Nông thôn Bắc Tân Uyên thêm mới, nông dân thêm ấm no

Tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, các HTX đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững và nâng cao thu nhập cho nông dân. Đặc biệt, các HTX đã tham gia tích cực vào các chủ trương, chương trình lớn của tỉnh và huyện là Chương trình xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp, sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nghèo bền vững…

Đến Bắc Tân Uyên, dọc những tuyến đường là những vườn bưởi, vườn cam, vườn quýt… trĩu quả chạy dài tít tắp, vắt lên những triền đồi mang đến một màu xanh tươi tốt. Nhiều du khách thích thú, trầm trồ bởi không khác gì những cung đường đi Bảo Lộc, Đà Lạt… Kết quả này có sự đóng góp quan trọng từ Chương trình số 04-CTr/HU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Bắc Tân Uyên, giai đoạn 2020-2025 của Huyện ủy Bắc Tân Uyên.

Đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên thực hiện tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp không chỉ nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mà còn giúp người dân tăng tính chủ động, đổi mới tư duy sản xuất, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Ngành nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên thực hiện tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới đã mang lại những hiệu quả thiết thực.

Ngành nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên thực hiện tái cơ cấu gắn với xây dựng nông thôn mới đã mang lại những hiệu quả thiết thực.

Trong đó, huyện tập trung quy hoạch các vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn trái, chăn nuôi tập trung quy mô lớn tại các xã phía đông, vùng phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao ở khu vực phía tây gắn với triển khai thực hiện tốt các chính sách đầu tư phát triển hạ tầng, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiếp tục đầu tư xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

Đến cuối năm 2024, diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt trên địa bàn huyện đạt 2.758ha, với các loại cây trồng có giá trị như bưởi, cam, quýt, chuối, mít, sầu riêng; trong đó diện tích đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP là 293ha, tăng 90ha so với năm 2020.

Đến nay, toàn huyện có 46 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), gồm 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 42 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Các sản phẩm OCOP đều được đăng ký tài khoản, tạo kho hàng trên sàn thương mại điện tử Voso (Viettel), Postmart, Binhduongtrade để bán sản phẩm. Cùng với đó, chăn nuôi của huyện cũng phát triển mạnh, hiện trên địa bàn có 61 trang trại, gia trại, trong đó có 31 trang trại lạnh, khép kín.

Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, như vùng chuyên canh cây cao su với diện tích 20.433 ha; vùng chuyên canh cây ăn trái với diện tích 2.961 ha, tập trung ở địa bàn các xã ven sông Đồng Nai và sông Bé. Các vùng chuyên canh, chăn nuôi công nghệ cao trên địa bàn huyện đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Doanh thu bình quân của các trang trại trên địa bàn huyện đạt từ 600 triệu đồng - 1 tỷ đồng/năm.

Nâng cao vai trò của kinh tế hợp tác

Xác định được tầm quan trọng của nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, thời gian qua, nhiều HTX, hộ nông dân ở xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên đã thực hiện theo hướng này.

Nhiều địa phương đầu tư xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

Nhiều địa phương đầu tư xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

Điển hình là HTX Cây ăn trái Tân Mỹ. Được thành lập năm 2015, đến nay, HTX có 22 thành viên, tổng diện tích canh tác là 62ha.

HTX chuyên trồng cây ăn trái an toàn theo hướng hữu cơ và áp dụng VietGAP, với các sản phẩm chủ lực là bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, muối tiêu lốp. Đại diện HTX cho biết, HTX sản xuất công nghệ cao, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước an toàn. Để phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ đòi hỏi sự đầu tư bài bản từ hạ tầng canh tác đến kỹ thuật sản xuất.

Các thành viên HTX đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, cụ thể là sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và tự động hóa để giảm sức lao động, giảm chi phí sản xuất, chế biến. HTX cũng xây dựng và đăng ký nhãn mác, sử dụng tem điện tử mã code QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm của HTX được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Sản phẩm bưởi da xanh của HTX đạt OCOP 4 sao.

Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm bưởi của HTX còn xuất khẩu sang Trung Quốc, Singapore. Hiện nay, mô hình trồng cây có múi đang được nhân rộng trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên.

Với sự đồng hành của các cấp, các ngành, hoạt động sản xuất, canh tác nông nghiệp, đặc biệt là vùng cây ăn trái trên địa bàn xã Hiếu Liêm đang phát triển theo quy mô lớn, thân thiện môi trường; nhiều trang trại, gia trại, HTX hoạt động hiệu quả.

Có thể kể đến HTX Nhân Đức (ấp Cây Dâu), có tổng diện tích trồng cây ăn trái có múi 80ha. Hàng năm, HTX tạo việc làm thường xuyên cho 35-50 nhân công tại địa phương. Mục tiêu của HTX là trồng cây ăn trái hữu cơ. Hiện tại năng suất vườn cây của HTX đạt 50-60 tấn/ha, mang lại thu nhập hàng tỷ đồng cho các thành viên. Bên cạnh đó, HTX trồng thành công 26ha mít Thái, mang lại thu nhập rất tốt.

