Thu hút nguồn nhân lực khu vực công
Nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quyết định, cần có nhiều quyết sách để thu hút, tuyển chọn, đào tạo và giữ chân, đặc biệt là trong khu vực công
Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định nhiệm vụ: "Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức (CB, CC) giỏi về nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức, lối sống, năng động, sáng tạo và kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng […] Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân tài, vừa chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, viên chức (VC) của thành phố".
Nhiều khó khăn, thách thức
Trong những năm qua, bên cạnh các cơ chế của Trung ương về thu hút nguồn nhân lực khu vực công như Nghị định 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ thì Đảng bộ và chính quyền TP HCM đã có nhiều giải pháp để thực hiện công tác thu hút nguồn nhân lực khu vực công bằng các đề án, chính sách, cơ chế đặc thù.
Trong giai đoạn 2021 - 2022, Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch để thu hút, tuyển dụng CB, CC như Đề án số 01-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của TP HCM giai đoạn 2020 - 2035; Nghị quyết 61/NQ-HĐND của HĐND TP (khóa X) về phát triển thanh niên TP HCM giai đoạn 2022 - 2030; Nghị quyết 20/2018/NQ-HĐND của HĐND TP (khóa IX) về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu giai đoạn thu hút 2018 -2022; Kế hoạch 5784/KH-UBND ngày 17-12-2018 của UBND TP về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 140/2017/NĐCP của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn CB từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, CB khoa học trẻ trên địa bàn TP HCM...
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ chế chính sách, văn bản được xây dựng, ban hành và triển khai thì kết quả trong 5 năm thực hiện Nghị định 140/2017/NĐCP (từ năm 2018 - 2022), thành phố không thu hút được sinh viên xuất sắc, CB khoa học trẻ vào làm việc tại khu vực công. Đồng thời, việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt của thành phố trong 5 năm (2018- 2022) chỉ được 19 nhà khoa học về làm việc nhưng sau đó 14 người rời đi, 3 năm (năm 2020 - 2022) các đơn vị không tuyển được chuyên gia nào.
Trong năm 2022, TP HCM đã tuyển dụng 887 CC/1.004 chỉ tiêu cần tuyển của khối chính quyền và 174 CC/180 chỉ tiêu cần tuyển của khối Đảng, đoàn thể bằng hình thức thi tuyển. Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2020 đến ngày 30-6-2022 có 6.177 CB, CC, VC thôi việc theo nguyện vọng. Những nguyên nhân chính được UBND thành phố chỉ ra là do chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ; cơ hội thăng tiến; áp lực công việc.
Cần những chính sách đồng bộ
Để thực hiện hiệu quả các giải pháp trong thu hút nguồn nhân lực khu vực công tại TP HCM, cần xem xét, thực hiện một số giải pháp sau:
Tiếp tục triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch của Thành ủy, UBND thành phố về tuyển dụng CB, CC, VC và người có tài năng tham gia vào khu vực công.
Cần ủy quyền, phân cấp cho thủ trưởng các sở, ban, ngành trực thuộc UBND thành phố và UBND các quận - huyện và TP Thủ Đức trong việc tuyển dụng, bố trí CB, CC, VC để có sự linh động, kịp thời trong tuyển dụng, bố trí công tác. Đồng thời, kiến nghị với trung ương về việc đào tạo, trang bị, bồi dưỡng kiến thức, trình độ lý luận chính trị từ sớm cho đội ngũ CB, CC, VC thành phố.
Thực hiện hiệu quả việc chuyển cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm những nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà nhà nước không nhất thiết phải thực hiện để giảm tải áp lực cho đội ngũ CB, CC thành phố, nhất là cấp cơ sở.
Đặc biệt có cơ chế riêng trong thực hiện chính sách tiền lương để cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của đội ngũ CB, CC, VC TP HCM. Chính sách tiền lương phải bảo đảm mức sống tối thiểu, các nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt và nâng cao trình độ chuyên môn, tương xứng với công việc của CB, CC, VC thành phố đang ra sức thực hiện để kinh tế - xã hội thành phố ổn định và phát triển. Có các giải pháp bảo đảm chất lượng cuộc sống của đội ngũ CB, CC, VC thành phố, nhất là các chính sách phát triển nhà ở xã hội.
Cần phối hợp với các trường đại học, học viện, cao đẳng trên địa bàn bố trí sinh viên các chuyên ngành phù hợp thực tập và có điều kiện gắn bó lâu dài với cơ quan, đơn vị. Từ đó, giúp sinh viên hiểu, biết về công việc, nhiệm vụ và ý nghĩa của công việc mà khu vực công đang thực hiện, tạo điều kiện, động lực để sinh viên khi tốt nghiệp ra trường có thể gắn bó với khu vực công.
Tóm lại, để đội ngũ CB, CC, VC thành phố yên tâm công tác, rất cần những chính sách đồng bộ từ trung ương và thành phố để bảo đảm điều kiện kinh tế, mức sống cũng như tạo môi trường thuận lợi để nhân lực khu vực công luôn cống hiến, dám nghĩ, dám làm.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/thu-hut-nguon-nhan-luc-khu-vuc-cong-20230905210148298.htm