Thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà?

Nhấn mạnh việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có hợp tác công tư (PPP) sẽ đóng vai trò quyết định đến quá trình chuyển đổi sang hiện đại, đa giá trị của ngành nông nghiệp, song GS, TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức mà các doanh nghiệp và ngành nông nghiệp đang gặp phải trên hành trình tìm tiếng nói chung.

Sự tham gia của doanh nghiệp giúp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị cao hơn và người nông dân được hưởng lợi nhiều hơn. Ảnh: N.Lộc

Sự tham gia của doanh nghiệp giúp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị cao hơn và người nông dân được hưởng lợi nhiều hơn. Ảnh: N.Lộc

Thưa ông, trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân, ông nhìn nhận ra sao về sự hợp tác, đầu tư của doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp hiện nay?

Dù đã được cải thiện, nhưng so với các lĩnh vực khác, số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn. Hiện cả nước có trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trong tổng số 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động.

Tổng vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam năm 2024 chỉ đạt khoảng 5 tỷ USD, với khoảng 1.300 dự án đang hoạt động. Sự đầu tư chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sinh học.

Tính đến hết năm 2024, đã có 15 chuỗi ngành hàng thí điểm theo mô hình PPP, thu hút sự tham gia của hơn 60 doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tập trung vào các lĩnh vực như cà phê, hồ tiêu, chè, gạo, rau quả và thủy sản.

Điển hình như chuỗi PPP ngành hàng cà phê tại Tây Nguyên với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài như Nestlé, JDE và Simexco đã giúp nâng cao năng suất cà phê lên 2,7 tấn/ha, cao hơn mức trung bình cả nước khoảng 30%. Ngoài ra, mô hình còn hỗ trợ nông dân tiếp cận kỹ thuật canh tác bền vững, bảo tồn tài nguyên đất và nước, đồng thời tạo điều kiện để cà phê Việt Nam tiếp cận sâu hơn vào các thị trường khó tính...

Dù con số khá khiêm tốn nhưng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng để lại những dấu ấn tích cực với ngành nông nghiệp, góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội, đặc biệt là nông dân về quan hệ hợp tác này.

Trước hết, cần khẳng định sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng đến tiến trình đổi mới, chuyển đổi sản xuất của ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị. Với nguồn vốn dồi dào, cộng với sự nhanh nhạy, thích ứng trước thị trường, doanh nghiệp sẽ mang đến cái mà nông dân cần: đó là vốn để đầu tư và loại sản phẩm thị trường có nhu cầu cao, tìm thị trường phù hợp cho nông sản Việt; hay nói cách khác là giải quyết bài toán cung, cầu - điểm yếu của sản xuất nông nghiệp truyền thông.

Đặc biệt, thông qua phương thức hợp tác PPP, Nhà nước và doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư, phát huy thế mạnh của các bên giúp mang lại giá trị rất lớn cho sản xuất nông nghiệp và đối tượng được thụ hưởng trực tiếp là người nông dân.

Những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải khi hợp tác, đầu tư vào trong lĩnh vực nông nghiệp là gì, thưa ông?

Có thể thấy giá trị mang lại từ sự tham gia của doanh nghiệp và phát triển nông nghiệp là rất lớn. Đơn cử, hiện nay, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đang hợp tác với doanh nghiệp trong phát triển các nghiên cứu, đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Khi Viện có cơ sở nghiên cứu, đội ngũ chuyên gia và doanh nghiệp có vốn, cơ sở sản xuất, chế biến và nhanh nhạy với thị trường và hai bên kết hợp với nhau sẽ giúp cho việc đưa các giống mới, công nghệ mới vào sản xuất được nhanh chóng và mang lại giá trị thương mại cao.

GS, TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: N.Lộc

GS, TS. Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: N.Lộc

Tuy nhiên, việc hợp tác với doanh nghiệp trong chuyển giao, ứng dụng công nghệ vào sản xuất của Viện cũng đang gặp khó khăn. Chẳng hạn, việc thu hồi kinh phí sau khi chuyển giao sản phẩm nghiên cứu có sử dụng ngân sách được thực hiện theo Nghị định số 70/2018/NĐ-CP của Chính phủ vẫn gặp như kết quả sản phẩm dạng II, các quy trình công nghệ, kỹ thuật được chuyển giao cho đối tượng là nông dân, hợp tác xã (không vì lợi nhuận), vì vậy, không thu hồi được kinh phí.

Hay việc phân định rõ lợi ích của doanh nghiệp là bao nhiêu, khi tham gia đầu tư vào dự án có ngân sách hỗ trợ cũng là vấn đề đặt ra. Khi doanh nghiệp tham gia và gặp những trở ngại như vậy sẽ nản lòng.

