Thủ khoa truyền 'bí kíp' tiếp sức sĩ tử

Trong giai đoạn 'nước rút' trước kỳ thi tốt nghiệp đầy căng thẳng, thủ khoa đầu vào các trường đại học đã chia sẻ bí quyết ôn tập hiệu quả, tránh dồn toàn lực học đến kiệt sức và cách ổn định cảm xúc, tinh thần trước khi bước vào phòng thi cho các sĩ tử.

Luyện đề trùng với khung giờ thi thật

Từng đạt 27,2 điểm thi khối A, bạn Đặng Đại Nhân - thủ khoa đầu vào ngành Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân năm 2022 cho biết, trong 3 tháng tăng tốc ôn luyện trước khi thi, bản thân đã duy trì thói quen luyện đề trùng với khung giờ thi thật.

Cụ thể, Nhân sắp xếp thời gian ôn luyện, làm đề từng môn học theo đúng lịch thi đã được thông báo. “Giả sử, môn Toán thi buổi chiều, em sẽ duy trì buổi chiều nào cũng làm một đề Toán trong 120 phút và tương tự với các môn học khác. Khi đó, não của em sẽ quen với việc cứ đến thời gian đó sẽ tự động kích hoạt trạng thái tiến vào môn học”, Nhân chia sẻ.

Đối với từng môn học cụ thể, Nhân đã vận dụng linh hoạt phương pháp quả cà chua (pomodoro technique) nhằm nâng cao sự tập trung trong khoảng thời gian nhất định. Nhân đã xếp các môn Toán, Lý, Hóa vào thời gian học ưu tiên và sẽ dừng nghỉ 15 phút quãng chuyển tiếp môn học. Trong 15 phút nghỉ, nam sinh sẽ nghe một đoạn nhạc không lời hay xem một video yêu thích. Theo Nhân, cái khó nhất của các sĩ tử là làm sao để không bị sa đà vào thư giãn giữa những quãng nghỉ như vậy, bởi “có những bạn miệng nói chỉ nằm một tí thôi nhưng cũng lướt TikTok hết cả tiếng”.

Các sĩ tử bước vào giai đoạn “nước rút”Ảnh: Như Ý

Các sĩ tử bước vào giai đoạn “nước rút”Ảnh: Như Ý

Vì vậy, nam sinh gợi ý, với mỗi hoạt động, hay môn học, các sĩ tử nên đặt báo thức khi nào hết thời gian. Khi đó, các bạn sẽ rèn được sự tập trung làm một việc trong một thời điểm để đạt hiệu suất cao nhất. Mặt khác, các sĩ tử không nên ôn thi dồn dập, hay có tâm lý thức khuya lao vào ôn tập để chơi bù sau. Nhân lý giải: “Các sĩ tử không được bỏ qua thời gian ngủ vàng vì đây là quá trình quan trọng giúp mình nhớ được kiến thức đã học trong ngày, phục hồi chức năng của não giúp mình tỉnh táo hơn khi bắt đầu ngày ôn luyện mới”.

Xác định “điểm rơi” phong độ

Với bạn Lê Nguyễn Quốc Anh - thủ khoa đầu vào ĐH Ngoại thương, điểm SAT thuộc top 1% thế giới, trong quá trình ôn luyện, bí quyết quan trọng nhất đó là mỗi sĩ tử hãy xác định “điểm rơi” phong độ. Cụ thể, mỗi sĩ tử cần xác định mức điểm sàn mình sẽ đạt được là bao nhiêu thông qua quá trình luyện đề và thi thử, từ đó đặt mục tiêu điểm số tăng dần theo khả năng có thể tiếp nhận tương ứng.

“Ví dụ, với môn Toán, sức của bạn chỉ làm được đến câu hỏi số 40, bạn phải đảm bảo phổ kiến thức lý thuyết có thể đáp ứng được với mọi dạng đề. Khi đã nắm chắc các dạng, đảm bảo làm đúng được hết gần 40 câu hỏi, bạn mới nên nghĩ đến việc luyện thêm các dạng nâng cao. Còn với môn Lý, các bạn cần hiểu sâu về hiện tượng vật lý chứ không đơn thuần chỉ thuộc công thức”, Quốc Anh cho hay.

