Thu lợi lớn tại Trung Quốc, Apple khó ra đi như thế nào?
Cuốn 'Apple in China' của Patrick McGee kể về con đường thành công ngoạn mục của Apple tại Trung Quốc, điều cũng góp phần giúp chính quốc gia này thành một siêu cường công nghệ.
Câu chuyện bắt đầu cách đây gần 30 năm. Sau khi trở lại Apple vào năm 1997, người đồng sáng lập Steve Jobs cần một sản phẩm ăn khách và một nơi phát triển sản phẩm này ở quy mô lớn.
Máy tính để bàn iMac là cú hích của Jobs. Tuy nhiên, cấu trúc của nó kỳ lạ và khó lắp ráp. Apple ban đầu ra mắt iMac với sự giúp đỡ của LG (Hàn Quốc) nhưng các vấn đề sản xuất và nhu cầu ngày càng tăng khiến họ phải tìm kiếm nhà sản xuất thứ hai.
Thành công phi thường nhờ Trung Quốc
Vào thời điểm đó, lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc là “tiền lương thấp và phúc lợi thấp”.
Nhìn ra điều này, Apple dường như đã tìm ra một công thức chiến thắng: Kết hợp sự đổi mới và thiết kế đặc trưng của Steve Jobs với năng lực sản xuất khổng lồ của Trung Quốc và chịu sự giám sát từ Tim Cook, kiến trúc sư chiến lược Trung Quốc của Apple.
Tuy nhiên, bất chấp thành công phi thường của Apple và Cook tại Trung Quốc, cuốn sách Apple in China là một lời cảnh báo. Cuốn sách mô tả sự kiêu ngạo của Apple, gần như cố tình không nhìn thấy thực tế địa chính trị căng thẳng có thể gây ra những rủi ro lớn và có thể quật ngã bất kỳ công ty nào.

Apple in China là một lời cảnh báo. Ảnh: NYP.
Trong khi Apple đầu tư mạnh và được tạo điều kiện để củng cố vị thế của mình tại Trung Quốc, họ cũng phải trả một cái giá tương xứng, thông qua chuyển giao kiến thức và các hoạt động thực tiễn công nghệ tốt nhất.
Khi Apple được hưởng lợi từ Trung Quốc, Trung Quốc cũng tìm cách biến các khoản đầu tư lịch sử của Apple thành một bước tiến công nghệ lớn cho chính mình.
Ngay từ đầu, Apple đã đầu tư đáng kể vào việc mở rộng chuỗi cung ứng phức tạp của Trung Quốc.
Ví dụ, vào năm 2015, Apple đã cam kết chi 275 tỷ USD tại Trung Quốc trong 5 năm, gấp đôi số tiền Mỹ chi cho Kế hoạch Marshall để tái thiết châu Âu thế kỷ trước (có tính mức lạm phát theo thời kỳ).
Trong nhiều thập kỷ, Apple ước tính đã đào tạo được 28 triệu công nhân, nhiều hơn toàn bộ lực lượng lao động của bang California. McGee đánh giá đây có thể coi là đóng góp mang tính xây dựng quốc gia cho Trung Quốc.
Thành công của Apple, một phần được thúc đẩy nhờ sự đón nhận nồng nhiệt của người tiêu dùng Trung Quốc, cũng bắt đầu tạo sức ép cho thị trường lao động địa phương. Tình trạng này buộc Apple và các nhà cung cấp của họ phải di chuyển sâu hơn vào lục địa, phát triển nhiều hoạt động hơn ở các thành phố như Thành Đô.
Nhưng đây không phải lý do duy nhất. Những khoản đầu tư này cũng nhằm mục đích làm hài lòng chính phủ Trung Quốc khi họ muốn vùng nội địa cũng được nhận được cơ hội đầu tư như các thành phố ven biển.
Apple nổi tiếng là rất khắt khe với các nhà cung cấp của mình. Một giám đốc điều hành của Apple, Tony Blevins, nổi tiếng là người có thể khiến các công ty thành danh hoặc thất bại nhanh chóng. Tuy nhiên, cơ hội làm việc với Apple vẫn thu hút các doanh nghiệp nhỏ. Vì chỉ cần được làm việc với Apple là họ đã có lại nguồn lợi ích to lớn.
