năng động và sầm uất. Bên cạnh đó, một số dự án quy hoạch giao thông được phê duyệt, đã và đang triển khai tại quận Đống Đa có thể kể đến như dự án mở rộng đường Lương Định Của - Trường Chinh; cải tạo nút Tây Sơn - Hồ Đắc Di; cải tạo nút giao thông Chùa Bộc - Thái Hà… Khi hoàn thành, các tuyến đường này sẽ giải quyết được bài toán giao thông và góp phần làm thay đổi diện mạo của khu vực.
Riêng đối với tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, khi hoàn chỉnh sẽ kết nối hệ thống các tuyến đường giao thông chính trong khu vực, giảm tải cho tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, đường Láng (một đoạn tuyến của đường Vành đai II) và đường Đê La Thành (Vành đai I, đoạn Voi Phục- Giảng Võ), hạn chế ùn tắc giao thông, đặc biệt là giờ cao điểm, đồng thời tạo ra một tuyến phố văn minh hiện đại, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đây cũng là một trong những công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ Quận lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Vẫn theo ông Trịnh Hữu Tuấn, Dự án đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài được HĐND Thành phố chấp thuận chủ trương tại Văn bản số 153/HĐND-KTNS ngày 26/4/2016 và phê duyệt đầu tư thực hiện tại Quyết định 3213/QĐ-UBND ngày 26/6/2018.
Với quy mô đầu tư tuyến đường có chiều dài khoảng 1,3km; bề rộng mặt cắt ngang B=28,3m ÷ 30,0m. Điểm đầu tuyến tại vị trí nút giao đường Huỳnh Thúc Kháng và đường Nguyễn Chí Thanh, điểm cuối tuyến tại vị trí nút giao Voi Phục. Các hạng mục đầu tư đồng bộ chính: Nền mặt đường, vỉa hè, cấp, thoát nước, hào kỹ thuật, cây xanh, chiếu sáng, an toàn giao thông...
Với itổng mức đầu tư 342.624 triệu đồng từ nguồn vốn đầu tư ngân sách Thành phố và thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 đến năm 2022; Dự án được UBND quận Đống Đa khởi công thực hiện vào tháng 3-2019, gồm 2 gói thầu xây lắp chính là thi công xây dựng tuyến đường, cây xanh, cấp nước, thoát nước và đồng bộ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật trên tuyến đường; và Thi công xây lắp hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu.
“Để có mặt bằng triển khai thi công dự án, UBND quận Đống Đa phải tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thu hồi diện tích đất khoảng 19.868 m2 của 16 tổ chức và 69 hộ dân trên địa bàn phường Láng Thượng. Quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc như phát sinh công tác di chuyển, hoàn trả các công trình điện, công trình hạ tầng kỹ thuật, người dân không đồng thuận với việc thực hiện di chuyển GPMB (do có rất nhiều kiện nghị, khiếu nại...liên quan đến cơ chế chính sách GPMB)”, Phó Chủ tịch Trịnh Hữu Tuấn chia sẻ và cho biết thêm, quá trình thi công công trình cũng rơi vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến rất phức tạp trên địa bàn Thành phố nói chung và trên địa bàn quận Đống Đa nói riêng. Có những thời điểm công trình phải dừng thi công do tuân thủ các Chỉ thị cách ly, giãn cách xã hội, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Quận ủy - HĐND - UBND Quận, sự nỗ lực cố gắng của tập thể Ban QLDA Đầu tư xây dựng, các đơn vị nhà thầu; - đặc biệt là công tác tuyên truyền vận động để các hộ dân chấp hành nhận tiền và bàn giao mặt bằng (hạn chế tối đa tình trạng phải cưỡng chế thu hồi đất) là những tiền đề cơ bản góp phần hoàn thành dự án theo tiến độ được phê duyệt.
Lãnh đạo quận Đống Đa nhấn mạnh, đối với Dự án, công tác giám sát đầu tư cộng đồng; an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ luôn được quan tâm và thực hiện nghiêm túc trong suốt quá trình triển khai thi công xây dựng.
Công trình đã được các đơn vị chức năng nghiệm thu các hạng mục theo đúng hồ sơ thiết kế của dự án, đảm bảo các yêu cầu, quy chuẩn, tiêu chuẩn và phát huy hiệu quả sử dụng đúng mục đích, công năng; chấp thuận nghiệm thu, thông xe kỹ thuật để đưa công trình vào sử dụng.