Thu giữ 10 tấn hàng livestream, chốt đơn thu về 300 triệu/ngày

Đây là một vụ việc điển hình trong việc kiểm tra, ngăn chặn vi phạm trên mạng xã hội được cơ quan chức năng xử lý tính đến thời điểm hiện tại.

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) ngày 20.6 cho biết Cục QLTT tỉnh Cà Mau phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh Nguyễn Mai Store do bà Nguyễn Thị Mai, sinh năm 1993, thường trú tại tỉnh Cà Mau làm chủ.

Bên ngoài địa điểm lực lượng QLTT kiểm tra là quán tạp hóa, rất khó cho công tác tiếp cận, nắm bắt thông tin

Bên ngoài địa điểm lực lượng QLTT kiểm tra là quán tạp hóa, rất khó cho công tác tiếp cận, nắm bắt thông tin

Trên diện tích khoảng 300m2, các hoạt động kinh doanh, buôn bán được Hộ kinh doanh thực hiện ẩn sâu bên trong quán tạp hóa. Tuy nhiên, với 10 tấn hàng hóa thu giữ tại địa điểm kinh doanh trong 2 ngày 18-19.6, đây là một trong những vụ việc điển hình trong việc kiểm tra, ngăn chặn vi phạm hàng hóa trên sàn thương mại điện tử.

Bên ngoài địa điểm kiểm tra này là địa chỉ của quán tạp hóa kinh doanh sữa, bỉm và nhiều đồ tiêu dùng thiết yếu khác. Tuy nhiên, toàn bộ hoạt động livestream, chốt đơn sản phẩm và đóng gói hàng hóa được thực hiện phía sâu bên trong quán tạp hóa, rất khó để lực lượng chức năng tiếp cận và phát hiện dấu hiệu vi phạm.

Ước tính số hàng hóa vi phạm bị tạm giữ tại Hộ kinh doanh lên tới 10 tấn

Ước tính số hàng hóa vi phạm bị tạm giữ tại Hộ kinh doanh lên tới 10 tấn

Lực lượng chức năng nhanh chóng xác định, Hộ kinh doanh Nguyễn Mai Store thực hiện kinh doanh chủ yếu trên facebook theo hình thức livestream chốt đơn qua hai tài khoản chính mang tên “Nguyễn Mai Store Cà Mau” với 6.800 lượt thích, 10.000 lượt theo dõi và facebook “Nguyễn Mai Store” với 1.300 lượt thích, 1.600 lượt theo dõi. Với mỗi phiên livestream, các tài khoản này đều có hàng trăm lượt comment, chốt đơn sản phẩm.

Các sản phẩm được giới thiệu trên livestream chủ yếu là quần áo, túi xách, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có giá vài chục đến vài trăm nghìn đồng/ sản phẩm. Bước đầu lực lượng chức năng nhận định, phần lớn hàng hóa tại cơ sở kinh doanh có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ.

Hai tài khoản facebook chính thực hiện livestream chốt đơn hàng hóa của Hộ kinh doanh Nguyễn Mai Store

Hai tài khoản facebook chính thực hiện livestream chốt đơn hàng hóa của Hộ kinh doanh Nguyễn Mai Store

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã tiến hành niêm phong toàn bộ 4 bộ máy tính bàn, 2 laptop, 13 điện thoại di động, 6 quyển sổ ghi thông tin khách hàng, 4 bộ thiết bị phục vụ livestream là đèn và bàn là hơi, 208 bao hàng hóa là quần áo may sẵn, túi xách, 12 thùng mỹ phẩm, 4 thùng thực phẩm, 2 thùng giấy in bán hàng.

Theo ông Phạm Văn Út, Đội trưởng Đội QLTT số 6, Cục QLTT tỉnh Cà Mau, ước tính số lượng tang vật và hàng hóa vi phạm bị tạm giữ lên tới 10 tấn. Đây là một trong những vụ việc kiểm tra trên thương mại điện tử lớn nhất địa bàn tỉnh Cà Mau nói riêng và khu vực miền Tây nói chung tính đến thời điểm hiện tại.

Theo thông tin thu thập tại hiện trường, riêng trong ngày 17-18.6, tổng doanh thu Hộ kinh doanh Nguyễn Mai Store chốt đơn lên tới gần 600 triệu đồng. Do số lượng hàng hóa vi phạm tương đối lớn, đến chiều ngày 20.6, công tác kiểm đếm, phân loại hàng hóa có dấu hiệu vi phạm tiếp tục được lực lượng chức năng thực hiện để làm cơ sở xử lý theo quy định.

Liên quan đến hoạt động livestream bán hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây đã ký Công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trong việc phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân không kê khai, nộp thuế theo quy định.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao tinh thần tuân thủ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng; tăng cường công tác cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng qua thương mại điện tử.

Kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại điện tử.

Bộ Công Thương cũng có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh tranh.

Tuyết Nhung - Ảnh: Tổng cục QLTT

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/thu-giu-10-tan-hang-livestream-chot-don-thu-ve-300-trieu-ngay-218615.html