Thu hút đầu tư vào phát triển chuỗi giá trị lúa gạo
Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 đang xây dựng được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, tăng thu nhập cho nông dân, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và đóng góp vào tăng trưởng xanh.
Việc tổ chức lại sản xuất cho người nông dân đòi hỏi phải thông qua việc tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp để thành công. Bởi vậy, thu hút đầu tư, hợp tác công - tư (PPP) đóng một vai trò rất quan trọng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã trồng lúa chất lượng cao từ nhiều năm qua, nhưng mỗi giai đoạn sẽ có mức phát triển khác nhau. Giai đoạn trước việc phát triển sản xuất lúa chất lượng cao chủ yếu tập trung vào khâu giống. Đề án này sẽ tập trung vào quy trình sản xuất giảm chi phí cho nông dân. Đặc biệt, sản xuất lúa đạt chứng chỉ carbon, giảm phát thải khí nhà kính sẽ góp phần đưa thương hiệu gạo của Việt Nam lên tầm cao mới, trước xu hướng tiêu dùng xanh của thế giới hiện nay.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 sẽ được triển khai từ năm 2024.
Cụ thể, ngay từ vụ Đông Xuân 2023 - 2024, vùng sẽ triển khai khoảng 180.000ha. Đến năm 2025 sẽ triển khai mở rộng và đạt từ 300.000 đến 500.000 ha. Từ 2026 - 2030, mỗi năm tăng thêm 100.000 ha để đạt 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL vào năm 2030.
Để đề án thành công, việc huy động các thành phần trong chuỗi giá trị thông qua những chương trình hợp tác công - tư được ưu tiên hàng đầu. Thông qua khai thác tiềm lực sẵn có của các thành phần trong chuỗi giá trị để cải thiện chất lượng và tính bền vững của lúa gạo Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác nhằm tháo gỡ khó khăn của người nông dân, hướng tới xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo bền vững và có trách nhiệm.
Nhóm công tác đối tác công tư về lúa gạo (Nhóm đối tác PPP) ra đời với sứ mệnh liên kết sản xuất lúa gạo bền vững. Đồng thời, thông qua các hoạt động nghiên cứu, xúc tiến thương mại, xúc tiến hợp tác công tư nhằm tạo đòn bẩy công nghệ nông nghiệp để hỗ trợ cho các hoạt động của ngành hàng lúa gạo.
Xác định đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 là cơ hội lớn để định vị lại ngành hàng lúa gạo Việt Nam, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia mong muốn sự khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia đề án. Việc đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư để tạo nên một giải pháp tích cực hỗ trợ cho đề án.
Qua Nhóm công tác PPP ngành hàng lúa gạo, bà Misha Rabat, Quản lý Chương trình Chuỗi giá trị của Grow Asia cho biết, Grow Asia mong muốn hỗ trợ đóng góp vào quá trình triển khai đề án. Grow Asia sẽ tiếp tục kết nối các đối tác khối công và khối tư và huy động nguồn lực từ các quỹ để hỗ trợ đổi mới hệ thống lương thực, thực phẩm, góp phần cải thiện ngành lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu và gia tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng bày tỏ sự quan tâm và sẵn sàng tham gia đề án này. Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, tập đoàn đã tổ chức sản xuất theo chuỗi với việc áp dụng công nghệ, các địa phương sản xuất theo mô hình hợp tác xã, ứng dụng cơ giới hóa ở mức độ khá cao, đó là tiền thân để áp dụng đề án.
“Đề án là sự tích hợp của cả nông dân, doanh nghiệp và chính quyền với cùng tầm nhìn. Điều này cho chúng ta niềm tin về sự phối hợp bài bản có nguyên tắc thay vì tự phát như trước đây”, ông Huỳnh Văn Thòn cho hay.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, hợp tác công tư là để huy động sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân…
Vấn đề chính là liên kết doanh nghiệp, nhà nước và nông dân để tạo ra chuỗi giá trị. Nhà nước đóng vai trò xây dựng cơ chế tạo liên kết, xây dựng chuỗi giá trị giữa nông dân và doanh nghiệp.
Liên kết trong ngành hàng lúa gạo mới đạt khoảng 20%. Doanh nghiệp và hợp tác xã cần có sự cộng tác, liên kết để nâng cao chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị bền vững, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.