“Các sĩ tử hãy xác định đi thi cho mình, vì mình để giảm áp lực đồng trang lứa. Hãy nghĩ đơn giản, đây là chặng đường cuối của 12 năm học tập để mình có cơ hội khẳng định, thể hiện tốt nhất những gì đã tiếp thu trong quãng thời gian vừa qua”.

Bạn Lê Nguyễn Quốc Anh - Thủ khoa đầu vào Đại học Ngoại thương, điểm SAT thuộc top 1% thế giới nhắn nhủ các sĩ tử

Từng đạt IELTS 8.5, Quốc Anh cũng muốn chia sẻ bí quyết riêng học môn tiếng Anh cho các sĩ tử. Theo nam sinh, đề thi có giới hạn ngữ pháp và các dạng ngữ âm, dạng hội thoại giao tiếp sẽ hỏi nên các sĩ tử cần khoanh vùng phạm vi ôn tập dựa trên gợi ý của giáo viên

“Môn này yêu cầu sự chăm chỉ cả quá trình và một phương pháp học khoa học mới có thể nạp được lượng từ vựng hay ngữ pháp phong phú. Đối với những bạn mất gốc tiếng Anh, trong giai đoạn “nước rút”, nên cố gắng học, luyện làm thành thạo những câu dễ nhất ở mỗi kỹ năng”, Quốc Anh chia sẻ.

Đặc biệt, để tránh căng thẳng khi bước vào phòng thi, Quốc Anh cho rằng, các sĩ tử hãy xác định đi thi cho mình, vì mình. Nam sinh nói: “Không có đối thủ nào trên con đường của mình. Hãy nghĩ đơn giản, đây là chặng đường cuối của 12 năm học tập để mình có cơ hội khẳng định, thể hiện tốt nhất những gì đã tiếp thu trong quãng thời gian vừa qua”.

Tư duy ngược và tìm “vùng nhạy cảm”

Phương pháp tư duy ngược và tìm vùng nhạy cảm trong văn chương để tạo nét riêng trong bài thi của mình, là cách mà Nguyễn Thị Hải Ly - thủ khoa đầu vào Học viện Cảnh sát nhân dân năm 2019 (27,6 điểm khối D) đã gây ấn tượng với giám khảo chấm thi.

Cụ thể, Ly sử dụng tư duy ngược trong phần nghị luận xã hội. Nữ sinh luôn đặt câu hỏi về vấn đề được nêu ra như: Vì sao vấn đề này lại được đưa vào đề thi? Nó có phản ánh một vấn đề thời sự nào đang diễn ra hay không? Từ vấn đề này sẽ gợi mở ra những thông điệp gì ?… Mỗi câu hỏi Ly đặt ra đều sẽ là thứ tự cô diễn đạt, lập luận trong bài. “Muốn lấy điểm tuyệt đối phần này, các sĩ tử cũng cần xem, cập nhật thời sự để lấy dẫn chứng vào vấn đề được nêu ra. Đặc biệt, các bạn phải thể hiện được quan điểm, chính kiến của cá nhân đằng sau vấn đề (đồng tình, phản bác hay khuyến nghị như thế nào)”, Ly chia sẻ.

Còn đối với phần nghị luận văn học, nữ thủ khoa bật mí, sĩ tử hãy chọn một “vùng nhạy cảm” trong phần phân tích để bàn sâu và đẩy lên cao trào. “Đó là điểm chính yếu để người chấm thăng hoa hay cảm thấy thỏa mãn khi đọc bài của bạn”, Ly nói.

Với những bạn không mấy hứng thú với môn Văn, nữ sinh khuyên không nên đoán tủ hay học tủ. Thay vào đó, sĩ tử có thể ôn tập theo sơ đồ tư duy, học các từ khóa chính để phân tích sao cho đúng và mạch lạc.

CHÂU LINH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thu-khoa-truyen-bi-kip-tiep-suc-si-tu-post1646029.tpo