'Thủ phạm' thật sự đằng sau nhiều vụ ngộ độc thực phẩm
Theo các chuyên gia, chỉ lơ là, nhắm mắt cho qua với bất kỳ một hành vi vi phạm an toàn thực phẩm nào cũng sẽ dễ ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng của người dân.
Trong vòng vài tháng trở lại đây, cả nước đã xảy ra 3 vụ ngộ độc lớn và hàng loạt vụ ngộ độc nhỏ, khiến hơn 1.000 người nhập viện.
Vụ việc đầu tiên có 313 người bị ngộ độc tập thể sau khi ăn bánh mì Phượng (TP Hội An, Quảng Nam) vào tháng 9/2023. Đến tháng 3 năm nay, 368 người và du khách bị ngộ độc sau khi ăn cơm gà Trâm Anh tại TP Nha Trang (Khánh Hòa).
Gần đây nhất, hơn 500 ca ngộ độc ở tiệm bánh mì Cô Băng tại TP Long Khánh (Đồng Nai). Cơ sở này mỗi ngày bán hơn 1.000 chiếc bánh mì. Bên cạnh đó, rất nhiều vụ ngộ độc nhỏ hơn xảy ra khắp cả nước.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, các chuyên gia lo ngại các vụ ngộ độc lớn xảy ra gần đây là hồi chuông báo động về an toàn thực phẩm.
Lo nhưng vẫn phải ăn
Mỗi sáng, chị Nguyễn Hà (29 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) thường mua xôi, bánh bao hoặc bánh mì.... cho cả gia đình ăn trước khi đi làm, đi học.
"Ở chợ gần nhà tôi rất nhiều lựa chọn. Tôi cứ thấy hàng nào tiện thì mua. Người bán cũng để đồ ăn phơi ở mặt đường, tôi biết không vệ sinh lắm nhưng cũng 'nhắm mắt cho qua'. Nơi làm việc xa, con cái cần đi học sớm nên cũng không còn cách nào khác", chị Hà nói.
Cũng là người thường xuyên mua đồ ăn sẵn ở ngoài cho con, chị Thúy Hằng (30 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ buổi chiều đón con ở lớp mẫu giáo về sẽ cho bé ăn một món gì đó để lót dạ trước khi học thêm buổi tối.
"Tôi thường chọn quán gà rán, bún phở... trên đường đến lớp học thêm của con. Đọc nhiều thông tin về nhiều vụ ngộ độc gần đây tôi cũng lo, hạn chế cho con ăn lại nhưng không thể ăn tại nhà hoàn toàn được. May mắn, con tôi chưa gặp vấn đề về tiêu hóa lần nào", chị Hằng tâm sự.
Trao đổi với Tri thức - Znews, TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó tổng thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho hay thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ và độ ẩm cao, là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, dẫn tới ô nhiễm hoặc dễ làm cho thức ăn ôi thiu, nếu không được bảo quản cẩn thận.
Bên cạnh đó, thời tiết khắc nghiệt cũng khiến hệ miễn dịch của cơ thể dễ bị suy giảm, nhất là ở trẻ nhỏ, người lớn tuổi. Khi tiếp xúc với các độc tố của vi khuẩn, cơ thể sẽ giảm khả năng chống lại.
Ngoài ra, theo TS.BS Trương Hồng Sơn, quy trình chế biến, vệ sinh an toàn thực phẩm không nghiêm ngặt của các cơ sở sản xuất cũng khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc.
Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, cho rằng nhu cầu về nước gia tăng trong mùa nóng, các cơ sở chế biến thường thiếu nước sạch, dẫn đến nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm gia tăng.
Thói quen trong chế biện thực phẩm tại các nhà hàng, quán ăn còn chủ quan, đặc biệt khi dịch Covid-19 đã qua đi, việc sát khuẩn tay bị coi nhẹ.
"Thủ phạm" thật sự
Còn theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, đánh giá nguyên nhân sự cố ngộ độc hàng loạt phải dựa vào nhiều yếu tố.
Trong đó, yếu tố nguồn gốc thực phẩm, quá trình chế biến, bảo quản rất quan trọng. Người dân cần lưu ý đến một lý do khiến ngộ độc ngày càng tăng, đó là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều.
Theo bác sĩ Vũ, người dân thường bị ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn Salmonella, E.Coli, Clostridium botulinum có trong trong sữa, thịt gia cầm chưa nấu chín, thực phẩm ôi thiu gây chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, mạch đập nhanh, tiêu chảy. Thực tế, các loại khuẩn này luôn có trong đường ruột con người, là một dạng cộng sinh, nó xuất hiện nhiều quá hay ít quá cũng gây bệnh.
Ngoài ra, con người có thể bị ngộ độc thực phẩm khi nhiễm phải độc tố của vi nấm Aflatoxin trên các loại hạt như lạc, đậu nành, hướng dương, điều, ngô, các loại bột từ những hạt này khi bị nấm mốc.
"Trong những bữa ăn tập thể, nếu vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được đảm bảo, khả năng ngộ độc nhiều người rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, thay vì chỉ đi tìm nguyên nhân, các đơn vị nên tìm ra phương pháp để phòng ngừa", bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ nhấn mạnh.
Người Việt đang quá dễ dãi với món ăn đường phố?
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng nhận định người Việt đang quá dễ dãi với các món ăn đường phố, quán xá vỉa hè bởi lý do nhanh, tiện, rẻ trong khi yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm không phải cơ sở nào cũng được đảm bảo.
"Một phần cũng do giai đoạn này, kinh tế khá khó khăn nên các món ăn, đồ uống giá rẻ và siêu rẻ được ưa chuộng. Trong khi đó, một số ít người bán hàng vừa thiếu hiểu biết, vừa thiếu đạo đức khi chỉ quan tâm đến lợi nhuận, sẵn sàng dùng nguyên liệu chất lượng thấp, thậm chí quá hạn, ôi thiu và không hề nghĩ đến hậu quả nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm", bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.
Để giảm thiểu phần nào nguy cơ ngộ độc thực phẩm, TS.BS Trương Hồng Sơn khuyến cáo người dân tiên quyết cần chọn mua những loại thực phẩm có truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận và kiểm định rõ ràng. Người dân nên hướng tới việc sử dụng các thực phẩm tự nhiên, hữu cơ để hạn chế hàm lượng thuốc trừ sâu tích tụ vào cơ thể.
Bên cạnh đó, người dân cần chủ động tìm hiểu, cung cấp cho mình thêm kiến thức để nhận biết hoặc sử dụng thực phẩm một cách an toàn, thông minh.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng các cơ quan quản lý cũng cần đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát các nhà hàng, quán ăn và có chế tài nghiêm khắc với các cơ sở chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
"Đây không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý y tế mà cần phải coi là trách nhiệm của toàn dân, chính quyền cơ sở cấp xã, phường tới các chủ nhà máy, doanh nghiệp, nơi sử dụng lao động. Mỗi người dân cần tự mình nâng cao ý thức", bác sĩ Hoàng nói.
Phó tổng thư ký Tổng Hội Y học Việt Nam nhấn mạnh dù đã có nhiều chương trình, chiến lược, quy định, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, việc kiểm soát nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn là một bài toán khó giải quyết.
"Nếu chỉ lơ là, nhắm mắt cho qua với bất kỳ một hành vi vi phạm an toàn thực phẩm nào cũng sẽ dễ ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng của chính mình và người thân", bác sĩ Trương Hồng Sơn cho hay.