Thủ đoạn 've sầu thoát xác' để đưa tàu cá đi đánh bắt trái phép
Sang đã 'chế' khối xốp kết thành bộ công cụ đựng các thiết bị giám sát hành trình tàu cá thả xuống biển, nhằm qua mặt lực lượng chức năng để đưa tàu đi khai thác hải sản trái phép. Với hành vi này, Sang bị tuyên phạt 10 năm tù.
Ngày 19/2, tại huyện Ngọc Hiển, TAND tỉnh Cà Mau tổ chức phiên tòa lưu động xét xử bị cáo Trương Văn Sang (SN1987, ngụ huyện Ngọc Hiển), cùng 11 đồng phạm về tội “Gây rối loạn hoạt động của phương tiện điện tử”.

Các bị cáo tại phiên xét xử lưu động.
Các đồng phạm với Sang gồm: Huỳnh Văn Sơn (SN 1991, ngụ huyện Ngọc Hiển, Cà Mau); Lương Văn Hùm (SN 1988), Mai Văn Hải (SN 1986), Trần Văn Khánh (SN 1990), Lê Trường Giang (SN 1990), Trần Minh Dương (SN 1992), Mai Thành Tân (SN 1997), Trần Văn Vị (SN 1979), Nguyễn Toàn Trung (SN 1988), Lương Văn Cảnh (SN 1991), Võ Văn Tựu (SN1999, cùng ngụ tỉnh Kiên Giang).
Theo cáo trạng, Trương Văn Sang là thuyền trưởng tàu cá, thường xuyên ra biển đánh bắt thủy sản, am hiểu vùng biển, tọa độ và các thiết bị giám sát hành trình của tàu cá.
Để có thêm thu nhập, Sang nghĩ ra cách giữ thiết bị giám sát hành trình của các tàu cá khác để lấy phí. Do đó, Sang đã "chế" công cụ cất giữ thiết bị giám sát hành trình để các tàu có thể đặt vào rồi thả trên mặt biển, bộ này được làm từ ống nhựa, thùng xốp, cây tầm vông (dài 5m), lưới mành đen (cắt làm 4 lá cờ làm biển báo)… Bộ đựng giám sát hành trình này đảm bảo thiết bị được giữ trên mặt biển, thiết bị vẫn hoạt động và gửi vị trí về bờ để qua mặt lực lượng chức năng.
Sau đó, Trương Văn Sang và Huỳnh Văn Sơn đưa tàu cá số hiệu CM 08710-TS xuất bến, khi ra biển Sang thông báo cho những chủ tàu, thuyền trưởng khác việc mình nhận cất giấu thiết bị giám sát hành trình. Tiếp đó, có 10 tàu cá đã gửi thiết bị giám sát hành trình vào thùng xốp do sang chế tạo rồi ra vùng biển nước ngoài đánh bắt, mua nhiên liệu giá rẻ.
Trong thời gian từ tháng 9 - 10/2024, bị cáo Sang và Sơn đã tiếp nhận, cất giữ 9 thiết bị giám sát hành trình tàu khác, nhưng chưa thu được tiền công đã bị bắt quả tang cùng tang vật.
HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo đã làm mất uy tín, hình ảnh quốc gia, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và đời sống ngư dân của các tỉnh, thành ven biển; gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
“Các bị cáo thực hiện hành vi tháo gỡ, cất giữ thiết bị giám sát hành trình của tàu cá, gây nhiễu loạn hoạt động của thiết bị trái pháp luật. Do đó phải bị xử lý và chịu hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả do các bị cáo gây ra”, HĐXX nhận định.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Văn Sang 10 năm tù, Huỳnh Văn Sơn 6 năm tù; các bị cáo còn lại chịu hành phạt từ 3 năm tới hơn 8 năm tù, cùng về tội “Gây rối loạn hoạt động của phương tiện điện tử”.