Thủ công mỹ nghệ - gắn sáng tạo với bản sắc

Mang đậm bản sắc văn hóa Việt, một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đang dần trở thành những món đồ tinh tế có giá trị cao. Để phát huy tiềm năng lớn của lĩnh vực nhiều thế mạnh này đòi hỏi giải pháp đồng bộ, toàn diện, từ khơi thông nguồn lực tới phát huy sức sáng tạo của các chủ thể liên quan.

Tạo cảm hứng, dẫn dắt công nghiệp văn hóa

Nghề thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam có truyền thống lịch sử lâu đời gắn với vô vàn tên tuổi các làng nghề, phố nghề trải rộng khắp cả nước. Theo GS.TS. Từ Thị Loan, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, từ công việc phụ trợ lúc nông nhàn, tranh thủ kiếm thêm thu nhập, thủ công mỹ nghệ dần phát triển thành một nghề độc lập, một ngành kinh tế chính. Nghề thủ công mỹ nghệ lúc đầu chỉ được truyền bá trong các gia đình, sau lan truyền ra cả làng hay nhiều làng, có sự phân hóa và chuyên môn hóa để hình thành nên những làng nghề chuyên sâu, như làng gốm, làng chiếu, làng lụa, làng chạm gỗ, làng đồ đồng, đồ chạm bạc, thêu ren…

Thủ công mỹ nghệ - động lực cho công nghiệp văn hóa. Ảnh: Hanoia

Thủ công mỹ nghệ - động lực cho công nghiệp văn hóa. Ảnh: Hanoia

Theo số liệu thống kê, cả nước có 2.556 làng nghề thủ công mỹ nghệ, chưa kể các “làng có nghề” tuy chưa hội đủ tiêu chí được công nhận là làng nghề nhưng vẫn sản xuất ra các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Những làng nghề nổi tiếng như: gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng, lụa Vạn Phúc, khảm trai Chuyên Mỹ, mộc La Xuyên, tre đan Bằng Sở, đúc đồng Đại Bái, đá mỹ nghệ Ninh Vân, chạm bạc Đồng Xâm... Sự phát triển của làng nghề kéo theo các dịch vụ cung cấp nguyên vật liệu, chuyên chở, kinh doanh hàng hóa, phục vụ ăn uống... tạo ra nguồn việc làm dồi dào cho người dân.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được thị trường quốc tế ưa chuộng bên cạnh sự tinh tế, tính mỹ thuật cao, kết tinh từ sức sáng tạo và trình độ tay nghề của người thợ thủ công, còn toát lên những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng thời trang, quà tặng được xuất khẩu tại chỗ thông qua việc phục vụ nhu cầu mua sắm của khách nước ngoài đến Việt Nam…

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định thủ công mỹ nghệ là một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa mà Việt Nam ưu tiên phát triển. Nhiều chuyên gia nhận định, thủ công mỹ nghệ đang là ngành tạo cảm hứng, động lực cho các ngành công nghiệp văn hóa khác. Nó hoàn toàn có thể trở thành một ngành mũi nhọn mang tính tiên phong, dẫn dắt để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

Cần chiến lược dài hạn

Phát triển thủ công mỹ nghệ thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn sẽ đạt được nhiều mục tiêu về kinh tế - xã hội, đồng thời khai thác được tối đa giá trị nguồn vốn văn hóa dân tộc; đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của Nhân dân; quảng bá bản sắc văn hóa, phát huy sức mạnh mềm Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, thủ công mỹ nghệ cũng đang có sự cạnh tranh gay gắt; nhiều ngành nghề, làng nghề đã bị đào thải do không bắt kịp sự thay đổi của nhu cầu, thị hiếu người dùng. Thậm chí trong cùng một ngành nghề có những làng nghề tiếp tục thịnh vượng, một số làng khác không phát triển được. Đơn cử, làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) không những giữ được nghề mà còn lan tỏa sang các làng khác tạo thành một vùng nghề gốm sứ, trong khi làng nghề gốm Anh Hồng (Quảng Ninh), làng nghề gốm sứ Cậy (Hải Dương)... thì sa sút, suy tàn. Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, chỉ tính riêng ở Thủ đô, trong số 1.350 làng nghề có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận, 207 làng có nghề đang phát triển, 543 làng có nghề đã bị mai một và 287 làng có nghề có dấu hiệu mai một.

Nhìn chung, những yếu kém, hạn chế cản trở sự phát triển của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam khá nhiều. Theo GS.TS. Từ Thị Loan, có thể quy về một số phương diện chính: thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều vướng mắc; sức cạnh tranh của sản phẩm thủ công mỹ nghệ chưa cao; đội ngũ nghệ nhân có kinh nghiệm ngày càng thưa vắng, thế hệ kế cận chưa được trang bị, trao truyền kỹ năng, tay nghề đầy đủ, có phần lạm dụng máy móc, kỹ thuật; nguồn nguyên liệu cho sản xuất dần cạn kiệt; thiếu liên kết giữa các vùng sản xuất, cơ sở sản xuất, ngành nghề và làng nghề với nhau… Đặc biệt, chưa có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa làm nghề và phát triển du lịch làng nghề.

Để củng cố và phát triển bền vững ngành thủ công mỹ nghệ, cần có chiến lược dài hạn, triển khai các giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Trong đó, chú trọng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển ngành thủ công mỹ nghệ, từ trình tự thủ tục và tiêu chuẩn công nhận làng nghề đến tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú. Ban hành các chính sách khuyến khích phát triển nghề và sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủ công mỹ nghệ…

Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức các cuộc thi thiết kế sáng tạo mẫu mã cho sản phẩm, khuyến khích sự khác biệt, tính sáng tạo, tính thẩm mỹ và hiệu quả cao về kinh tế. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong thiết kế, sáng tạo những mẫu thiết kế mới, độc đáo có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác, chuyển đổi linh hoạt từ thiết kế dân tộc sang thiết kế đương đại.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ cũng góp phần làm tăng sức hấp dẫn đối với du khách, phát triển ngành du lịch. Nhiều nước đã đưa làng nghề thủ công mỹ nghệ vào khai thác, phát triển du lịch thành công cả trên bình diện kinh tế và quảng bá văn hóa. Do vậy, cần tăng cường xây dựng tour, tuyến du lịch gắn với làng nghề truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ; gắn sản xuất với giữ gìn bản sắc văn hóa, lịch sử phát triển làng nghề để mỗi làng nghề trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa sống động.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/thu-cong-my-nghe-gan-sang-tao-voi-ban-sac-i373024/