Trên thực tế, chiến lược phát triển Trung Quốc của Apple đã giúp tạo ra một hệ sinh thái công nghệ khổng lồ. Ngay cả các thương hiệu lớn như nhà sản xuất ô tô điện BYD cũng khởi nguồn từ một nhà thầu lắp ráp iPad của Apple. Nói cách khác, "Trung Quốc đã thắng một cách xuất sắc khi đạt được lợi ích dài hạn của mình còn Apple chỉ thu về các mục tiêu ngắn hạn", McGee nói.

Thị trường Ấn Độ đang được Apple quan tâm. Ảnh: NYP.
Quá lớn để rời đi?
Vào thời điểm Trung Quốc diễn ra sự thay đổi chính trị, Apple bắt đầu nghiêm túc xét lại hoạt động của mình tại nước này. Họ đưa các giám đốc điều hành hàng đầu vào để quản lý trực tiếp hoạt động ở Trung Quốc. Được gọi là "Băng đảng tám người", nhóm này có Doug Guthrie, một chuyên gia về Trung Quốc. Theo McGee, đây là "nhân vật có vai trò quan trọng nhất trong sự thức tỉnh chính trị của Apple".
Trong khi Guthrie nhận ra rằng Trung Quốc muốn thu hút các công ty công nghệ để họ có thể học tập, thậm chí sau đó tìm cách phát triển vượt trội công nghệ gốc, thì việc họ tạo điều kiện tăng lợi nhuận cho các công ty này, trong đó có Apple, vẫn khiến công ty này không điều chỉnh mạnh chiến lược của mình.
Tuy nhiên, Apple phải đối mặt với một rủi ro mới vào năm 2016 khi Donald Trump đắc cử, một người theo chủ nghĩa cứng rắn với Trung Quốc. Theo McGee, Tim Cook đã khéo léo điều hòa quan hệ với vị tổng thống mới, thường xuyên đến thăm và gọi điện cho ông Trump.
Trên thực tế, thay vì gây tổn hại cho Apple, chính sách với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của Trump, bao gồm cả đánh thuế đối với Trung Quốc, lại mang về lợi ích cho Apple. Việc Trump đã áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt đối với Huawei, đối thủ chính của Apple tại Trung Quốc, giúp Apple giành lại thị phần đã mất vào tay Huawei tại thị trường này và thu về hàng tỷ USD lợi nhuận.
Năm 2020, Covid-19 khiến cả thế giới tê liệt. Nhưng chỉ trong vòng vài tháng, các nhà máy Apple ở Trung Quốc đã mở cửa trở lại, sản xuất iPhone và iPad với tốc độ kỷ lục. Nhưng tình trạng căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng khiến Apple không thể ngồi yên.
Ngày nay, họ đang cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Vào năm 2022, Apple đã bật đèn xanh cho một kế hoạch thúc đẩy sản xuất tại Ấn Độ, cũng là một thị trường tiêu dùng lớn. Nhưng để hoàn toàn rời khỏi Trung Quốc, Apple sẽ cần đầu tư hàng trăm tỷ USD và nhiều thập kỷ để thực hiện.
Tuy nhiên tại Ấn Độ, việc tuyển dụng một lượng lớn tay nghề đã quen việc như ở Trung Quốc chưa thể diễn ra ngay. Và Ấn Độ cũng không có hệ sinh thái các nhà cung cấp công nghệ cao, hầu hết trong số họ vẫn ở Trung Quốc.
Ngoài ra, còn có những rủi ro khác. Huawei, một đối thủ cạnh tranh của Apple, đang dần vượt mặt ông lớn Mỹ về thiết kế và công nghệ. Chưa kể việc ông Trump lại lên nắm quyền và chiến lược thuế quan liên tục thay đổi của ông cũng là một nguồn bất ổn đáng kể.
McGee kết thúc cuốn sách bằng câu hỏi: “Trung Quốc đã phát triển nhanh như thế nào? Một phần của câu trả lời này là Apple đã dạy họ".