Những kịch bản dự báo cho thị trường tài chính Việt Nam năm 2025

Sáng ngày 22/4 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo 'Thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng 2025'.

Những kịch bản được dự báo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó tổng giám đốc BIDV, ông Trần Phương cho biết, liên tục trong ba năm qua (2022-2024), BIDV đã đồng phối hợp với ADB tổ chức Hội thảo thường niên về “Thị trường tài chính Việt Nam và triển vọng”. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm và đánh giá cao của các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các định chế tài chính trong và ngoài nước, Hiệp hội, Viện nghiên cứu, giới truyền thông. Năm nay, tiếp nối thành công của 3 kỳ báo cáo trước, BIDV - với sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của ADB - tiếp tục thực hiện Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng 2025”.

“Cho đến thời điểm hiện nay đây là Báo cáo duy nhất đánh giá toàn cảnh về thị trường tài chính Việt Nam, bao gồm các lĩnh vực Ngân hàng - Chứng khoán - Bảo hiểm. Chúng tôi tin rằng, chuỗi Báo cáo này đã, đang và sẽ góp phần cung cấp thông tin toàn diện, độc lập, khách quan và minh bạch về thị trường tài chính Việt Nam. Đồng thời, Báo cáo cũng nhận diện những xu hướng, cơ hội và các thách thức của thị trường, từ đó đưa ra các giải pháp, khuyến nghị có ý nghĩa thực tiễn góp phần thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam an toàn, hiệu quả và bền vững”, ông Phương nói.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV chia sẻ 3 điểm nhấn chính của Báo cáo năm nay: “Thứ nhất, thị trường tài chính - ngân hàng được trình bày thành một nguồn mạch lạc, xuyên suốt từ năm 2024 đến 2025; Thứ hai, bổ sung thông tin về quỹ đầu tư, TCTD phi ngân hàng; Thứ ba, thảo luận sâu hơn về 2025 bởi năm nay có nhiều biến động. Chúng tôi không bàn về thị trường vàng bởi đã được thảo luận rất nhiều”.

Cụ thể hơn, TS. Lực nhận định, bối cảnh quốc tế năm 2025 được dự báo sẽ có nhiều biến động hơn sau khi ông D. Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, nhất là trong các lĩnh vực về quan hệ đối ngoại, an ninh, kinh tế, thương mại (đặc biệt liên quan đến các chính sách thuế quan) và đầu tư quốc tế. Kinh tế Việt Nam tuy được dự báo tăng trưởng khá, nhưng phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức hơn là cơ hội, nhất là từ bối cảnh quốc tế. Theo đó, mức độ tăng trưởng phụ thuộc khá nhiều vào kết quả đàm phán thuế quan đối ứng giữa Việt Nam và Mỹ.

Với kịch bản cơ sở (xác suất 60%), Báo cáo giả định Việt Nam đàm phán giảm mức thuế đối ứng xuống còn khoảng 20 - 25% (từ mức 46% dự kiến hiện tại), tăng trưởng GDP năm 2025 có thể đạt khoảng 6,5 - 7%. Với kịch bản tích cực (xác suất 20%), mức thuế quan chỉ khoảng 10%, tăng trưởng GDP có thể đạt 7,5 - 8%. Với kịch bản tiêu cực (xác suất 20%), Mỹ vẫn sẽ áp mức thuế đối ứng 46% (hoặc chỉ giảm nhẹ), tăng trưởng GDP sẽ bị ảnh hưởng giảm 1,5-2 điểm %, chỉ đạt 5,5 - 6% năm 2025. Lạm phát cả năm 2025 dự báo tăng khoảng 4 - 4,5%.

Với bối cảnh quốc tế và trong nước như trên, thị trường tài chính năm 2025 được dự báo bên cạnh những thuận lợi sẽ đối mặt với một số rủi ro, thách thức. Với kịch bản cơ sở, tăng trưởng tín dụng dự báo ở mức 14 - 15% (do lực cầu và hấp thụ vốn ở một số lĩnh vực còn yếu, thị trường bất động sản phục hồi còn chậm với giá bất động sản ở mức cao, vượt nhiều khả năng chi trả của người dân).