Đây cũng là thực trạng chung mà các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói chung, hợp tác PPP nói riêng đang gặp phải. Bởi vậy, hiện nay ở khu vực nông thôn, sự tham gia của các bên còn hạn chế, chủ yếu thông qua lực lượng khuyến nông, chưa có sự ràng buộc giữa các bên bằng hình thức ký kết hợp đồng dự án, cơ chế hoạt động của các mô hình chỉ ở quy mô nhỏ, phạm vi hẹp.

Nguyên nhân là do lĩnh vực nông nghiệp luôn chứa đựng nhiều rủi ro, thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn; dịch bệnh, giá cả thị trường biến động; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng… nên việc mời gọi doanh nghiệp đầu tư không dễ dàng.

Trong khi đó, chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này chưa đủ mạnh; phương thức hợp tác PPP trong nông nghiệp chưa được quy định cụ thể, chưa có quy định về chia sẻ rủi ro giữa doanh nghiệp tư nhân và đơn vị được giao sử dụng nguồn lực công… Đây có thể xem là rào cản quan trọng nhất khiến doanh nghiệp còn ngại tham gia đầu tư.

Bên cạnh đó, cách thức triển khai, áp dụng pháp luật vào thực tiễn quản lý tại các địa phương còn thiếu thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực này.

Có hai nguyên tắc cơ bản của PPP trong nông nghiệp là chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân; cần làm rõ lợi ích cuối cùng mà họ nhận được như thế nào, từ đó đưa ra chính sách mới nhằm thúc đẩy hợp tác giúp nông dân tham gia các chuỗi giá trị.

Chưa kể, yếu tố tâm lý của doanh nghiệp, cũng như của chính nông dân trong vấn đề hợp tác, chia sẻ trong sản xuất, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất cũng chưa thực sự tốt. Đơn cử như tình trạng người nông dân sẵn sàng phá vỡ hợp đồng với doanh nghiệp để bán nông sản, nếu được thu mua giá cao hơn, dẫn đến doanh nghệp bị đẩy vào thế khó, không đủ nguồn hàng để giao cho đối tác. Ngược lại, người dân chưa quen với hình thức hợp đồng, với những ràng buộc trong quá trình tổ chức sản xuất…

Như ông đã nêu, một trong những rào cản hiện nay trong thu hút đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt là hợp tác PPP, đó là hành lang pháp lý cho vấn đề này còn chưa thực sự thuận lợi. Ông có đề xuất giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn vừa qua?

Mục tiêu thực hiện hợp tác PPP được xác định là nhằm giúp nông dân nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, các đối tác tham gia mô hình đều được hưởng lợi, trọng tâm hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, để đưa quan hệ hợp tác này đi vào chiều sâu, thực chất, các cơ quan chức năng trước tiên cần đảm bảo khung hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện mô hình này.

Với lợi thế về vốn và công nghệ, doanh nghiệp sẽ góp phần hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Ảnh: N.Lộc

Với lợi thế về vốn và công nghệ, doanh nghiệp sẽ góp phần hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Ảnh: N.Lộc

Thực tế cho thấy, điều mà các nhà đầu tư cần nhất khi tham gia hợp tác vào nông nghiệp không phải là vốn, mà là một môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, được giải đáp kịp thời vướng mắc về chính sách.

Theo đó, cần có sự cập nhật và bổ sung các văn bản pháp lý liên quan đến PPP trong nông nghiệp. Chính phủ cần xây dựng cơ chế hỗ trợ rõ ràng hơn cho các dự án PPP. Trước hết, cần sớm sửa đổi, hoặc thay thế quy định tại Thông tư số 14/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) về hướng dẫn thực hiện một số nội dung về đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng đồng bộ với các quy định mới (Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư năm 2020…). Trong đó cần có hướng dẫn cụ thể về tài chính, sử dụng nguồn vốn (hỗ trợ chuẩn bị dự án, vốn ngân sách nhà nước thực hiện dự án) cho doanh nghiệp.

Tiếp theo, cần phân định rõ vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp tham gia; cũng như cơ chế chia sẻ rủi ro, lợi ích giữa các bên, đặc biệt là với lĩnh vực chứa đựng nhiều rủi ro như nông nghiệp để doanh nghiệp yên tâm tham gia. Cần có chế độ hợp đồng quy định rõ quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia nhằm hướng tới hài hòa mối quan hệ giữa các bên trên nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa khu vực công - tư.

Cuối cùng, trong nghiên cứu, chọn lựa mô hình để hợp tác, hỗ trợ nông dân, không nên đặt phương thức hợp tác PPP này như một mục tiêu cho mọi dự án trong nông nghiệp. Bởi lẽ, không phải doanh nghiệp nào khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp nào cũng có chức năng hoặc sẵn sàng thực hiện chức năng đó, nên gắn mục tiêu này vào sẽ gây khó cho doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông!

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/thu-hut-dau-tu-vao-nong-nghiep-vi-sao-doanh-nghiep-chua-man-ma-39930.html