'Thủ phạm' nào có thể cản bước kinh tế Trung Quốc phục hồi?
Kinh tế Trung Quốc đang phục hồi nhanh hơn dự kiến, sau khi chính phủ dỡ bỏ các hạn chế Covid-19 và chi tiêu của người tiêu dùng tăng mạnh.
Ngày 18/4, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 4,5% trong quý I/2022, so với cùng kỳ năm 2022. Sự gia tăng phần lớn là do người tiêu dùng. Doanh số bán lẻ - thước đo chi tiêu - đã tăng 10,6% trong tháng 3/2023.
Báo cáo của NBS cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang hoạt động trở lại.
Ông Louise Loo, một nhà kinh tế chuyên về Trung Quốc tại văn phòng Oxford Economics ở Singapore cho hay: “Tăng trưởng hằng quý đang bắt đầu chứng tỏ sự phục hồi lành mạnh tại Trung Quốc".
Thời gian qua, nước này đã thực hiện các bước để kích thích tăng trưởng. Chính phủ đã và đang đầu tư vào các tuyến đường sắt cao tốc, đường cao tốc để cải thiện cơ sở hạ tầng và tạo thêm việc làm cho người dân.
Chi tiêu của người tiêu dùng tăng, nhưng không đồng đều
Tại Tô Châu, một thành phố bên sông Dương Tử gần Thượng Hải, người tiêu dùng và các công ty đang tăng chi tiêu. Nhưng có sự khác biệt đáng kể từ khu phố này sang khu phố khác và thậm chí từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác.
Ở một chợ đường phố ở Tô Châu, anh Jiang Yongming, chủ một sạp thịt, phàn nàn về vấn đề chi tiêu tằn tiện trong thời gian qua của cư dân khu phố.
Trong khi đó, Liu Zhongyou, một người bán cá da trơn và nghêu tại một chợ đường phố ở Tô Châu lại có một trải nghiệm rất khác. Năm ngoái, công việc kinh doanh của anh bị đình trệ hoàn toàn khi các nhà hàng gần đó đóng cửa vì những hạn chế về đại dịch. Nhưng giờ đây, chính những quán ăn đó đang đặt những đơn hàng lớn.
Anh Liu nói: “Chúng tôi đã thua lỗ trong thời gian xảy ra dịch bệnh, chúng tôi không có khách hàng. Bây giờ mọi thứ đã khác".
Những trải nghiệm khác nhau của hai tiểu thương trong cùng một thị trường phần nào phản ánh sự phục hồi của Trung Quốc - tăng cường nhưng không đồng đều.
Doanh số bán lẻ chỉ tăng 3,5% trong tháng 1 và tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, vì vậy, mức tăng mạnh trong tháng 3 là dấu hiệu đầu tiên của sự phục hồi mạnh mẽ. Nhưng bước nhảy vọt này được so sánh với tháng 3/2022, khi các ca nhiễm Covid-19 gia tăng mạnh, dẫn đến việc Thượng Hải bắt đầu bị phong tỏa trong hai tháng.
Bên cạnh đó, có một số lĩnh vực không phục hồi sau đại dịch. Một phần ba số rạp chiếu phim đã ngừng hoạt động. Theo Maoyan Entertainment, một công ty bán vé trực tuyến ở Bắc Kinh, doanh thu phòng vé trong tháng 3 đã giảm 55% so với 4 năm trước.
Ngoài ra, thu nhập của hàng triệu người Trung Quốc đã giảm sút nghiêm trọng trong thời kỳ đại dịch và hiện vẫn ở mức thấp. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi từ 16-24 tăng trong tháng 3 lên 19,6%, từ mức 18,1% trong tháng 2.
Thách thức vẫn còn
Sản xuất công nghiệp - sản lượng của các nhà máy, hầm mỏ và nhà máy điện - đã tăng 3,9% trong tháng 3 so với năm ngoái, cải thiện từ mức 2,4% trong tháng 1 và tháng 2. Nhưng tốc độ tăng trưởng trong ngành công nghiệp vẫn thấp so với tiêu chuẩn của Trung Quốc. Sự suy giảm mạnh trong ngành công nghiệp xe hơi là một trong những "thủ phạm" chính.
Doanh số bán ô tô đã giảm 13,4% trong quý đầu tiên của năm 2023. Vào cuối tháng 12/2022, ô tô điện đã hết hạn trợ cấp từ chính phủ và Trung Quốc cũng khôi phục thuế bán hàng đối với ô tô chạy bằng xăng.
Về xuất khẩu, lĩnh vực này đang phục hồi và tăng 14,8% trong tháng 3. Các nhà máy đang giải quyết lượng đơn đặt hàng tồn đọng đã tích lũy trong thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Việc đầu tư vào tài sản cố định như tòa nhà chung cư, đường xá, nhà máy... từ lâu đã trở thành trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc. Đầu tư vào tài sản cố định đang tăng 5,1% trong quý I/2023, so với năm ngoái.
Chi tiêu của chính phủ cho các tuyến đường sắt, đường bộ và cơ sở hạ tầng khác tăng 8,8% trong quý đầu năm nay và đầu tư sản xuất tăng 7%.
Trong phần còn lại của năm, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đơn cử như những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản.
Sau khi cạn kiệt tiền mặt trong hai năm qua, rất ít dự án mới được xây dựng, dù giá cả đang bắt đầu ổn định. Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán vẫn cảnh giác. Giá cổ phiếu của một nhà phát triển bất động sản lớn, như Sunac China Holdings, đã giảm 59% vào tuần trước.
Ông Fu Linghui, người phát ngôn NBS nhấn mạnh: "Trung Quốc cần cảnh giác vì tình hình nước ngoài vẫn còn phức tạp và biến động. Nền kinh tế lớn nhất châu Á vẫn bị ảnh hưởng bởi một loạt cuộc khủng hoảng, từ lĩnh vực bất động sản cho đến lạm phát toàn cầu gia tăng và nguy cơ suy thoái ở những nơi khác".