Thu hút du khách quay trở lại Việt Nam - Bài toán khó
Nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%). Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao, trung bình hơn 1.000 USD cho một chuyến đi khoảng 9 ngày. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn, thiếu gắn kết, các hoạt động giải trí, mua sắm, chăm sóc khách chưa đa dạng...
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, sự phát triển, cạnh tranh du lịch hiện nay không thể chỉ dựa vào tài nguyên sẵn có mà còn phải dựa vào sự nâng cao, cải thiện dịch vụ, sản phẩm du lịch, tạo sự khác biệt cho du khách khi đến với Việt Nam.
Để cải thiện trải nghiệm du khách tại điểm đến, thu hút khách đến, giữ khách lâu hơn và tăng mức chi tiêu thì phải có nhiều dịch vụ, sản phẩm tốt, nhiều công cụ hỗ trợ cho kinh doanh ở các điểm du lịch. Hiện nay, vấn đề môi trường là vấn đề sống còn của du lịch Việt Nam vì điểm đến sạch, đẹp, hấp dẫn hay không đều hiện diện trong thực tế rất rõ ràng. Nguồn nhân lực du lịch cũng đang là vấn đề vì nếu phục vụ không khéo thì không những chúng ta mất tiền, mà còn mất cả hình ảnh.
Vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin tại các điểm đến cũng còn nhiều bất cập. Vì vậy, trong tương lai, ngành du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, đưa áp dụng công nghệ thông tin thành bước đột phá cho du lịch phát triển như phát vé tự động, hướng dẫn du lịch bằng máy dịch tự động cho khách...
Bà Nguyễn Thùy Yên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh chia sẻ rằng, mặc dù 5 năm trở lại đây, lượng khách đến Quảng Ninh tăng cao nhưng doanh thu chưa tương xứng với tiềm năng du lịch.
Năm 2019, Quảng Ninh đã đón trên 14 triệu lượt khách trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế, song mức chi tiêu của khác bình quân chỉ từ 2 đến 4 triệu đồng và lưu trú khoảng 2,5 ngày. Du lịch về văn hóa còn hạn chế, mặc dù các di tích lịch sử văn hóa rất phong phú, với khoảng 600 di tích, trong đó có những di tích rất nổi tiếng như Yên Tử, Bạch Đằng, di tích Nhà Trần.
Về vấn đề này, ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Huế cho rằng, mỗi một địa phương đều dựa trên nền tảng tiềm năng, lợi thế của địa phương mình để xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng riêng, không trùng lặp, nhàm chán mới mong hấp dẫn, thu hút khách. Với Huế, đó là thế mạnh về di sản văn hóa. Tuy nhiên, bất kỳ sản phẩm du lịch nào cũng phải tính tới chu kỳ, tuổi đời của nó trong thu hút du khách.
Các di sản văn hóa cũng cần phải thường xuyên được đầu tư bảo tồn, làm mới để khách luôn được trải nghiệm, khám phá, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, tăng thêm mức chi tiêu của khách du lịch. Các địa phương cần đẩy mạnh huy động các nguồn lực trong tôn tạo các di sản văn hóa để có thêm những điểm tham quan mới, hấp dẫn.
Khẳng định sự cải thiện trải nghiệm của du khách là cần thiết và các doanh nghiệp lữ hành luôn mong muốn có những dịch vụ cho du khách hài lòng nhất nhưng ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Saigon Tourist chia sẻ rằng, việc này khó thành hiện thực.
Nhiều du khách chưa thực sự hài lòng về nhiều mặt, lo ngại về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt ý thức tham gia giao thông của người dân khu vực nội đô, ô nhiễm về không khí, rác thải ở điểm đến. Nhiều du khách còn than phiền vì việc hỗ trợ giải quyết các sự cố chưa tốt. Hạ tầng giao thông chưa thực sự thuận lợi, nhất là về vùng sâu vùng xa, nhiều nơi chưa có đường bay thẳng, khách phải di chuyển vòng vèo nên chi phí tour cao hơn, mất thời gian di chuyển nhiều hơn.
Đặc biệt, dịch vụ mua sắm, giải trí còn rất thiếu và yếu. Thực tế, khách đến Việt Nam, bên cạnh mong muốn trải nghiệm về văn hóa, lịch sử, ẩm thực thì có nhu cầu mua sắm quà tặng cho bạn bè, người thân nhưng sản phẩm đặc trưng để họ có thể chọn mua chưa nhiều.
Việt Nam chưa có sản phẩm mang tính chất quốc gia như sâm của Hàn Quốc, xì gà của Cuba... "Nếu chỉ có nỗ lực của riêng ngành du lịch thì các vấn đề này không giải quyết được mà cần có sự phối hợp của các cơ quan liên ngành", ông Võ Anh Tài khẳng định.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/thu-hut-du-khach-quay-tro-lai-viet-nam-bai-toan-kho-574088/