Thu gom, xử lý rác thải: Nhiều nơi vẫn xem nhẹ
Việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn thời gian qua đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo quyết liệt. Thế nhưng nhiều địa phương vẫn để rác tồn lưu gây ô nhiễm môi trường.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo các huyện, TP tập trung cao thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Đầu năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 17/CT-TU về việc huy động toàn dân tập trung ra quân thu gom, xử lý triệt để rác thải ra môi trường. UBND tỉnh ban hành kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, địa phương thực hiện. Đầu năm nay, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản yêu cầu các huyện, TP tăng cường công tác bảo vệ môi trường, tập trung xử lý dứt điểm các điểm “nóng” về rác thải.
Tinh thần chỉ đạo là vậy song tại nhiều địa phương thực hiện chưa nghiêm, không quyết liệt trong tổ chức thu gom, xử lý rác thải. Khảo sát tại xã Nội Hoàng (Yên Dũng) ngày 21, 22/3 cho thấy, tại các thôn Giá, Chiền, Sy có khoảng 7 điểm đổ rác ở ven đường thôn, ven quốc lộ 17 nối quốc lộ 37 gây ô nhiễm môi trường. Rác chất đống lưu cữu với đủ loại túi ni-lông, hộp đựng cơm, thức ăn ôi thiu, vỏ hoa quả, thùng xốp, vỏ hộp sữa… bốc mùi nồng nặc.
Tại khu vực giáp ranh giữa xã Nội Hoàng và Vân Trung (Việt Yên) gần Khu công nghiệp Vân Trung cũng có điểm tồn lưu rác ven đường. Tình trạng xả rác bừa bãi, để ùn ứ còn xảy ra ở ven đường tỉnh 295B qua địa bàn thị trấn Nếnh (Việt Yên). Ven quốc lộ 37 qua địa bàn xã Hồng Thái, sáng 22/3 có rác đổ đống dài 5-7 m lưu cữu đã bốc mùi khiến ai đi qua đều cảm thấy khó chịu.
Tương tự, tại thôn Lý, xã Việt Lập (Tân Yên) cũng có rác ùn đọng dài gần chục mét ngay hai bên đường đi vào bãi rác. Ngoài các bịch rác trong túi ni-lông, bao dứa còn có nhiều khẩu trang rơi ra đường, nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tình trạng rác tồn lưu còn xảy ra tại một số huyện như: Lục Ngạn, Lạng Giang…
Nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra tình trạng trên trước hết là do người dân chưa chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường, tiện đâu đổ rác đó. Tại nhiều nơi, tổ vệ sinh môi trường hoạt động không thường xuyên nên để rác ùn ứ. Đặc biệt, tỷ lệ thu giá dịch vụ xử lý rác thải ở một số địa phương chưa đạt theo quy định của tỉnh như: Tân Yên, Yên Dũng, Lục Ngạn, Sơn Động.
Riêng huyện Sơn Động tỷ lệ thu giá dịch vụ chỉ đạt hơn 24% trong tổng số hộ cần thu. Do số tiền thu được thấp nên việc duy trì thường xuyên tổ vệ sinh, vận hành lò đốt rác gặp nhiều khó khăn. Đáng lo ngại, có địa phương tuy có đơn vị thu gom rác song chưa triệt để. Ông Thân Ngọc Hoàn, Chủ tịch UBND xã Nội Hoàng cho rằng, xã đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Á Đại Lợi (TP Bắc Giang) thu gom rác đưa về lò đốt tập trung của huyện 3 lần/tuần nhưng đơn vị này vẫn để tồn lưu. Do đó, xã chưa trả tiền thu gom rác tháng 1 và tháng 2 năm nay cho doanh nghiệp.
Không chỉ vậy, thời gian qua, chính quyền địa phương một số nơi còn xem nhẹ việc chỉ đạo, tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Trong tỉnh còn một số xã chưa bố trí, xây dựng khu tập kết, xử lý rác; nhiều lò đốt cũ đã xuống cấp, thậm chí không hoạt động được trong khi việc lắp đặt lò mới không bảo đảm tiến độ. Đến nay, các địa phương mới lắp đặt xong 11/25 lò đốt đăng ký trong năm 2021. Đáng lo ngại, tại một số khu vực giáp ranh giữa các xã, việc thu gom, vận chuyển vẫn gặp khó khăn do lượng rác tồn lưu lớn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch UBND xã Việt Lập, điểm tập kết rác tại thôn Lý của xã thường xuyên có tình trạng người dân ngoài địa bàn vào đổ trộm khiến lượng rác phát sinh tại đây mỗi ngày lên đến 400-500 kg. Năm ngoái và đầu năm nay, địa phương bắt quả tang và xử phạt 3 trường hợp ở thị trấn Cao Thượng đổ trộm rác vào điểm tập kết này.
Sở đã có văn bản đề nghị các địa phương có giải pháp giải tỏa điểm tồn lưu rác không đúng quy định xong trước ngày 20/2 năm nay song nhiều địa phương chưa hoàn thành. Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh có biện pháp xử lý đối với các trường hợp không chấp hành nghiêm quy định”.
Ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, đầu tháng 2/2022, Sở đã tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện 2 tháng cao điểm xử lý rác thải tại các huyện, TP theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.
Qua kiểm tra, nhiều nơi vẫn để rác tồn lưu như: Tân Yên, Việt Yên, Lục Ngạn, Lạng Giang, Yên Dũng… Sở đã có văn bản đề nghị các địa phương có giải pháp giải tỏa điểm tồn lưu rác không đúng quy định xong trước ngày 20/2 năm nay song nhiều địa phương chưa hoàn thành. Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh có biện pháp xử lý đối với các trường hợp không chấp hành nghiêm quy định.
Trước thực trạng rác ùn ứ tại nhiều nơi, giải pháp cấp bách hiện nay đó là UBND các huyện khẩn trương vào cuộc, chỉ đạo các xã, thị trấn, phòng chuyên môn có biện pháp xóa các điểm tồn lưu rác gắn với công tác hậu kiểm.
Đồng thời quy rõ trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cấp xã. Các huyện quy hoạch, xây dựng bổ sung các bãi rác tập trung; kiện toàn, duy trì thường xuyên hoạt động tổ vệ sinh môi trường, hợp tác xã dịch vụ vệ sinh. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ lắp đặt lò đốt rác công nghệ theo quy định để nâng cao hiệu quả xử lý rác; quy hoạch điểm tập kết, bãi xử lý rác.
Ông Nguyễn Thế Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên cho biết, địa phương đang chỉ đạo thị trấn Cao Thượng cải tạo, lắp đặt lò đốt rác công nghệ tại khu Đồng Biềng, phấn đấu hoàn thành trong năm nay. Khi chưa có lò, thị trấn Cao Thượng vận chuyển rác đưa về lò đốt tại thị trấn Nhã Nam và xã Ngọc Vân.
Trong khi đó, UBND huyện Sơn Động sẽ xem xét dừng điều hành hoạt động của người đứng đầu chính quyền cấp xã nếu không hoàn thành việc chỉ đạo, thu gom, xử lý rác. Ngoài ra, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định về xả thải, phân loại rác, xử lý tại nguồn; thu tiền dịch vụ xử lý rác và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bài, ảnh: Minh Linh