Ngăn chặn mua, bán tài khoản thanh toán

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật và lòng tham của một số người, các đối tượng xấu thực hiện hành vi mua, bán tài khoản ngân hàng để luân chuyển dòng tiền trong các vụ án lừa đảo hoặc hoạt động phạm tội khác. Để ngăn ngừa, người dân cần thận trọng, cảnh giác với thủ đoạn của đối tượng.

Ham lợi nhỏ, hậu quả lớn

Theo Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận và giải quyết 19 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Qua điều tra, cơ quan công an đã khởi tố 7 vụ, 33 bị can (năm 2023, khởi tố 11 vụ, 48 bị can). Số còn lại đang tiếp tục làm rõ. Những vụ án này tuy có phương thức, thủ đoạn không mới nhưng ngày càng tinh vi hơn nên nhiều người vẫn sập bẫy, mất số tiền lớn.

 Đối tượng Nguyễn Hồng Minh.

Đối tượng Nguyễn Hồng Minh.

Trao đổi với Trung tá Vương Toàn Thắng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh được biết, quá trình đấu tranh với loại tội phạm này, lực lượng công an phát hiện các đối tượng lừa đảo sử dụng hàng nghìn tài khoản ngân hàng không chính chủ để luân chuyển dòng tiền chiếm đoạt được của các bị hại. Các tài khoản này được chúng thu mua với giá từ 200 - 500 nghìn đồng/tài khoản thông qua các đối tượng trung gian hoặc trực tiếp rồi mua đi, bán lại nhiều lần, sau đó mới sử dụng vào mục đích “dẫn” dòng tiền trong các vụ lừa đảo, đánh bạc..

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận và giải quyết 19 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Qua điều tra, cơ quan công an đã khởi tố 7 vụ, 33 bị can.

Đáng chú ý có nhiều học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh vì ham lợi nhỏ đã bị dụ dỗ tham gia các đường dây mua, bán tài khoản ngân hàng. Nhiều trường hợp do thấy kiếm tiền thông qua việc này dễ dàng đã đứng ra mở tài khoản, sau đó bán cho các đối tượng xấu. Sau khi bị công an bắt, Nguyễn Hồng Minh (SN 1996), trú tại thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) khai nhận: Qua mối quan hệ xã hội, Minh quen biết một đối tượng ở tỉnh Tây Ninh đặt vấn đề mua (giá 500 nghìn đồng/tài khoản).

Thấy ngon ăn, Minh liên hệ với nhiều người để mở tài khoản, hứa trả 200 nghìn đồng/tài khoản. Sau khi tìm được 10 người ở khu vực huyện Yên Thế, Minh thuê xe ô tô chở xuống TP Bắc Giang, đưa cho mỗi người một điện thoại di động đã lắp sim. Sau khi mua được 46 tài khoản, Minh thu lại điện thoại rồi bán những tài khoản này cho đối tượng ở tỉnh Tây Ninh theo như thỏa thuận.

Trước đó, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh cũng đấu tranh triệt phá đường dây mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của các sinh viên trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Vụ án do đối tượng Trần Thị Hải Yến (SN 2002), thường trú tại thôn Trung Chính, xã Yên Dương, huyện Hà Trung (Thanh Hóa), cư trú tại phường Kinh Bắc, TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) cầm đầu.

 Đối tượng Trần Thị Hải Yến tại cơ quan công an.

Đối tượng Trần Thị Hải Yến tại cơ quan công an.

Mua bán tài khoản là vi phạm pháp luật

Theo cán bộ điều tra, có thể hiểu hành vi mua bán thông tin về tài khoản ngân hàng là việc dùng tên, giấy tờ cá nhân để làm thẻ, mở tài khoản, sau đó bán lại cho người khác để lấy tiền. Sau khi thu mua, các đối tượng trực tiếp sử dụng để hoạt động phạm pháp hoặc rao bán lại cho các đối tượng khác để thực hiện hành vi lừa đảo. Số tiền chiếm đoạt được dịch chuyển thông qua những tài khoản ngân hàng mua bán này, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Trước thực trạng này, đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán theo đúng quy định của pháp luật. Thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh theo dõi, nắm bắt tình hình và chủ động có biện pháp ngăn chặn kịp thời những hoạt động sai mục đích. Đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo tới người dân và các tổ chức, cá nhân về các phương thức, thủ đoạn của đối tượng tội phạm.

Trung tá Vương Toàn Thắng cho biết, mọi hành vi thu thập, mua bán thông tin tài khoản ngân hàng đều là vi phạm pháp luật và bị xử lý nghiêm minh. Theo quy định, phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi thuê, cho thuê, mua, bán thẻ hoặc thông tin thẻ, mở hộ thẻ với số lượng từ 1 đến dưới 10 thẻ. Phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng đối với hành vi thuê, cho thuê, mua, bán thẻ hoặc thông tin thẻ mở hộ thẻ với số lượng từ 10 thẻ trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Xem xét xử lý hình sự nếu thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng trở lên với mức hình phạt đến 7 năm tù.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân tuyệt đối không thuê, cho thuê, cho mượn, mua bán, trao đổi thông tin tài khoản ngân hàng. Trường hợp nghi ngờ hoặc phát hiện số căn cước công dân/chứng minh nhân dân của mình bị sử dụng trái phép để mở tài khoản cần nhanh chóng liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ khóa tài khoản. Nếu phát hiện đối tượng mời chào, lôi kéo dụ dỗ người khác để thuê, cho thuê, mua, bán tài khoản cần tố giác với cơ quan công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời theo quy định.

Quốc Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/ngan-chan-mua-ban-tai-khoan-thanh-toan-084334.bbg