Thu hút giao thông công cộng, giảm tắc nghẽn đô thị

Phát triển giao thông đô thị theo hướng bền vững phải hài hòa, cân bằng giữa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với gìn giữ bảo vệ môi trường là một thách thức lớn đối với các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Xe buýt vào đón, trả khách tại trạm chờ trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội). Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Xe buýt vào đón, trả khách tại trạm chờ trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội). Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Tại Hội thảo Giải bài toán phát triển giao thông đô thị do Báo Lao động tổ chức hôm nay (22/5), các chuyên gia cho rằng, để phát triển giao thông đô thị cần sớm hoàn chỉnh mạng lưới giao thông công cộng, tới vận tải hành khách công cộng, đa dạng, linh hoạt về phương thức, phủ khắp đô thị.

Theo Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm, hiện mạng lưới giao thông phát triển chưa tương ứng với phát triển đô thị, gia tăng dân số. Tỷ lệ đất dành cho giao thông với hệ thống đường bộ, giao thông tĩnh còn thấp so với qui chuẩn với đô thị lớn, nhất là đô thị đặc biệt.

Bên cạnh đó. vận tải hành khách công cộng chưa thu hút người dân, nên càng gây áp lực về giao thông. Như Hà Nội cần đạt 30 - 35% nhu cầu đi lại trong đô thị trung tâm, song đến nay mới chỉ đạt 20%, dù đã có nhiều loại hình giao thông công cộng .

Phó chủ tịch Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, phát triển giao thông phải phù hợp với thực tiễn, song phải gắn kết với cả hệ thống quy hoạch đang thực hiện. Trong định hướng phát triển các đô thị lớn hiện nay, phát triển đô thị được khuyến khích theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD). Đây là bài học kinh nghiệm từ nước ngoài, song mỗi nước có mô hình khác nhau. Để áp dụng với Việt Nam cần nghiên cứu đồng bộ với phân bố dân cư đô thị và quỹ di sản đô thị.

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy, do bất cập trong đầu tư hạ tầng, không theo kịp tiến trình đô thị hóa nên những siêu đô thị như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội dù đã đầu tư phát triển giao thông công cộng song vẫn không thể đáp ứng nhu cầu khoảng 12-18 triệu lượt đi lại mỗi ngày. Vậy nên, ùn tắc giao thông cũng là điều khó tránh khỏi.

Để phát triển giao thông đô thị cần phát triển mạnh kết cấu hạ tầng giao thông như nâng cấp các trục đường chính (hướng tâm, xuyên tâm, vành đai, tiếp tuyến – trên cao, mặt đất, ngầm); xây dựng cầu vượt, đường ngầm ở các ngã tư; sớm xóa các điểm đen giao thông, mở rộng, khai thông các cửa ngõ thành phố.

“Hệ thống giao thông công cộng cần sớm được hiện đại hóa. Đây là bài toán phức tạp và vô cùng tốn kém nhưng không thể không làm. Trước hết, ưu tiên phát triển đường sắt đô thị như: tàu ngoại thành, tàu điện mặt đất, đường sắt đô thị ngầm và trên cao…”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Lê Hùng Lân, giảng viên Khoa Điện - Điện tử, trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, để phát triển hệ thống giao thông đô thị thông minh, bền vững cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như phát triển vận tải hành khách công cộng, đa dạng, linh hoạt về phương thức, phủ khắp đô thị; đồng thời, xây dựng và thực hiện quy hoạch đô thị gồm các chỉ tiêu dành cho hạ tầng giao thông như đường, bãi đỗ… khoa học, bền vững. Ngoài ra, xây dựng hệ thống giao thông thông minh (ITS) dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin quản lý, điều hành giao thông...

Theo Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) Vũ Hồng Trường, sau khi vận hành 3 năm, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ghi nhận, mỗi ngày có trên 35.000 hành khách sử dụng làm phương tiện đi lại; trong đó, 47% người đi làm, 45% người đi học và 8% còn lại là đi lại với các mục đích khác.

Theo khảo sát của Hà Nội Metro, giai đoạn đầu, người dân chủ yếu sử dụng phương tiện cá nhân để tiếp cận các nhà ga của tuyến, còn hiện nay, người dân đã chấp nhận đi bộ để tiếp cận các nhà ga (trong phạm vi 2 km) và sử dụng xe buýt cũng như các phương tiện công cộng khác để tiếp cận các nhà ga.

Cũng theo kết quả điều tra khảo sát, trên 60% hành khách có xe máy và 18% có ô tô con nhưng vẫn sử dụng đường sắt đô thị để đi lại với những chuyến đi trong vùng phục vụ của tuyến. Điều này đang góp phần giảm thiểu mật độ phương tiện trên hành lang tuyến giờ cao điểm, từng bước giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Diệp Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/thu-hut-giao-thong-cong-cong-giam-tac-nghen-do-thi-20240522172716157.htm