Thu Cúc giảm nghèo

PTĐT - Cách trung tâm huyện 15km, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn có trên 2.400 hộ, với trên 11.000 khẩu, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%, nhận thức của người dân còn hạn chế, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Mô hình trồng cam, quýt xen ổi với quy mô trên 9ha của gia đình chị Đặng Thị Yến (khu Đèo Cón) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng cam, quýt xen ổi với quy mô trên 9ha của gia đình chị Đặng Thị Yến (khu Đèo Cón) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

PTĐT - Cách trung tâm huyện 15km, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn có trên 2.400 hộ, với trên 11.000 khẩu, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%, nhận thức của người dân còn hạn chế, đời sống gặp nhiều khó khăn. Để đời sống của người dân từng bước được nâng lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, Đảng ủy, chính quyền xã tập trung các giải pháp phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.
Khắc phục tình trạng địa hình đồi núi khó canh tác, bên cạnh việc nâng cao chất lượng, năng suất các loại cây trồng truyền thống, xã tiếp tục cải tạo diện tích đất kém hiệu quả, lựa chọn các mô hình phát triển kinh tế phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa các giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, khuyến khích bà con áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi.Theo lời giới thiệu của xã, chúng tôi tới thăm mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Hoàng Minh Hẩn ở khu Chiềng 1, ông chia sẻ: Được hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăm sóc, gia đình tôi đã phát triển trồng 2ha chè kết hợp với chăn nuôi các giống lợn, bò chất lượng cao. Đến nay gia đình đã đầu tư thêm điểm bán hàng tạp hóa, đảm bảo thu nhập hàng năm trên 200 triệu đồng. Từ một hộ thuộc diện nghèo của xã, nhờ được sự quan tâm của các cấp chính quyền, gia đình đã thoát nghèo, đời sống ấm no hơn.Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây chè, xã đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân tập trung phát triển, mở rộng diện tích chè, trong đó tăng cường áp dụng tiến bộ KHKT, đổi mới phương pháp canh tác, lựa chọn giống chè mới vào trồng. Đến nay, toàn xã có trên 283ha chè, năng suất đạt trên 10 tấn/ha, sản lượng đạt trên 3.000 tấn/năm.Phát triển kinh tế đồi rừng cũng là một trong những thế mạnh của địa phương. Với tiềm năng đất lâm nghiệp lớn, xã tích cực vận động nhân dân phủ xanh đất trống, trồng rừng sản xuất. Hiện nay, diện tích rừng của xã đạt 2.660ha, trồng keo lai là chủ đạo. Xã cũng đã và đang xây dựng kế hoạch chuyển hóa rừng gỗ lớn, phấn đấu năm 2021 chuyển hóa 20ha để nâng cao giá trị kinh tế từ rừng. Từ nguồn nguyên liệu sẵn có, xã quan tâm tới việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là chế biến gỗ. Ngoài ra, xã tập trung phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ. Hiện trên địa bàn xã có trên 400 hộ sản xuất, kinh doanh hoạt động, tạo việc làm, thu nhập cho lao động địa phương từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, xã khuyến khích bà con phát triển mô hình trồng cây ăn quả hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế bền vững. Đến nay, trong xã xuất hiện một số mô hình trồng cây ăn quả, cây có múi như ổi, cam canh, quýt… với quy mô lớn, gần 200ha, cho giá trị kinh tế cao trên một đơn vị canh tác.Bên cạnh phát triển trồng trọt, xã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thủy sản; trong đó tập trung nhân rộng đàn gia súc, gia cầm. Hiện tổng đàn trâu, bò của xã đạt gần 1.900 con, tổng đàn lợn gần 1.200 con, đàn gia cầm 40.000 con, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 40ha.Để sản xuất, kinh doanh phát triển, xã tập trung huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông. Ông Phùng Đức Tuyên - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thời gian qua, chính quyền xã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ sản xuất và đời sống. Đến nay, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa đạt gần 60%, trong đó trên 19,5km đường trục thôn, hơn 5km đường ngõ xóm đã cứng hóa, góp phần phát triển giao thương hàng hóa, hỗ trợ tối đa cho người dân trong sản xuất, giúp xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương”.Cùng với huy động mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, phục vụ sản xuất, xã chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức đoàn thể mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.Nỗ lực vượt khó, đồng thuận chung của chính quyền và người dân, diện mạo kinh tế - xã hội Thu Cúc đã có nhiều chuyển biến, giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản đạt 70 triệu/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 23,8 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 9,33%.

Cao Hương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-mien-nui/202101/thu-cuc-giam-ngheo-174936