Thử nghiệm có kiểm soát: Miễn trách nhiệm để khuyến khích đổi mới, sáng tạo

Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện thử nghiệm có kiểm soát được miễn trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước khi đã tuân thủ đúng và đầy đủ nội dung quy định trong quy chế thử nghiệm có kiểm soát.

Thời hạn thực hiện thử nghiệm tối đa là 3 năm

Thử nghiệm có kiểm soát là quy định hoàn toàn mới trong Luật Thủ đô (sửa đổi), nhằm tạo cơ chế, chính sách vượt trội để Thủ đô phát triển, đổi mới mạnh mẽ về khoa học công nghệ cao.

Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định thử nghiệm có kiểm soát là việc thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong điều kiện thực tế với phạm vi được giới hạn, dưới sự kiểm soát đặc biệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong một số lĩnh vực có khả năng mang lại giá trị, hiệu quả cao về kinh tế - xã hội mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện...

Thử nghiệm có kiểm soát nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo và làm cơ sở để cơ quan Nhà nước xem xét, đánh giá các rủi ro có thể phát sinh trước khi quyết định đưa vào ứng dụng chính thức, qua đó xác định cơ chế quản lý, điều chỉnh phù hợp. Thời hạn thực hiện thử nghiệm tối đa là 3 năm và có thể được gia hạn 1 lần không quá 3 năm.

Việc thử nghiệm có kiểm soát được thực hiện dưới hình thức cho phép có thời hạn đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc cho phép có thời hạn và không áp dụng một số quy định của pháp luật trong phạm vi giới hạn thử nghiệm đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh đã có quy định của pháp luật nhưng không đủ cụ thể hoặc không còn phù hợp.

Hoạt động nghiên cứu, sản xuất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Phương Ngân.

Hoạt động nghiên cứu, sản xuất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Phương Ngân.

Cũng theo Luật Thủ đô (sửa đổi), tổ chức, doanh nghiệp được cho phép thử nghiệm có kiểm soát khi công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh được đề xuất thử nghiệm có tính đổi mới sáng tạo có phạm vi ứng dụng, triển khai trên địa bàn Thành phố, ưu tiên đối với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh triển khai trong phạm vi khu công nghệ cao, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Trung tâm đổi mới sáng tạo của Thành phố.

Công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh được đề xuất thử nghiệm có triển vọng mang lại giá trị, hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, ưu tiên trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm của Thành phố; không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia, biến đổi, chỉnh sửa gen người; không xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội...

Người dùng phải được thông tin đầy đủ về tình trạng thử nghiệm

Việc cho phép và thực hiện thử nghiệm có kiểm soát phải bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình thử nghiệm; người dùng phải được thông tin đầy đủ về tình trạng thử nghiệm, các rủi ro có thể phát sinh và các biện pháp bồi thường thiệt hại nếu có. Đồng thời bảo đảm các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền lợi của người dùng, lợi ích của xã hội trong quá trình thử nghiệm.

Đáng quan tâm, tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm, cá nhân thực hiện thử nghiệm được miễn trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, được loại trừ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự khi đã tuân thủ đúng và đầy đủ nội dung quy định trong quy chế thử nghiệm có kiểm soát và hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp trong quá trình thử nghiệm đã biết hoặc buộc phải biết về nguy cơ rủi ro nhưng không kịp thời thông tin, báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và không áp dụng đầy đủ biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về phạm vi, loại hình được phép thử nghiệm trong Luật là phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Khi thảo luận về dự án Luật, đại biểu Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, các quy định về chính sách phát triển khoa, học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong Luật Thủ đô (sửa đổi) thực sự là các nội dung chính sách có tính chất vượt trội và đột phá. Luật đã quy định khá chi tiết, cụ thể để thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, đảm bảo thực hiện theo đúng Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phát triển Thủ đô.

Còn đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn tỉnh Lạng Sơn) đánh giá cao quy định tại Điều 25 về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Theo ông, đây là quy định đầu tiên ở cấp độ luật điều chỉnh vấn đề hết sức quan trọng này, phúc đáp yêu cầu phát triển khoa học công nghệ.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thu-nghiem-co-kiem-soat-mien-trach-nhiem-de-khuyen-khich-doi-moi-sang-tao-173419.html