“Dự báo mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng có xu hướng giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn neo quanh vùng lãi suất thị trường mở của NHNN (3,5 - 4,5% với kỳ hạn ON và 1 tuần); lãi suất huy động bình quân sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ; lãi suất cho vay cũng được dự báo đi ngang hoặc giảm nhẹ (khoảng 0,1 - 0,3 điểm %)”, TS. Lực nói.

TS. Cấn Văn Lực trình bày tham luận

TS. Cấn Văn Lực trình bày tham luận

Ngoài ra, ông Lực đã đưa ra một số dự báo, với tỷ giá USD/VND sẽ còn chịu nhiều áp lực tăng nhưng ở thế giằng co, tăng khoảng 3 - 4% trong cả năm. Lợi nhuận của hệ thống ngân hàng năm 2025 được kỳ vọng tăng trưởng 15 - 20%, thấp hơn nhiều so với năm 2024. Thị trường cổ phiếu được kỳ vọng hưởng lợi từ việc TTCK Việt Nam được nâng hạng và kết quả của doanh nghiệp niêm yết khả quan. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm dự báo sẽ tích cực hơn khi các tác động tiêu cực của siêu bão Yagi dần được giải quyết và niềm tin phục hồi.

Những vấn đề mang tính cấu trúc

Mặc dù vậy, theo ông Lực, thị trường tài chính năm 2025 vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm kiểm soát như: những biến động bất ngờ, khó đoán định trên thị trường quốc tế (đặc biệt là vấn đề thuế quan của Mỹ), tác động mạnh đến nền kinh tế mở và thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam, trong đó có cả dòng vốn FDI và đầu tư gián tiếp (FII); áp lực TPDN đáo hạn vẫn khá lớn và rơi nhiều vào nhóm doanh nghiệp BĐS (chiếm gần 56% tổng số); nợ xấu chịu nhiều áp lực tăng, đòi hỏi sớm luật hóa Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội để xử lý căn cơ hơn; rủi ro liên thông giữa thị trường BĐS và thị trường tài chính vẫn tiềm ẩn.

Về thị trường TPDN Việt Nam, hiện thị trường này đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn 2019-2021, thị trường phát triển rất nhanh, khối lượng phát hành tăng trưởng hơn 50% mỗi năm, tổng khối lượng phát hành 1,04 triệu tỷ đồng, đưa tổng dư nợ trái phiếu lên mức khoảng 14,75% GDP. Tuy nhiên, sự phát triển quá nóng cùng với hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh đã dẫn đến nhiều vấn đề, như các vụ sai phạm trên thị trường, khối lượng trái phiếu đáo hạn lớn, tỷ lệ trái phiếu gặp rủi ro gia tăng, niềm tin nhà đầu tư suy giảm…

Từ giữa năm 2022 đến nay, Chính phủ, Bộ Tài chính đã áp dụng khuôn khổ mới để điều tiết thị trường TPDN và bước đầu đạt được những kết quả tích cực, lượng phát hành và thanh khoản phục hồi khá trong năm 2023-2024. Dù vậy, thị trường TPDN Việt Nam vẫn cần cải thiện nhiều vấn đề.

Cụ thể, trong ngắn hạn là áp lực từ lượng trái phiếu đáo hạn lớn, còn trong dài hạn là những vấn đề mang tính cấu trúc, như cơ cấu hay hình thức phát hành; cơ sở, cơ cấu và chất lượng nhà đầu tư còn bất cập; hay sự phụ thuộc quá nhiều vào phát hành riêng lẻ, tiềm ẩn rủi ro và chưa tiệm cận thông lệ quốc tế; quy định xếp hạng tín nhiệm còn thiếu phân nhóm, trong khi yêu cầu đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp lại chặt chẽ, chưa phân nhóm cụ thể, có thể hạn chế cơ sở nhà đầu tư.

“Trong thời gian tới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực, như triển vọng tăng trưởng kinh tế cao, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, hạ tầng thị trường và hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện… Việc giải quyết căn cơ các rào cản, thách thức nêu trên cũng sẽ góp phần quan trọng cho tiến trình phát triển của thị trường này”, TS. Lực nói.

Hội thảo có sự tham gia của ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV; TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV; ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam; và các lãnh đạo, chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế (ADB, IMF, JICA, JBIC…), các định chế tài chính, hiệp hội nghề nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu…

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nhung-kich-ban-du-bao-cho-thi-truong-tai-chinh-viet-nam-nam-2025-post367950.html