THU HÚT SỰ THAM GIA GÓP Ý CỦA CHUYÊN GIA, DOANH NGHIỆP, NGƯỜI DÂN NGAY TỪ KHÂU XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH

Theo GS. TS Hoàng Thị Kim Quế, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội để tiếp tục hoàn thiện, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, hiện đại, khả thi,… cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng thực hiện nghiêm túc, có chất lượng việc lấy ý kiến góp ý, tham vấn, phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật…

Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ

Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài. Trên cơ sở những quan điểm chỉ đạo định hướng về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt nam trong đó có hoàn thiện hệ thống pháp luật, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã đề những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản nhằm triển khai thực hiện. Những quan điểm cơ bản về hoàn thiện hệ thống pháp luật mà Đảng ta đã xác định mang tính kế thừa, phát triển, phù hợp với xu thế phát triển đất nước trong bối cảnh mới.

Nghiên cứu về nội dung này, GS. TS Hoàng Thị Kim Quế cho rằng, hoàn thiện hệ thống pháp luật là vấn đề có nội hàm khái niệm rộng, bao quát cả hoạt động xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật, tạo lập nền văn hóa pháp luật. Cùng với xây dựng, ban hành mới các quy định pháp luật, cần thiết phải tổng rà soát những hạn chế, yếu kém, nhận diện đúng thực trạng và đề xuất giải pháp mang tính bền vững để khắc phục, phòng ngừa.

Nội dung cốt lõi của chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 bao gồm: hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới”.

Đại hội XIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ chiến lược xây dựng nhà nước pháp quyền: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân…. Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”.

 GS. TS Hoàng Thị Kim Quế, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội

GS. TS Hoàng Thị Kim Quế, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội

Đưa ra giải pháp nhằm hoàn thiện để tiếp tục hoàn thiện, khắc phục một số hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật, GS. TS Hoàng Thị Kim Quế kiến nghị cần: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quy định chế độ trách nhiệm, chế tài xử lý vi phạm đối với các cá nhân, tổ chức trong xây dựng pháp luật; Thực hiện nghiêm túc, có chất lượng việc lấy ý kiến góp ý, tham vấn, phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật; Tăng cường năng lực và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức tham gia xây dựng pháp luật, đảm bảo chất lượng của dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;…

Trong đó, để đảm bảo chất lượng, hiệu lực pháp lý và hiệu quả xã hội của các chính sách, văn bản pháp luật cần làm nghiêm túc công đoạn tổ chức lấy ý kiến, sự tham vấn của các chuyên gia, các tổ chức pháp lý, xã hội, người dân và doanh nghiệp. Nhiệm vụ của các cơ quan chủ trì soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải chủ động lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động; rà soát, kịp thời phát hiện các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý, không phù hợp với tình hình thực tiễn và đề xuất hướng giải quyết.

Đồng thời, cần đổi mới cách tổ chức, xử lý, sử dụng thông tin của việc lấy ý kiến góp ý, phản biện chính sách và pháp luật đảm bảo khách quan, thực chất hơn. Để góp phần đảm bảo chất lượng của các văn bản pháp luật, cần thu hút sự tham gia ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân ngay từ khâu xây dựng chính sách chứ không chỉ góp ý vào các Dự án, Dự thảo văn bản pháp luật. Các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tham vấn ý kiến các đối tượng chịu sự tác động của văn bản.

Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Nhấn mạnh xây dựng chính sách, pháp luật là công việc rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi những người trực tiếp thực hiện phải có trình độ chuyên môn sâu, có năng lực phân tích chính sách và soạn thảo văn bản pháp luật, GS. TS Hoàng Thị Kim Quế lưu ý, cần xây dựng đội ngũ chuyên gia xây dựng chính sách, pháp luật được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về xây dựng chính sách và pháp luật. Đề xuất đưa dự án luật vào Chương trình xây dựng pháp luật phải có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn; dự liệu được hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thực hiện. Trong văn bản pháp luật cần được thể hiện rõ ràng những vấn đề cơ bản như: đối tượng có trách nhiệm thực hiện, cơ quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện, cơ quan áp dụng chế tài; cơ quan giải quyết tranh chấp; cơ quan cấp vốn; cơ quan giám sát và đánh giá; cơ quan ban hành các văn bản dưới luật; cơ quan duy trì trật tự văn bản.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác kiểm tra, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xử lý kịp thời các sai phạm theo hướng: xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật; nâng cao trách nhiệm, chất lượng văn bản, phân công hợp lý hơn, phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, …./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77802