Thu hút nguồn nhân lực ngoài tỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế

Những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn quan tâm thu hút nguồn nhân lực ngoài tỉnh đến làm việc tại địa phương thông qua việc hoàn thiện và ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp.

Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai - VIMICO là đơn vị trực thuộc Tổng công ty Khoáng sản - TKV. Để đáp ứng nhiệm vụ khai thác và tuyển quặng đồng tại mỏ đồng Sin Quyền (Bát Xát), chi nhánh đã tích cực thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ngoài tỉnh vào làm việc tại đơn vị.

Anh Nguyễn Văn Tùng (sinh năm 1989) ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình lên Lào Cai làm việc tại Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền từ năm 2013 đến nay. Hiện anh giữ chức vụ Trưởng ca sản xuất của Phân xưởng vận tải. Hơn 11 năm qua, anh luôn được đơn vị giúp đỡ, tạo điều kiện để yên tâm công tác.

Anh Tùng tâm sự: Ban đầu, tôi gặp khó khăn do “lạ nước, lạ cái”, phải tự lo cho bản thân. Tuy nhiên, chi nhánh rất quan tâm, tạo điều kiện về nơi ăn, chốn ở nên dần dần tôi đã ổn định cuộc sống và lập gia đình ngay tại địa phương.

Tương tự, chị Nguyễn Hồng Thương (sinh năm 1994) mặc dù sinh ra và lớn lên tại đất mỏ Quảng Ninh - nơi có điều kiện việc làm tốt, gần gia đình, nhưng chị đã quyết định đến vùng mỏ Sin Quyền của Lào Cai làm việc từ năm 2019 đến nay. Tại chi nhánh, chị được làm đúng chuyên môn đào tạo đại học là kỹ sư tuyển khoáng. Sau 5 năm công tác, chị đã có cuộc sống ổn định và xác định gắn bó lâu dài tại Lào Cai. Chị Thương bộc bạch: Tôi hài lòng với cuộc sống, công việc hiện tại và luôn coi Lào Cai như quê hương thứ hai. Chi nhánh luôn quan tâm để chúng tôi làm việc trong điều kiện tốt nhất.

Hiện Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền, Lào Cai -VIMICO có 83 người ngoài tỉnh (chiếm 6,2% nguồn nhân lực tại chi nhánh) có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên. Ông Trần Trọng Quỳnh, Phó Giám đốc chi nhánh cho biết: Những năm qua, đơn vị tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đòi hỏi chuyên môn sâu về kỹ thuật luyện kim, điều khiển máy móc, công nghệ tự động hóa, kỹ thuật công trình... Để người lao động gắn bó lâu dài, chi nhánh luôn quan tâm chế độ đãi ngộ, lương, thưởng. Người lao động có cơ hội học tập nâng cao trình độ chuyên môn và khả năng thăng tiến trong công việc. Tổ chức công đoàn đơn vị cũng quan tâm, chăm lo đời sống người lao động, nhờ vậy tỷ lệ người ngoài tỉnh xin nghỉ việc rất thấp.

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2022 - 2023, tỉnh Lào Cai thu hút 2.660 lao động ngoài tỉnh đến làm việc tại các khu kinh tế và khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn. Chỉ tính riêng năm 2023, toàn tỉnh thu hút 1.400 người ngoài tỉnh, vượt 6% kế hoạch đề ra. Để có kết quả trên, thời gian qua, tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, đặc biệt là phục hồi công nghiệp, phát triển du lịch, dịch vụ.

Việc thu hút nguồn nhân lực ngoài tỉnh đến làm việc tại Lào Cai được thực hiện theo từng giai đoạn, bối cảnh, mới đây nhất là được cụ thể hóa trong Nghị quyết 26 ngày 7/2/2022 của Ban Thường Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc phát triển nguồn nhân lực gắn với phát triển quy mô nền kinh tế, thu hút chuyển dịch, tăng dân số cơ học; thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, tạo việc làm mới để thu hút lao động đến làm việc, sinh sống tại địa phương.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu kế hoạch triển khai, thực hiện Nghị quyết 26 theo từng năm. Mỗi năm, ngân sách tỉnh ưu tiên 3 - 5 tỷ đồng phân bổ cho các địa phương để tạo việc làm mới, trong đó có nguồn thu hút lao động ngoài tỉnh đến làm việc tại Lào Cai. Bên cạnh đó, sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường kết nối thị trường lao động, xây dựng website việc làm tỉnh Lào Cai để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đăng tin tuyển dụng và người lao động thuận tiện tra cứu thông tin tìm kiếm việc làm.

Cùng với sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, các cấp công đoàn Lào Cai cũng thường xuyên quan tâm đến các đối tượng lao động xa quê. Ông Ninh Quang Dương, Trưởng Ban Chính sách, Pháp luật và Quan hệ lao động (Liên đoàn Lao động tỉnh) cho biết: Hằng năm, công đoàn các cấp tổ chức các hoạt động an sinh, chăm lo cho người lao động ngoài tỉnh có hoàn cảnh khó khăn hoặc gặp rủi ro nghề nghiệp; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hỗ trợ người lao động những chuyến xe miễn phí về quê đón tết...

Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút được 270.000 lao động ngoài tỉnh đến làm việc tại các khu kinh tế và khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn. Giai đoạn 2022 - 2023, việc thu hút nguồn nhân lực đến Lào Cai còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng, tuy nhiên nguyên nhân khách quan là do kinh tế mới phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhiều đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Dự báo tình hình kinh tế năm 2024 sẽ có những bứt phá, tạo ra nhiều cơ hội việc làm. Theo Kế hoạch số 16 ngày 15/1/2024 của UBND tỉnh, mục tiêu đến cuối năm nay là thành lập mới khoảng 800 doanh nghiệp và dự kiến kết nối, giải quyết việc làm cho gần 15 nghìn lao động, đây là cơ hội lớn tiếp tục thu hút nguồn nhân lực ngoài tỉnh đến làm việc tại Lào Cai. Con số này sẽ tiếp tục thay đổi theo chiều hướng gia tăng, làm cơ sở hoàn thành mục tiêu đã đề ra đến năm 2030.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu, thực hiện tốt công tác thu hút lao động ngoài tỉnh, đặc biệt là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời đề xuất các chế độ, chính sách và các điều kiện sinh hoạt nhằm ổn định cuộc sống để người lao động ngoài tỉnh đến Lào Cai làm việc một cách yên tâm nhất.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/thu-hut-nguon-nhan-luc-ngoai-tinh-dap-ung-nhu-cau-phat-trien-kinh-te-post381858.html