Ông Trần Thành Có, Giám đốc HTX Nhân Đức cho biết, giá bán sản phẩm trồng theo phương thức hữu cơ cao gấp 2-3 lần so với sản phẩm cùng loại trồng theo cách bình thường, đồng thời giảm được 60% chi phí so với cách làm cũ. Những năm qua, HTX luôn đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật nên các thành viên HTX có điều kiện chuyển đổi trồng trọt theo phương thức hữu cơ, loại bỏ tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, chú trọng vào sản xuất sạch để tạo ra những sản phẩm chất lượng, bảo đảm giá bán ổn định.

Hiện nay, trên địa bàn xã Hiếu Liêm có nhiều nông dân phát triển mô hình HTX, nông nghiệp xanh thành công, như gia đình chị Bùi Thúy Hằng, trang trại ông Võ Quan Huy, ông Lâm Thành Thắm, ông Lâm Thành Thương… Các nông dân chuyên trồng cây ăn trái có múi, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, góp phần nâng chất NTM tại địa phương.

Thời gian qua, huyện Bắc Tân Uyên và các địa phương đã đề ra và thực hiện hiệu quả một số giải pháp làm “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể (KTTT), nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này.

Đại diện xã Hiếu Liêm cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu NTM, xã luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa cho KTTT nói chung, các HTX nói riêng phát triển, đề ra và thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, rào cản để HTX chủ động thích ứng với tình hình mới, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Một trong những giải pháp hiệu quả đó là xã triển khai giới thiệu, dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các HTX; thực hiện đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để khơi thông nguồn lực phục vụ phát triển HTX. Bên cạnh đó, các HTX, THT trên địa bàn huyện thường xuyên được tập huấn những kiến thức, quy định mới liên quan; được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, kết nối với các doanh nghiệp ngoài tỉnh…

Nhờ đó, sản phẩm của các HTX, THT trên địa bàn huyện không chỉ được tiêu thụ ở trong tỉnh mà còn lan tỏa mạnh ở các tỉnh, thành trong cả nước. Phát huy những kết quả đạt được, từng bước khắc phục những khó khăn, huyện Bắc Tân Uyên tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT. Đồng thời, tiếp tục phối hợp có hiệu quả với các đơn vị thuộc Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh quan tâm hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các HTX, THT khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung của huyện.

Tăng “chất” nông thôn mới

Triển khai Chương trình số 04-CTr/HU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện, cơ quan chuyên môn, ngành chức năng, địa phương bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo mọi điều kiện thuận lợi, hướng dẫn thủ tục, hỗ trợ các trang trại, HTX, tổ hợp tác và người sản xuất trên địa bàn huyện để dễ dàng tiếp cận các chính sách vay vốn, bổ sung thêm kiến thức và kịp thời nắm bắt những chủ trương, chính sách có liên quan, phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn... Từ năm 2021 đến nay, tổng kinh phí hỗ trợ vay đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập đạt 38,5 tỷ đồng.

UBND huyện cũng chỉ đạo các ngành hỗ trợ nông dân tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp nói chung và sản phẩm cây ăn trái có múi nói riêng, đáp ứng nhu cầu thị trường; từ đó đẩy mạnh các giải pháp ổn định thị trường tiêu thụ một cách bền vững, mở ra hướng đi mới trong việc liên kết để hàng hóa địa phương xuất hiện ngày càng nhiều tại các kênh phân phối theo phương thức tiêu thụ hiện đại với hợp đồng dài hạn, ổn định và khối lượng lớn.

Cụ thể, huyện xây dựng ấn phẩm sản phẩm nông nghiệp chủ lực huyện Bắc Tân Uyên (trồng trọt, chăn nuôi), với mục đích cung cấp thông tin các nhà vườn, hộ sản xuất giới thiệu quảng bá hình ảnh sản phẩm, trên cơ sở đó kết nối cung, cầu sản xuất, quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện; từng bước phát triển chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất nông nghiệp gắn với mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của huyện.

Cùng với công tác tuyên truyền kêu gọi đầu tư, trong thời gian qua, huyện thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao trình độ quản lý, kỹ thuật sản xuất, kinh doanh cho các chủ trang trại, HTX, doanh nghiệp thông qua các dự án, đề tài khoa học và công nghệ; qua đó cung cấp thêm nhiều kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hiện đại, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người dân.

Từ năm 2021 đến nay, huyện đã tổ chức được 4 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 99 lao động nông thôn trên địa bàn xã Thường Tân, Lạc An, Hiếu Liêm, Tân Thành, vượt 200% kế hoạch UBND tỉnh giao. Thông qua các chương trình đào tạo đã trang bị cho nông dân những kiến thức, kỹ năng về một số nghề trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; từng bước nâng cao năng lực cho lao động nông thôn, góp phần tạo điều kiện chuyển dịch lao động nông thôn sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, thương mại.

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, cách làm sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ đề ra, cùng với công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục, đa dạng, hiệu quả, nhất là về các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực, chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất. đã góp phần mang lại kết quả khả quan, cải thiện bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn huyện.

Để đạt mục tiêu trở thành huyện NTM trong năm 2025, địa phương đang tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền và các tổ chức đoàn thể; tiếp tục chỉ đạo rà soát, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM nâng cao, xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Theo thống kê, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên địa bàn huyện đạt 96%; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh chỉ còn 0,1%. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt trên 80 triệu đồng.

Minh Đức

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/nong-thon-bac-tan-uyen-them-moi-nong-dan-them-am-no-1106793.html