Thu hút FDI của Bắc Giang dẫn đầu cả nước

Quý I năm nay, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Bắc Giang đạt hơn 1,1 tỷ USD, dẫn đầu cả nước. Đón tin vui trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu đã giúp địa phương thêm động lực bứt phá, gặt hái thành quả mới, hoàn thành các mục tiêu về phát triển KT-XH năm 2023.

Thêm dự án mới, mở rộng quy mô

Theo đánh giá của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), với số vốn thu hút FDI đạt hơn 1,1 tỷ USD trong quý I, Bắc Giang đứng thứ nhất toàn quốc.

Ngoài các tập đoàn công nghệ lớn như: Foxconn, Luxshare..., Bắc Giang cũng là điểm đến của các dự án xanh như Tập đoàn Yadea sản xuất xe máy điện, Fulian sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị truyền thông hay Hainan Longi Green Energy sản xuất pin năng lượng mặt trời.

 Một góc KCN Vân Trung (Việt Yên).

Một góc KCN Vân Trung (Việt Yên).

Với dự án nhà máy công nghệ chính xác Fulian của nhà đầu tư Ingrasys (Singapore) Pte.Ltd, nhà đầu tư sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời với công suất 3.500 MW/năm. Tập đoàn Yadea (Trung Quốc) tổng vốn đăng ký khoảng 100 triệu USD, lĩnh vực sản xuất là sản xuất, lắp ráp và phân phối xe máy điện, với công nghệ hiện đại, tiên tiến. Đặc biệt, Tập đoàn cũng đang dự kiến xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) tại Bắc Giang để phục vụ cho thị trường khu vực Đông Nam Á.

Quý I năm nay, thu hút FDI của Bắc Giang đạt hơn 1,1 tỷ USD. Theo đánh giá của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), với số vốn trên, Bắc Giang đứng thứ nhất toàn quốc về thu hút vốn đầu tư FDI.

Hiện nay, sau khi được giao đất, Tập đoàn đang tập trung hoàn thiện hạ tầng tại Khu công nghiệp (KCN) Tân Hưng để sớm đưa dự án vào hoạt động. Yadea là tập đoàn sản xuất và phân phối sản phẩm xe máy điện hàng đầu thế giới hiện nay. Sản phẩm xe máy điện của Tập đoàn Yadea khi sản xuất ra không chỉ phục vụ cho hoạt động xuất khẩu mà còn phục vụ trực tiếp cho thị trường nội địa của Việt Nam.

Khi dự án của Tập đoàn Yadea đi vào hoạt động sẽ thu hút doanh nghiệp (DN) sản xuất linh kiện phụ trợ đến đầu tư tiếp tại tỉnh, mở ra cơ hội hình thành tổ hợp sản xuất xe điện khép kín tại Bắc Giang. Điều này sẽ là điểm nhấn trong quá trình phát triển công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang thời gian tới, bên cạnh các hiệu quả tích cực đối với kinh tế, xã hội như: Tạo công ăn việc làm và thu nhập thường xuyên cho lao động tại địa phương đồng thời thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Do chọn được “đất lành”, nhiều tập đoàn kinh tế, DN lớn ngày càng “sinh sôi, nảy nở”, gặt hái thành công trên địa bàn tỉnh nên không ngừng mở rộng quy mô đầu tư. Điển hình như Công ty TNHH JA Solar Việt Nam (KCN Quang Châu). Công ty TNHH JA Solar Việt Nam hiện có 2 dự án đang hoạt động.

Dự án JAVN với sản phẩm sản xuất chính gồm: Tấm silic và lắp ráp tấm pin năng lượng mặt trời, tổng vốn đầu tư 280 triệu USD hoạt động ổn định từ năm 2018 đến nay. Dự án JAPV sản xuất tấm tế bào quang điện, tổng vốn đầu tư 210 triệu USD, đã hoàn thành xây dựng từ năm 2022, hiện tại đang sản xuất thử. Năm nay, tập đoàn mở rộng quy mô, đầu tư 99 triệu USD thực hiện dự án JANE tại KCN Việt Hàn để sản xuất tấm tế bào quang điện, dự kiến đi vào hoạt động thử trong tháng 6/2023.

