Thủ đô quá tải?
Chuyện đô thị là nơi cư dân tập trung đông đúc, quá tải, đường phố luôn chật chội, giao thông tắc nghẽn, khói bụi mù mịt, ô nhiễm môi trường… có lẽ là đặc trưng của những thành phố lớn. Tuy nhiên, từ đó cũng có thể nhìn thấy sự phát triển không đồng đều giữa thành thị và nông thôn…
Và thậm chí là sự chênh lệch mức sống, cơ hội việc làm, học tập, chăm sóc sức khỏe, và những định mức cho nhu cầu sinh hoạt của con người giữa Thủ đô và các tỉnh, thành phố khác. Chính vì lẽ đó, người ta luôn có xu hướng dịch chuyển ra thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội cho mình.
Nhiều người sẵn sàng sống chật vật, ở trọ, tạm bợ và quyết bám trụ lại thành phố để mưu sinh bằng đủ thứ nghề như xe ôm, đánh giày, đạp xích lô, chở hàng thuê, phục vụ nhà hàng, bảo vệ, lao động tay chân… thay vì về quê có nhà cửa để ở nhưng phải làm ruộng và những công việc đặc thù ở nông thôn chân lấm tay bùn mà thu nhập không đáng bao nhiêu, không thể nào bằng với số tiền họ kiếm được ở thành phố.

Mức sống chênh lệch, thiếu cơ hội việc làm là nguyên nhân khiến nhiều người phải bỏ quê hương ra thành phố lớn
Ngay cả những sinh viên ở nơi khác, khi học xong đại học, rất ít người muốn trở về quê hương để làm việc. Chỉ sau 4 - 5 năm đại học, họ đã quen với cuộc sống ở thành phố, nơi luôn nhộn nhịp, vui vẻ, phố phường luôn lấp loáng ánh đèn và đủ thứ hấp dẫn thay vì ở quê, dù là ở nơi trung tâm cũng khó có thể so sánh với thành phố, sự buồn tẻ, thiếu cơ hội việc làm và nhiều vấn đề chênh lệch khác mà chắc chắn về quê họ không thể có.
Sinh viên ngành y khi tốt nghiệp, ai lại không muốn được làm việc ở những bệnh viện trung ương? Nơi có nhiều cơ hội cho họ tiếp tục học tập và phát triển sự nghiệp. Ai làm kỹ sư mà chẳng muốn ở thành phố khi mà luôn có những công trình lớn để thỏa sức đam mê? Mấy ai học nghề làm báo, viết văn, sư phạm… lại sẵn sàng về quê sau khi tốt nghiệp? – Nơi mà chẳng có một chút cơ hội nào cho họ thể hiện tài năng? Và thậm chí về quê còn khó kiếm việc làm hơn ở thành phố…
Vậy là mỗi năm, hàng ngàn sinh viên khi tốt nghiệp sẽ tiếp tục bám trụ lại thành phố để tìm kiếm cơ hội cho mình. Năm này qua năm khác, số lượng người ở lại thành phố lại một nhiều hơn.
Trong nỗ lực phát triển của mình, những khu công nghiệp, những khu đô thị mới mọc lên khắp nơi ở Thủ đô, một cách ồ ạt và thiếu tính toán, cũng góp phần hấp dẫn người ở nơi khác đến đầu tư, sinh sống… trong khi hạ tầng cơ sở lại không phát triển kịp. Sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch càng khiến tình trạng quá tải ở Thủ đô ngày thêm trầm trọng.
Và người ta đổ lỗi cho Thủ đô ô nhiễm, nhếch nhác, không phát triển kịp nhu cầu con người vì lãnh đạo thành phố thiếu tầm nhìn?!

Sẽ không bao giờ có chuyện cuộc sống ở vùng nông thôn hay các tỉnh thành khác giống như ở Thủ đô hay các thành phố lớn. Nhưng khi cơ hội việc làm và mức sống đủ đáp ứng nhu cầu, chắc chắn nhiều người sẽ chọn sống ở quê nhà thay vì phải bon chen ra thành phố
Vấn đề ở chỗ, từ hiện tượng này, chúng ta phải nhìn ra sự phát triển không đồng bộ. Khi mà các tỉnh, thành phố khác đã và vẫn đang không đuổi kịp sự phát triển của Thủ đô hay các thành phố lớn; Sự đầu tư về y tế, giáo dục, cơ hội việc làm… đặc biệt ở những vùng nông thôn không đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân, dẫn đến tất yếu họ phải ly hương để tìm cơ hội sống cho mình.
Điều đáng mừng trong những ngày qua, đó là thông tin về sự sáp nhập các tỉnh thành, tinh gọn bộ máy đang được Trung ương ráo riết nghiên cứu để triển khai. Đây sẽ là bước chuyển quan trọng để các tỉnh thành sau khi sáp nhập có thêm những điều kiện để phát triển tốt hơn.
Chắc chắn khi đó sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội của các địa phương nói riêng và cả đất nước nói chung, giảm áp lực cho những thành phố lớn, đặc biệt là Thủ đô…
Và khi đời sống ở nơi mình sinh ra đủ tốt, đáp ứng cho mọi nhu cầu của cá nhân, gia đình, nhiều người sẽ ít nghĩ hơn tới việc phải rời quê hương lên thành thị để mưu sinh.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thu-do-qua-tai-post1188067.vov