Thu nhập cao từ mô hình trồng dâu tây kết hợp du lịch sinh thái
Với việc đầu tư trồng dâu tây theo hướng hữu cơ kết hợp với phát triển loại hình du lịch sinh thái, chị Nguyễn Thị Kim Loan (làng Châm Prông, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã giải quyết được bài toán về đầu ra cho sản phẩm và nâng cao thu nhập cho gia đình.
Đưa chúng tôi tham quan vườn dâu tây, chị Loan cho biết: Chị bắt đầu trồng dâu tây từ năm 2019. Ban đầu, chị trồng thử nghiệm 2 sào dâu tây Hana Nhật Bản. Sau khi thấy giống dâu tây này hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và nhanh cho thu hoạch, năm 2020, chị quyết định mở rộng diện tích lên hơn 1 ha. Cùng với việc nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc vườn cây để nâng cao hiệu quả kinh tế, chị cũng quảng bá hình ảnh vườn dâu canh tác theo quy trình hữu cơ lên mạng xã hội Facebook để tìm kiếm khách hàng.
“Ban đầu, tôi nghĩ sản phẩm làm ra chỉ bán lẻ cho khách hàng. Tuy nhiên, sau khi đưa lên mạng xã hội, nhiều người biết và tìm đến tham quan, trải nghiệm việc thu hái dâu tây. Điều này giúp tôi tiêu thụ sản phẩm nhanh chóng, lại tiết giảm công thu hái. Từ đó, tôi tự tin phát triển mô hình này”-chị Loan chia sẻ.
Chị Loan sử dụng các loại phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho vườn dâu. Theo đó, trước khi trồng, chị sử dụng phân chuồng và các loại phân hữu cơ để cải tạo đất. Từ khi xuống giống đến lúc thu hoạch dâu tây, chị bón đạm cá thông qua hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Mỗi tháng 1 lần, chị sử dụng tinh dầu tỏi để phòng trừ sâu bệnh và côn trùng gây hại cho vườn dâu, nhất là các côn trùng ăn lá, ăn quả như bọ trĩ, nhện đỏ. Ngoài ra, mỗi vụ 2 đợt, chị tỉa bớt lá nhằm tạo sự thông thoáng giúp cây không bị nấm bệnh. Đặc biệt, khi dâu tây ra quả, chị tự chế dịch chuối với men sinh học để bón nhằm tạo độ ngọt cho quả.

Chị Nguyễn Thị Kim Loan thu hái dâu tây để giao cho khách. Ảnh: N.H
Với hình thức canh tác hữu cơ, vườn dâu cho quả to, vị ngọt đậm, an toàn cho sức khỏe, được khách hàng ưa chuộng. Đặc biệt, dâu tây cho thu hoạch từ giữa tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau. Đây là khoảng thời gian có nhiều lễ, Tết nên nhiều gia đình, trường học tổ chức đến vườn dâu tham quan, trải nghiệm giúp chị tiêu thụ sản phẩm nhanh và bán được giá cao. “Với giá bán dao động 200-400 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi có nguồn thu nhập gần 400 triệu đồng/năm”-chị Loan phấn khởi cho biết.
Chị Nguyễn Thị Thu (làng Khưn, phường Trà Bá, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi từng đưa các con đến tham quan, trải nghiệm hái dâu tây tại nhiều nhà vườn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, các con rất thích vườn dâu của chị Loan vì quả có vị ngọt đậm, ăn giòn”.
Còn chị Phan Thị Xoan-Chủ nhóm lớp Mầm non độc lập tư thục Nắng Hồng (67/5A Nguyễn Hữu Huân, TP. Pleiku) thì cho hay: “Khi biết đến vườn dâu tây hữu cơ của chị Loan, tôi đã tổ chức đưa học sinh đến đây tham quan, trải nghiệm. Qua thực tế, tôi thấy các cháu rất thích thú khi được trải nghiệm việc hái dâu tây tại vườn. Bản thân tôi và phụ huynh cũng yên tâm vì sản phẩm an toàn cho sức khỏe”.

Nhiều đơn vị trường học cho học sinh đến vườn dâu của chị Loan để được trải nghiệm hái dâu tây. Ảnh: N.H
Nói thêm về kinh nghiệm trồng dâu tây, chị Loan cho biết: Cây dâu tây khi trồng trên đất mới phát triển rất khỏe. Còn khi trồng trên đất cũ, cây dễ bị sâu bệnh và giảm năng suất. Trong khi đó, thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch là hơn 5 tháng. Do đó, sau khi thu hoạch xong dâu tây, chị trồng đậu phộng để cải tạo đất. Ngoài ra, sau khi thu hoạch, chị cũng để lại một số cây dâu cũ để nhân giống và mua thêm cây giống cấy mô về nhân thêm trong nhà màng nên giảm được chi phí đầu tư. Hàng năm, chị còn có thêm thu nhập khá từ việc bán cây giống dâu tây cho khách hàng trên địa bàn.
Ông Trần Văn Hùng-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Băng-thông tin: Chị Nguyễn Thị Kim Loan triển khai mô hình trồng dâu tây theo hướng hữu cơ. Với việc áp dụng kỹ thuật chăm sóc này, gia đình chị Loan đã nâng cao được giá trị kinh tế, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, với việc mở cửa cho du khách đến tham quan, trải nghiệm việc thu hái dâu tây ngay tại vườn, gia đình chị đã giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, mô hình này cũng phù hợp với định hướng phát triển du lịch canh nông mà xã đang hướng tới.