Doanh nghiệp càng khó khăn, càng phải quan tâm, hỗ trợ

Không phải tự nhiên Bắc Giang lại có sức hấp dẫn đặc biệt đối với nhà đầu tư nước ngoài và dẫn đầu cả nước như hiện nay mà đây là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của Bắc Giang xếp thứ 2 cả nước, tăng 29 bậc so với năm trước, cao nhất từ trước đến nay.

 Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Siflex (KCN Quang Châu).

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Siflex (KCN Quang Châu).

Kết quả này đã cho thấy DN đánh giá cao đối với môi trường đầu tư của địa phương, phản ánh sự quyết tâm bứt phá của tỉnh. Trong điều hành chỉ đạo, lãnh đạo tỉnh luôn nhất quán quan điểm tạo điều kiện, hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư theo quy định của pháp luật. Cung cấp công khai các thông tin quy hoạch, các chính sách ưu đãi đầu tư, chỉ tiêu, chỉ số liên quan đến hoạt động đầu tư.

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, UBND tỉnh sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của DN, nhà đầu tư gặp phải; tập trung ưu tiên các nguồn lực có thể để giải quyết các nội dung công việc với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Một số dự án, UBND tỉnh còn thành lập tổ công tác riêng với thành phần là lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan để hỗ trợ thực hiện. Theo đó, tổ công tác có trách nhiệm phối hợp với nhà đầu tư xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung, công việc và các thủ tục hành chính liên quan; kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện theo quy định. Khi dự án đi vào hoạt động, tỉnh Bắc Giang cũng cam kết sẽ cung cấp hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ tốt nhất có thể đối với các nhà đầu tư như: Giao thông, điện, nước, môi trường… phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết, gần gũi với các DN trên tinh thần lắng nghe và đối thoại cởi mở để kịp thời nắm bắt tình hình thực tế, từ đó có hướng tháo gỡ.

Đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ, các chỉ tiêu về thu hút đầu tư, chỉ số PCI, thu ngân sách; tăng trưởng kinh tế… Bắc Giang luôn ở tốp đầu. Tất cả các yếu tố đều móc xích với nhau, có môi trường cạnh tranh tốt thì mới tạo ra môi trường hấp dẫn để thu hút đầu tư phát triển. Có thu hút đầu tư phát triển tốt thì mới có tăng trưởng, mới tăng thu ngân sách... Nói như vậy để thấy rằng chúng ta đã tập trung nỗ lực ở nhiều phương diện chứ không coi trọng lĩnh vực này và xem nhẹ cái khác. Trong ứng xử với DN cũng vậy, những DN càng khó khăn, càng “yếu”, chúng ta càng phải quan tâm, giúp đỡ, khích lệ động viên để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh mà không bên trọng, bên khinh.

Được biết, năm 2023, Bắc Giang phấn đấu thu hút khoảng 1,3 tỷ USD. Đạt mục tiêu này, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư quy mô lớn vào địa bàn. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang “xếp hàng” chờ giao đất, vì vậy các địa phương, ngành liên quan, Ban Quản lý các KCN phối hợp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các KCN, tạo quỹ đất sạch đón nhà đầu tư.

Trịnh Lan

(Ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh)

(Ông Đào Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh)

Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính

Toàn tỉnh hiện có 8 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Đến thời điểm này, các KCN cơ bản được lấp đầy, trừ một số KCN mới chấp thuận và đang mở rộng.

Thời gian qua, để thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào địa bàn, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai các KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Đồng thời phấn đấu rút ngắn tối đa thời gian thực hiện sớm đưa KCN vào hoạt động, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư. Để thuận tiện cho nhà đầu tư tìm hiểu, tra cứu thông tin về quy hoạch các KCN, Ban đã công khai thông tin quy hoạch xây dựng trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

