Thu nhập ổn định từ nghề vót cần câu

Nghề vót cần câu ở ấp Xẻo Cui, xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) có từ bao đời nay, được nhiều thế hệ nối nghiệp từ cha ông. Trải qua bao thăng trầm, hiện nghề vót cần câu vẫn tồn tại và phát triển, đem lại thu nhập ổn định cho khá nhiều người dân địa phương.

Ấp Xẻo Cui có dân số đa phần là đồng bào Khmer. Tổ hợp tác vót câu ấp Xẻo Cui được thành lập năm 2015, có 20 hộ dân tham gia. Chị Danh Thị Quen - tổ trưởng tổ hợp tác vót câu ấp Xẻo Cui cho biết: “Mỗi ngày, từng thành viên làm 100 cần câu hoàn chỉnh. Nếu có người đặt số lượng nhiều (khoảng 4.000 cần câu), tất cả thành viên trong tổ hợp tác sẽ tăng ca, làm đến khuya. Giá bán tùy loại, cần câu chưa đơm lưỡi 70.000 đồng/100 cần. Cần câu đã thành phẩm giá 110.000 đồng/100 cần”.

Với nghề vót cần câu, người trẻ, người già, nam hay nữ đều có thể làm được, thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/tháng/người. Đàn ông vận chuyển, cưa và chẻ tre, còn phụ nữ, trẻ em làm các khâu còn lại như vót, tóm lưỡi câu… “Nghề vót cần câu mang lại thu nhập hàng ngày cho thành viên trong tổ hợp tác tuy không cao nhưng ổn định, tạo việc làm cho các chị em. Số tiền kiếm được từ nghề này dùng để mua gạo, chi trả tiền học phí cho con, chi tiêu hàng ngày, còn lại để mua tre và vật liệu để làm cần câu. Chúng tôi tâm huyết và mong nghề vót cần câu ở ấp Xẻo Cui sẽ được nhiều người ở các địa phương khác biết đến tìm mua và nghề truyền thống này ở ấp được tiếp nối các thế hệ sau”, chị Danh Thị Quen nói.

Nguyên liệu sử dụng để vót câu là cây tre. Để làm ra một cây cần câu hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn. Chị Thị Ngọc - thành viên tổ hợp tác vót câu ấp Xẻo Cui chia sẻ: “Muốn làm ra cây cần câu chắc, bền, đảm bảo chất lượng phải chọn mua loại tre xiêm già nhiều năm tuổi, đem về cưa ra thành từng khúc khoảng 70cm. Sau đó chẻ ra, vót mỏng, chặt đọt, quấn dây vào đọt câu, tóm lưỡi, vô cần. Cuối cùng là làm một cái móc bằng dây kẽm buộc vào thân câu để móc lưỡi vào khi không sử dụng, tạo cho cần câu có hình dạng như chữ “f” rất đẹp và gọn gàng lúc bó thành bó. Muốn làm một cây cần câu đẹp và bền, đòi hỏi tay nghề người vót phải tỉ mỉ, khi vót phải kéo đều tay để cần không bị khúc dày, khúc mỏng”.

Chị Thị Ngọc (bìa trái), ngụ ấp Xẻo Cui, xã Hòa Thuận (Giồng Riềng) cùng chị Danh Thị Quen đang vót cần câu.

Chị Thị Ngọc (bìa trái), ngụ ấp Xẻo Cui, xã Hòa Thuận (Giồng Riềng) cùng chị Danh Thị Quen đang vót cần câu.

Theo một số người dân làm nghề vót cần câu ở ấp Xẻo Cui, làm cần câu vất vả nhất là khâu mua tre ở những huyện lân cận, đốn và vận chuyển tre về. Giá mua tre tùy loại, cây nhỏ từ 10.000-15.000 đồng/cây, cây lớn 20.000-30.000 đồng/cây.

Hàng năm, khoảng tháng 5 âm lịch trước khi vào mùa nước nổi, nhiều người hành nghề cắm câu thường đến ấp Xẻo Cui để đặt mua cần câu. Một số cửa hàng ngư lưới cụ cũng đến mua về bán lại cho người dân ở các huyện lân cận và các tỉnh, thành như Cần Thơ, Hậu Giang. Một số thành viên trong tổ hợp tác vót câu ấp Xẻo Cui đem cần câu đi đến các chợ ở địa bàn tỉnh khác để giới thiệu, tìm mối bán. Nhờ vậy, nghề vót cần câu ấp Xẻo Cui ngày càng có nhiều người biết đến.

Đồng chí Dương Thị Hòa - Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Thuận cho biết: “Nghề vót cần câu góp phần giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho nhiều hộ nông dân ấp Xẻo Cui, góp phần giảm hộ nghèo của ấp hiện còn 11 hộ. Các thành viên trong tổ hợp tác vót câu tiếp nối nghề của ông cha, góp công sức cùng với cộng đồng gìn giữ nghề truyền thống”.

Bài và ảnh: ÚT CHUYỀN

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//kinh-te/thu-nhap-on-dinh-tu-nghe-vot-can-cau-8984.html