Thu hút đầu tư ở Đông Nam Bộ - Tăng chất và lượng - Bài 2: Nâng cao hiệu quả chăn nuôi bằng công nghệ cao
Bên cạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, những năm gần đây, các tỉnh Đông Nam bộ dần trở thành một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Trong đó, có nhiều dự án của các tập đoàn lớn tiên phong trong việc đổi mới và tạo giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng.
Ấn tượng những khu chăn nuôi hiện đại
Trong quá trình xây dựng các mô hình chăn nuôi quy mô lớn ứng dụng CNC, Tập đoàn Hùng Nhơn đối mặt với nhiều trở ngại về công nghệ, môi trường, đất đai và một số quy định pháp lý.
Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến đòi hỏi không chỉ nguồn vốn lớn để xây dựng hệ thống chuồng trại hiện đại, tự động hóa, xử lý chất thải và kiểm soát dịch bệnh, mà còn cần đội ngũ nhân sự chuyên môn cao. Mặt khác, tìm kiếm đất đai diện tích lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn về vị trí và an toàn môi trường cùng với những yêu cầu về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng cũng là những thách thức kéo dài.
Để giải quyết những thách thức này, Tập đoàn Hùng Nhơn đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế và chính quyền địa phương. Cụ thể, tháng 6-2023, tập đoàn ký biên bản ghi nhớ hợp tác với De Heus và UBND tỉnh Tây Ninh để triển khai dự án nông nghiệp CNC tại huyện Tân Châu với tổng vốn đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng.
Sau gần một năm xây dựng, tháng 5-2024, Tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus đã khánh thành Khu chăn nuôi ứng dụng CNC DHN Tây Ninh, đồng thời công bố 7 dự án trọng điểm và kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal. Các dự án tại Tây Ninh tích hợp 100% CNC đạt chuẩn quốc tế từ Hà Lan, Đức và Bỉ, tập trung vào bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và sản xuất hữu cơ.
Trước đó, Tập đoàn Hùng Nhơn đã đầu tư các trang trại chăn nuôi ứng dụng CNC tại Bình Phước với hệ thống giám sát thông minh, cho phép quản lý và theo dõi các chỉ số trong chăn nuôi theo thời gian thực. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt giúp Tập đoàn Hùng Nhơn không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mà còn tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đối tác và khách tham quan trang trại nuôi gà của Tập đoàn Hùng Nhơn ở Bình Phước đều rất ấn tượng với công nghệ chăn nuôi hoàn toàn tự động từ khâu cho ăn, lấy trứng đến thu dọn, xử lý chất thải. Mỗi trang trại nuôi 80.000 con gà nhưng chỉ cần 4 người trông coi, đảm bảo năng suất, hiệu quả rất cao so với cách chăn nuôi truyền thống.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tặng hoa cho các nhà đầu tư vào Khu chăn nuôi CNC của Tập đoàn Hùng Nhơn. Ảnh: VĂN PHONG
Bên cạnh trang trại nuôi gà của Tập đoàn Hùng Nhơn, có thể kể đến mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC là trang trại chăn nuôi bò sữa Green Farm của Công ty CP Sữa Việt Nam (Tập đoàn Vinamilk) tại xã Long Khánh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Trang trại 685ha này được Vinamilk đầu tư 50 triệu USD, hoạt động từ năm 2019.
Theo ông Bùi Văn Toại, Giám đốc Trang trại Green Farm, trang trại hiện có quy mô 8.000 con bò, trong đó 50% đang cho vắt sữa, năng suất cao và chất lượng sữa đồng đều như các trang trại khác của Vinamilk trên cả nước. Với công nghệ hiện đại từ khâu xử lý đất trồng cỏ đến xén cỏ, thức ăn, làm mát đến vắt sữa, bảo quản sữa đã giúp trang trại bò sữa Green Farm đạt chuẩn GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) và mở ra cơ hội phát triển chăn nuôi công nghệ ở vùng đất giáp biên của 2 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước.
Theo kế hoạch, thời gian tới, Vinamilk sẽ đầu tư thêm trang trại bò Tây Ninh 2 cũng với quy mô 8.000 con bò sữa, giúp gia tăng số hộ nông dân liên kết cung cấp phụ phẩm làm thức ăn cho bò.
Nhiều kỳ vọng
Chia sẻ với PV Báo SGGP về định hướng đầu tư tại Đông Nam bộ, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hùng Nhơn, nhấn mạnh: Chúng tôi luôn ưu tiên sự đổi mới và ứng dụng CNC lên hàng đầu trong mọi dự án. Các dự án chăn nuôi CNC tại Tây Ninh, Bình Phước, và các dự án khác ở Tây Nguyên, đều là những dự án hết sức quan trọng không chỉ với riêng tập đoàn mà còn với các địa phương.
Do đó, việc tập trung phát triển dự án, đảm bảo đúng kế hoạch đề ra phần nào thể hiện cam kết của tập đoàn trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ thế giới. Việc áp dụng các giải pháp chuyển đổi số sẽ giúp tập đoàn tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu lãng phí và tăng năng suất lao động.
Trong thời gian tới, Tập đoàn Hùng Nhơn tiếp tục tập trung đầu tư vào khu vực Đông Nam bộ, nhất là vào các dự án chăn nuôi CNC đã và đang triển khai. Tập đoàn cũng dự kiến khai thác tiềm năng tại các tỉnh lân cận, nhằm mở rộng mô hình kinh tế xanh, tăng cường xuất khẩu, tạo những giá trị bền vững cho ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực Đông Nam bộ, góp phần vào mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ.
Tại hội nghị kết nối với các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam do UBND tỉnh Bình Phước tổ chức năm 2024, ông Gabor Fluit (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam - EuroCham) đánh giá, cùng thuộc khu vực Đông Nam bộ nhưng Bình Phước và Tây Ninh là 2 tỉnh phát triển sau so với TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Bình Phước và Tây Ninh có thể tận dụng nguồn nhân lực tốt, áp dụng CNC, sử dụng quỹ đất lớn để xây dựng các trại chăn nuôi áp dụng CNC, tạo bước phát triển nhanh, bền vững trên lĩnh vực nông nghiệp.
Đồng thời, việc Chính phủ đang ưu tiên dành nhiều nguồn lực để phát triển các tuyến đường cao tốc như Gia Nghĩa - Chơn Thành, Chơn Thành - Thủ Dầu Một - TPHCM, TPHCM - Mộc Bài, khiến cộng đồng doanh nghiệp EuroCham nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung rất tin tưởng vào cơ hội đầu tư tại 2 tỉnh nhiều tiềm năng này.
Cùng với sự hỗ trợ của các đối tác chiến lược trong và ngoài nước, cùng sự đồng hành của chính quyền các địa phương, giới đầu tư tin rằng các dự án nông nghiệp CNC tại khu vực Đông Nam bộ sẽ từng bước hình thành các tổ hợp nông nghiệp CNC về chăn nuôi, tiếp tục tạo nên những bước đột phá, góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam lên một tầm cao mới trong kỷ nguyên vươn mình phát triển, thịnh vượng của dân tộc.