Thu hút FDI năm 2021, dự báo năm 2022
Năm 2021 mặc dù nền kinh tế nước ta chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, nhưng thương mại quốc tế và đầu tư nước ngoài là hai mảng sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam. Năm 2022 có những tín hiệu tích cực đối với khu vực kinh tế FDI.
Nhìn lại FDI năm 2021
Tính đến 20/12/2021, vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2%; vốn thực hiện đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2020.
Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với vốn đăng ký 18,1 tỷ USD, chiếm 58,2%; sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với 5,7 tỷ USD, chiếm 18,3% ; kinh doanh bất động sản đứng thứ ba với 2,6 tỷ USD, chiếm 8,3%; bán buôn, bán lẻ đứng thứ tư với 1,4 tỷ USD, chiếm 1,45% tổng vốn đăng ký.
Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam năm 2021 Singapore dẫn đầu với vốn đăng ký 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4%, Hàn Quốc đứng thứ hai với 5 tỷ USD, chiếm 15,9%; Nhật Bản thứ 3 với 3,9 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng vốn đăng ký.
Hải Phòng dẫn đầu với vốn đăng ký 5,26 tỷ USD, chiếm 16,9%, Long An thứ hai với 3,84 tỷ USD, chiếm12,3%, TP. Hồ Chí Minh thứ ba với 3,74 tỷ USD, chiếm 12% tổng vốn đăng ký.
Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI năm 2021 đạt 247,54 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2020, chiếm 73,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Kim ngạch nhập khẩu của khu vực FDI đạt 218,18 tỷ USD, tăng 21,9% so với 2020, chiếm 65,7% kim ngạch nhập khẩu cả nước; xuất siêu gần 29,36 tỷ USD, bù được nhập siêu 25,36 tỷ USD của doanh nghiệp trong nước, tạo ra xuất siêu 4 tỷ USD, mặc dù chưa bằng năm 2020, nhưng là 6 năm liền Việt Nam xuất siêu. Đóng góp của khu vực FDI đã đưa tổng kim ngạch thương mại hàng hóa Việt Nam vượt 668,5 tỷ USD, thuộc 20 quốc gia hàng đầu thương mại quốc tế năm 2021.
Tính lũy kế đến ngày 20/12/2021, Việt Nam còn 34.527 dự án FDI có hiệu lực với vốn đăng ký 408,1 tỷ USD, vốn thực hiện 251,6 tỷ USD, bằng 61,7% vốn đăng ký.
Một vài nhận xét
Báo cáo Đầu tư thế giới (World Investment) 2021 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên HiệpQuốc (UNCTAD) cho biết trước dịch - năm 2019 FDI toàn cầu đạt 1.500 tỷ USD, thì năm 2020 giảm xuống 1.000 tỷ USD, năm 2021 dự báo tăng nhẹ lên 1.100 -1.200 tỷ USD.
Báo cáo Đầu tư ASEAN 2020 - 2021 của Ban Thư ký ASEAN và UNCTAD (ASEAN Invesment Report 2020- 2021) cho biết, FDI của ASEAN năm 2019 đạt 192 tỷ USD, chiếm 11,9%, năm 2020 đạt 137 tỷ USD, giảm 25% so với 2019, chiếm 13,7% FDI toàn cầu. Dự báo FDI vào các nước Châu Á năm 2021 tăng 5%- 10%, trong đó một số nước lớn của ASEAN đóng góp quan trọng.
Trong bối cảnh đó, thu hút FDI của nước ta năm 2021 tăng 9,2% vốn đăng ký và chỉ giảm 1,2% vốn thực hiện so với năm 2020, đóng góp 73,6% kim ngạch xuất khẩu, tạo nên xuất siêu 3 tỷ USD là kết quả đáng khích lệ.
Tín hiệu đáng mừng là chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của nước ta theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút FDI và khu vực kinh tế FDI đã bắt đầu phát huy tác dụng, các dự án đầu tư mới dưới 5 triệu USD giảm nhiều làm tăng quy mô bình quân của dự án FDI so với năm 2020, hai dự án công nghệ cao điều chỉnh vốn đầu tư tăng hơn 2,66 tỷ USD. Các nhà đầu tư và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao việc nhà nước Việt Nam nổ lực hoàn thiện thể chế, cải cách nền hành chính quốc gia, giảm thiểu hàng nghìn thủ tục hành chính, chuyển nhanh sang chính phủ số, do đó số doanh nghiệp FDI dự kiến mở rộng sản xuất và kinh doanh chiếm tỷ lệ trên 65%.
Tuy vậy cũng cần lưu ý một số vấn đề sau đây:Chưa thu hút được dự án công nghệ tương lai thíchứng với cuộc cách mạng 4.0 và kinh tế số, chưa có biếnchuyển nhanh sang kinh tế xanh, ít khí phát thải, xâydựng khu công nghiệp sinh thái, đô thị xanh.
Hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mặc dù đã có chính sách ưu đãi cao, ưu đãi đặc biệt đối với dự án quy mô lớn và tác động quan trọng đối với quốc gia, nhưng đạt được kết quả khá khiêm tốn.
Chưa tận dụng tốt các FTA thế hệ mới với mục tiêu là gia tăng kim ngạch thương mại với các đối tác quan trọng tại Châu Âu, Mỹ và OECD, nên Việt Nam vẫn thu hút chủ yếu vốn FDI từ Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước ASEAN.
4) Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ “Xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài về kinh tế, xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh”, nhưng đến nay nhiệm vụ này chưa được thực hiện, làm ảnh hưởng đến việc đo lường chính xác thành quả thu hút và sử dụng vốn FDI.
