Thu hồi đất và tái định cư cần hướng đến lợi ích người dân và doanh nghiệp

Sáng 16/9, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Phiên họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Bày tỏ sự đồng tình với cơ chế thu hồi đất và tái định cư được quy định trong Dự thảo luật, tuy nhiên nhiều ý kiến đề nghị làm rõ các nội dung cụ thể, đơn cử như điều kiện phải có được sự đồng thuận của 80% số người, hay đảm bảo đời sống của người tái định cư.

Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội:“Cơ chế thu hồi ở đây không chỉ ở 80% số người mà phải là 80% số người kèm theo diện tích thu hồi bởi vì có thể một có một người nào đó diện tích thu hồi lớn thì người ta cũng phải là người đồng thuận chứ 80% số người đồng thuận nhưng diện tích rất nhỏ thì vẫn chưa đạt được yêu cầu. Và đương nhiên trong trường hợp này dù thu hồi ở đâu chúng ta cũng đều phải áp dụng nguyên tắc bồi thường theo giá trị thị trường chứ không có chuyện như trước đây chúng ta dùng biện pháp hành chính áp đặt nữa.”

Bà ĐỖ THỊ LAN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội: “Đảm bảo tất cả những đất tái định cư phải đảm bảo đời sống của người tái định cư tốt hơn nơi ở cũ là điều chúng ta cần phải cân nhắc, và nếu đã đưa vào Luật thì tôi đề nghị thứ nhất phải đưa vào quy định nguyên tắc đời sống tốt hơn nơi ở cũ là như thế nào, thứ 2 chúng ta cần có hướng dẫn thực hiện để đảm bảo với điều mà chúng ta đưa vào Luật như vậy nó sẽ thuyết phục và đảm bảo niềm tin của nhân dân hơn và cũng dễ cho người quản lý khi thu hồi đất để bố trí đất tái định cư.”

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, chưa có quy định về bồi thường cũng như thiệt hại về tài sản do ngừng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Quy định thì nhiều nhưng lại thiếu tính căn cơ về mặt nội dung, khó xác định được các nguyên tắc mà chỉ mang tính liệt kê.

Ông PHAN ĐỨC HIẾU, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: "Tôi lấy ví dụ 1 doanh nghiệp người ta không thể thiệt hại về mặt tài sản và ngưng một nhà máy nếu như nhà máy đó tiếp tục sản xuất trong 20 năm nữa thì lợi ích của người ta và cái thiệt hại của người ta lớn hơn nhiều mấy thứ mà ta gọi là bồi thường thiệt hại vì máy móc tài sản di dời. Những cái đó phải được xác định và đảm bảo đúng cái nguyên tắc vì mặt bồi thường. Thế rồi về nguyên tắc thì hỗ trợ chúng ta cũng liệt kê hỗ trợ cái gì nhưng thiếu những quy định về nội dung, hỗ trợ đấy như thế nào mức như thế nào là hỗ trợ bao nhiêu là hỗ trợ hay là 1 đồng cho ra chúng ta cũng gọi là hỗ trợ.”

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần tập trung giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất .

Thực hiện : Lê Hương Hải Yến Thế Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/thu-hoi-dat-va-tai-dinh-cu-can-huong-den-loi-ich-nguoi-dan-va-doanh-nghiep