Thu ngân sách nhà nước từ sản xuất kinh doanh đạt 18,2% dự toán ngay trong tháng đầu

Theo thống kê mới nhất từ Bộ Tài chính, công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 1/2025 ghi nhận nhiều kết quả tích cực, nhất là từ khu vực sản xuất, kinh doanh.

Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán ở mức cao dù vẫn duy trì các chính sách hỗ trợ Nhận diện rủi ro để sàng lọc, chống thất thu ngân sách

Tổng thu tăng trưởng 3,5%

Tổng thu NSNN tháng 1/2025 ước đạt 275,9 nghìn tỷ đồng, bằng 14% dự toán, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 255,4 nghìn tỷ đồng, bằng 15,3% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2024.

Ngành Thuế triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh để nuôi dưỡng nguồn thu. Ảnh: TL.

Ngành Thuế triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh để nuôi dưỡng nguồn thu. Ảnh: TL.

Trong những ngày đầu năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã chỉ đạo các cơ quan thu tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý thu NSNN, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh. Đồng thời, đẩy mạnh chống thất thu; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử; quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế; phấn đấu hoàn thành thu NSNN năm 2025 ở mức cao nhất.

Các khoản thu từ 3 khu vực sản xuất - kinh doanh (chiếm 49,3% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 18,2% dự toán. Nguyên nhân chủ yếu do trong tháng 1/2025 tập trung thu nộp các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng các doanh nghiệp nộp thuộc diện nộp thuế theo quý phát sinh quý IV/2024.

Thu từ cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi Ngân hàng Nhà nước ước đạt 21,6 nghìn tỷ đồng, bằng 19,2% dự toán, tăng 65,3% so với cùng kỳ. Các khoản thu từ nhà, đất ước đạt 36,4 nghìn tỷ đồng, bằng 12,4% dự toán, tăng 81,2% so cùng kỳ.

Đặc biệt, thu tiền sử dụng đất ước đạt 32 nghìn tỷ đồng, bằng 12,6% dự toán, tăng 82,8% so với cùng kỳ, do một số địa phương đã triển khai thực hiện quyết liệt Công điện số 124/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức tốt công tác đấu giá đất, giao đất cho các dự án từ cuối năm 2024, phát sinh số nộp vào NSNN ngay đầu năm 2025.

Một số khoản thu còn lại có tiến độ đạt khá như: Thu thuế thu nhập cá nhân ước đạt 11,4% dự toán; thu các loại phí, lệ phí ước đạt 9,6%; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết ước đạt 19,9%...

Thu từ dầu thô ước đạt 4 nghìn tỷ đồng, bằng 7,5% dự toán, giảm 19% so cùng kỳ năm 2024. Giá dầu thanh toán trong kỳ bình quân đạt 80 USD/thùng, bằng giá dự toán, xấp xỉ cùng kỳ; sản lượng ước đạt 650 nghìn tấn, bằng 8,1% kế hoạch, bằng khoảng 83,3% cùng kỳ.

Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 16,5 nghìn tỷ đồng, bằng 7% dự toán, giảm 15,3% so cùng kỳ, trên cơ sở tổng số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 27 nghìn tỷ đồng, bằng 6,6% dự toán, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 20249; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 10,5 nghìn tỷ đồng, bằng 6% dự toán.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sôi động dịp Tết. Ảnh: TL.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sôi động dịp Tết. Ảnh: TL.

Phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu

Theo Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.966.839 tỷ đồng. Để phấn đấu hoàn thành dự toán, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2025 và Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, Bộ Tài chính xác định tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu bảo đảm bao quát nguồn thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước, chú trọng các giải pháp nhằm nuôi dưỡng nguồn thu và mở rộng cơ sở thu.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế và cơ quan hải quan các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, quản lý thu ngân sách. Đồng thời, tập trung triển khai đầy đủ các giải pháp của Chính phủ về triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách được giao; triển khai các giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước.

Trong đó, thực hiện thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo thời hạn, chất lượng. Rà soát, nghiên cứu các ngành/lĩnh vực/khoản thu/sắc thuế còn nhiều rủi ro thất thu thuế, có nhiều dư địa tăng thu để tham mưu, đề xuất triển khai các chuyên đề nâng cao hiệu quả quản lý thuế và thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách.

Những tháng tiếp theo, ngành Tài chính tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp, chính sách về gia hạn, miễn, giảm thuế, tiền thuê đất. Đồng thời, tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp này nhằm hỗ trợ người nộp thuế, góp phần giúp người nộp thuế nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu.

Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa các lĩnh vực của ngành tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân. Từ đó, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thu-ngan-sach-nha-nuoc-tu-san-xuat-kinh-doanh-dat-182-du-toan-ngay-trong-thang-dau-169907.html