Ngoài ra, cũng cần nhìn lại để rút kinh nghiệm trong việc thực hiện chủ trương gián cách xã hội, “ba tại chỗ” đối với doanh nghiệp, phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển của người lao động trong các KCN làm đình trệ sản xuất, giảm công suất và sản lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng; hạn chế nhập cảnh và cách ly dài ngày trong những tháng dịch bùng phát trở lại, nên nhiều chuyên gia nước ngoài không đến được nước ta, tác động đến hoạt động của doanh nghiệp FDI và tâm lý của nhà đầu tư tiềm năng.
Triển vọng FDI 2022
UNCTAD dự báo do dịch bệnh được kiếm soát tốt, nhiều nước ban hành cơ chế, chính sách mới ưu đãi đầu tư nên FDI toàn cầu năm 2022 có thể khôi phục mức 2019. FDI vào Châu Á, trong đó có một số quốc gia lớn trong ASEAN có thể đạt mức cao hơn năm 2020.
Một số tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB nhận định khá lạc quan về triển vọng khôi phục và phát triển kinh tế Việt Nam năm 2022, tốc độ tăng GDP đạt 6,5%- 6,8%.
Năm 2022 tiếp tục thực hiện một số FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, trong đó Việt Nam được hưởng ưu đãi cao hơn các đối tác; nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đã tích lũy được kinh nghiệm trong thương mại với những đối tác của FTAs thế hệ mới, đã chuẩn bị điều kiện để mở rộng quan hệ song phương trong bối cảnh mới.
Năm 2022 cuộc cải cách nền hành chính quốc gia được tiếp tục được tiến hành, bộ máy nhà nước tinh giản, gọn nhẹ và có hiệu năng hơn, quan hệ phân công, phân cấp theo chiều ngang và chiều dọc giữa các cơ quan nhà nước sẽ được cải thiện, đội ngũ công chức, viên chức nhà nước được đòi hỏi đáp ứng cao hơn việc thực hiện chính phủ kiến tạo, chính phủ số.
Tuy vậy, vẫn còn không ít điểm nghẽn nếu chậm được khắc phục sẽ tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế, thu hút FDI và hoạt động của khu vực kinh tế FDI như hoàn thiện thể chế và thực thi thể chế, đơn giản hơn nữa thủ tục hành chính, loại bỏ các thủ tục gây phiền hà cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, xử lý nghiêm minh và kịp thời mọi vi phạm pháp luật liên quan đến đầu tư như đất đai, môi trường, trốn thuế, lậu thuế, chuyển giá, tranh chấp lao động, bảo đảm đòi hỏi của FTA thế hệ mới như kinh doanh có trách nhệm, xóa bỏ lao động cưỡng bức, không sử dụng lao động trẻ em, trả lương theo lao động bình đẳng giới tính.
Căn cứ những nhân tố trên đây và kết quả thực hiện năm 2021, triển vọng năm 2022 có thể thu hút khoảng 40 tỷ USD vốn FDI đăng ký và 21- 22 tỷ USD vốn thực hiện, đạt mục tiêu về số lượng của Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị (giai đoạn 2021 - 2025 vốn đăng ký khoảng 30 - 40 tỉ USD/năm, vốn thực hiện khoảng 20 -30 tỉ USD/nămgiai đoạn 2026 - 2030 khoảng 150 - 200 tỉ USD (30 - 40 tỉ USD/năm).
Tuy vậy, phải đổi mới toàn diện các khâu xúc tiến đầu tư từ hội nghị, hội thảo là chính sang tiếp cận nhà đầu tiềm năng, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn tại thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, tận dụng FTA thế hệ mới để doanh nghiệp của các nước OECD, Châu Âu, Mỹ thực hiện dự án mà nước ta cần thu hút FDI, đơn giản hóa thủ tục thẩm định, cấp Giấy chứng nhân đầu tư, chuyển nhanh sang công nghệ số, qua mạng internet, hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư nhất là về giải phóng mặt bằng, nhập khẩu trang thiết bị, xây dựng nhà xưởng để sớm đưa dự án vào vận hành. Chuyển hướng thu hút FDI sang chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội theo mục tiêu tại Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị:
- Tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến,quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018.
- Tỉ lệ nội địa hóa tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.
- Tỉ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.
Tổ chức y tế Thế giới (WHO) dự báo dịch Covid-19 có thể được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu vào giữa năm 2022, khuyến cáo các quốc gia cần chuyển sang trạng thái bình thường mới, mở cửa với thế giới, phục hồi và phát triển kinh tế. Đó cũng là chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam để vượt qua thách thức trước mắt, tranh thủ cơ hội mới của năm 2022, tăng cường thu hút FDI và nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế có vốn FDI, đóng góp nhiều hơn vào chuyển dịch sang kinh tế số, thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của kế hoạch 5 năm 2021- 2025.
Một số dự án ĐTNN quy mô lớn
(1) Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) vốn đăng ký 3,1 tỷ USD với mục tiêu sản xuất, truyền tải và cung ứng điện.
(2) Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) vốn đăng ký 1,31 tỷ USD với mục tiêu sản xuất, cung ứng điện.
(3) Dự án nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina công suất 800 nghìn tấn/năm (Nhật Bản), vốn đăng ký 611,4 triệu USD với mục tiêu sản xuất giấy kraft, giấy lót và giấy bao bì tại Vĩnh Phúc.
(4) Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2,15 tỷ USD.
(5) Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan), điều chỉnh tăng vốn đầu tư 610 triệu USD.