Đặc biệt, để hỗ trợ các nhà đầu tư nhanh nhất khi thực hiện thủ tục đầu tư vào KCN, Ban đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Trung tâm hỗ trợ đầu tư; quan tâm rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm nhanh, gọn. Trong lĩnh vực xây dựng, có thủ tục rút ngắn thời gian giải quyết từ 20 ngày xuống còn 10 ngày làm việc; lĩnh vực đầu tư, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương từ 15 ngày xuống còn 12 ngày làm việc. Thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương từ 10 ngày xuống còn 8 ngày làm việc…

Quan tâm phát triển hạ tầng xã hội

(Ông Nguyễn Đại Lượng,Chủ tịch UBND huyện Việt Yên)

(Ông Nguyễn Đại Lượng,Chủ tịch UBND huyện Việt Yên)

Để phục vụ phát triển công nghiệp, bên cạnh việc tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng xây dựng các khu, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư thì công tác phát triển hạ tầng xã hội được huyện Việt Yên dành nhiều sự quan tâm.

Hiện trên địa bàn đang triển khai 9 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Huyện cũng bố trí quỹ đất xây dựng thiết chế công đoàn với quy mô khoảng 5 ha. Định hướng giai đoạn từ nay đến năm 2025, tiếp tục hoàn thiện đầu tư các dự án đang triển khai, thu hút một số dự án đầu tư mới, dự kiến đưa ra thị trường trên 24 nghìn lô đất/căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, phục vụ cho hơn 95 nghìn công nhân, người lao động.

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, huyện luôn dành nguồn lực ưu tiên cho công tác này. Riêng năm 2023, đơn vị đã bố trí 345,7 tỷ đồng chi cho sự nghiệp giáo dục; đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn cân đối kế hoạch vốn, ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình giáo dục; tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ, thu hút đầu tư các cơ sở giáo dục tư thục bảo đảm chất lượng và quy mô phục vụ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư đồng bộ, hiện đại ở các bậc học.

Hệ thống y tế cấp huyện, xã, y tế các trường học tiếp tục được quan tâm củng cố và đầu tư hoàn thiện, với hệ thống trang thiết bị ngày càng hiện đại. Hiện Việt Yên đã hoàn thành đầu tư nâng quy mô Trung tâm Y tế huyện lên 350 giường bệnh; thu hút đầu tư 1 bệnh viện đa khoa với quy mô 300 giường. Ngoài ra, huyện cũng quan tâm đầu tư xây dựng các công viên, khuôn viên, nơi vui chơi, giải trí và các hạng mục công trình công cộng cần thiết, hiện đại, qua đó từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động

(Ông Nguyễn Văn Quân,Trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự, Công ty TNHH Siflex Việt Nam)

(Ông Nguyễn Văn Quân,Trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự, Công ty TNHH Siflex Việt Nam)

Công ty TNHH Siflex Việt Nam, KCN Quang Châu là DN 100% vốn nước ngoài, chuyên sản xuất các bảng mạch điện tử. Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có thời điểm DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nên giảm lao động.

Cuối năm vừa qua, tổng số lao động của DN giảm hàng trăm người so với thời điểm đầu năm. Để từng bước phục hồi sản xuất, tăng tốc sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đủ số lượng đơn hàng, tiến độ đã ký theo hợp đồng với đối tác, từ đầu năm đến nay Công ty chú trọng tuyển dụng bù số lao động nghỉ việc và tuyển mới.

Tính đến thời điểm này, Công ty tuyển bù và tuyển mới gần 1,7 nghìn lao động, nâng số lao động của DN lên gần 6 nghìn người. Để kịp thời tuyển được số lao động trên, DN của chúng tôi đã đăng thông báo tuyển dụng, thông tin nhu cầu cần tuyển dụng với Ban Quản lý các KCN tỉnh. Trên cơ sở đó, Ban đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để hỗ trợ trong công tác tuyển dụng lao động. Việc phối hợp này vừa bảo đảm cho DN tuyển dụng lao động kịp thời vừa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng.

Thời gian tới, với mong muốn tuyển thêm lao động có tay nghề, DN đề nghị các ngành liên quan tạo điều kiện cho Công ty kết nối cung cầu, kịp thời tuyển dụng thêm công nhân đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hải Minh - Thùy Ninh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/403728/thu-hut-fdi-cua-bac-giang-dan-dau-ca-nuoc.html