Thủ đoạn của cán bộ ngân hàng PVCOMBANK và VAB cấu kết với 'siêu lừa'
Hôm nay, TAND TP. Hà Nội đưa vụ án 'siêu lừa' Nguyễn Thị Hà Thành cùng 25 bị can phạm tội, trong đó có 17 cán bộ thuộc 3 ngân hàng ra xét xử.
Theo đó, Nguyễn Thị Hà Thành bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điểm a, khoản 4 điều 174 BLHS 2015 với số tiền 430 tỷ đồng tại 3 ngân hàng trong đó có PVcombank và Việt Á Bank (VAB).
Theo cáo trạng ngày 24/10/2022 của VKSND TP. Hà Nội, các cán bộ, nhân viên ngân hàng đã bị VKSND TP. Hà Nội truy tố với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a, khoản 4 điều 174 BLHS 2015 và tội “Vi phạm các quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng” theo quy định tại khoản 4, điều 206 BLHS 2015.
Như đã thông tin, bị can Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984, thường trú tại 165 Mai Hắc Đế, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội), trong khoảng năm 2016-2018, Thành kinh doanh bị thua lỗ nên nhiều lần vay tiền với lãi suất cao của nhiều người, vay của người sau trả cho người trước. Thời gian đầu, Thành tạo được lòng tin đối với người cho vay và cả cán bộ ngân hàng khi trả nợ đúng hạn. Thành còn tìm được nhiều người đến ngân hàng gửi tiền tiết kiệm với số lượng lớn để đồng sở hữu, sau đó lấy tư cách cá nhân hoặc nhờ người khác đứng tên trên các Hợp đồng tín dụng vay các ngân hàng với số tiền lớn nên được các ngân hàng này xem là "khách hàng VIP".
Tuy nhiên, do không có hoạt động kinh doanh, chỉ là vay tiền của người sau để trả gốc và lãi cao cho người trước nên trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 11/2018, Thành mất khả năng thanh toán với các khoản đến hạn. Do đó, Thành đã nhiều lần thực hiện hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền từ các ngân hàng PVcomBank, VAB... và nhiều cá nhân khác với số tiền 430 tỷ đồng.
Để thực hiện được hành vi lừa đảo, Nguyễn Thị Hà Thành đã lợi dụng sự sơ hở trong quá trình thẩm định hồ sơ, đặc biệt là được sự giúp sức của nhiều nhân viên, cán bộ các ngân hàng này.
Tại ngân hàng VAB, Nguyễn Thị Hà Thành đã tìm những người có tiền để vay với lãi suất cao hoặc rủ rê hợp tác làm ăn. Do không có tài sản đảm bảo nên không thể đề nghị những người này đưa tiền trực tiếp cho mình nên Thành đã nghĩ cách để họ gửi tiền vào ngân hàng VAB rồi đưa sổ tiết kiệm cho Thành quản lý, gửi tiền tiết kiệm với hình thức đồng sở hữu hoặc gửi vào tài khoản công ty rồi phong tỏa lại, chỉ có người vay mới có quyền rút khi đến hạn. Từ đó, dùng thủ đoạn gian dối để vay hoặc rút tiền.
Cụ thể, tại khâu gửi tiết kiệm, Quản Trọng Đức- Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô đồng ý cho Nguyễn Thị Thu Hương- Trưởng bộ phận quan hệ khách hàng, doanh nghiệp Phòng giao dịch Đông Đô soạn thảo và phát hành 2 văn bản: “Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn” và “Giấy đề nghị phong tỏa” theo yêu cầu của Thành và giao giấy tờ trên cho khách hàng kèm “ Giấy gửi tiền tiết kiệm”, “Phiếu thu” (chứng từ chỉ lưu hành nội bộ) để người đồng sở hữu tin tưởng về sự an toàn của khoản tiền gửi tại VAB. Do ngân hàng chỉ áp dụng Hợp đồng tiền gửi cho khách hàng là doanh nghiệp nên hợp đồng tiền gửi và giấy đề nghị phong tỏa mà Đức cho phát hành là trái với quy định của ngân hàng VAB. Đáng nói, Đức đã tự ý chỉnh sửa mẫu “Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn” thành nội dung thông tin khách hàng cá nhân rồi giao cho Hương soạn thảo, sau đó trình cho Đức ký, đóng dấu. Hương tự đánh số văn bản và không đưa vào hệ thống để quản lý, lưu trữ.
Khi nhận được yêu cầu về việc gửi tiền của Thành, Nguyễn Thị Thu Hương đã báo với quầy giao dịch và đề nghị giao dịch viên in, ký trước các chứng từ của bộ hồ sơ tiền gửi tiết kiệm đồng sở hữu rồi đưa khách hàng ký sau. Theo quy định, do ngân hàng đã phong tỏa “Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn” nên nếu không có mặt cả 2 người đồng sở hữu thì không thể rút tiền ra. Song Thu Hương và Thành không nói với người đồng sở hữu biết việc ngân hàng VAB đã phát hành “sổ tiết kiệm” cho khoản tiền gửi này. Sau khi gửi tiền, người đồng sở hữu với Thành được Hương đưa 1 bộ hồ sơ tiền gửi để làm tin.
Ngay sau khi có sổ tiết kiệm đồng sở hữu, Thành cấu kết với nhân viên ngân hàng dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của ngân hàng VAB. Theo đó, Thành nhờ những nhân viên này thực hiện việc thế chấp sổ tiết kiệm để vay tiền ngân hàng số tiền lên tới 95% giá trị sổ tiết kiệm. Thành không cho người đồng sở hữu biết việc thế chấp sổ tiết kiệm để vay ngân hàng mà giả chữ ký của họ…
Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, để che giấu hành vi của đồng phạm, Thu Hương và Quản Trọng Đức còn giúp sức Thành tất toán khống các khoản vay Thành đã đến hạn.
Như vậy, được sự giúp sức của Đức, Thu Hương, Mai Phương và Quỳnh Hương, Nguyễn Thị Hà Thành đã thực hiện thành công nhiều vụ gửi đồng sở hữu xong lại vay ra nhiều khoản tại VAB. Số tiền mà Nguyễn Thị Hà Thành vay và chiếm đoạt từ ngân hàng VAB 273,857 tỷ đồng.