Thu phí ở xa lộ Hà Nội: Cần hài hòa lợi ích!
Đang chờ hướng giải quyết của Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan có thẩm quyền
Vừa qua, Báo Người Lao Động nhận được phản ánh của bạn đọc về việc mất phí oan khi bị buộc phải qua trạm thu phí xa lộ Hà Nội để vào trung tâm thành phố.
Vấn đề này đã được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM trả lời. Tuy nhiên, người dân vẫn cho rằng cơ quan chức năng cần tìm hướng giải quyết để bảo đảm quyền lợi của họ.
Vừa đi vòng vừa tốn phí
Trao đổi với chúng tôi, người dân sống trong khu vực đường song hành xa lộ Hà Nội (phường Phước Long A, TP Thủ Đức) cho biết trước đây, khi đi vào trung tâm thành phố, họ đi vào đường tạm bên hông phải cầu Rạch Chiếc để vòng ngược lại theo hình chữ U, rẽ lên cầu vào trung tâm. Từ tháng 5-2022, ô tô không thể rẽ vào đường dẫn dưới dạ cầu mà bị buộc đi theo đường Nguyễn Văn Bá để rẽ phải vào xa lộ Hà Nội và phải qua trạm thu phí BOT, dù không sử dụng xa lộ Hà Nội. Chưa kể, vì bị chặn, nhiều phương tiện đã leo lề, tạo nên cảnh nhếch nhác.
"Đường dưới dạ cầu là đường dân sinh, không liên quan đến BOT nhưng bị chặn đường, buộc người dân muốn đi vào trung tâm thành phố phải vòng qua trạm BOT và phải đóng phí 28.000 đồng.
Để hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền, cơ quan chức năng cần rà soát lại các biển báo cấm đường dưới dạ cầu xem hợp lý chưa? Có thể cấm xe theo khung giờ cao điểm để tránh ùn ứ giao thông; song song đó mở lại đường vào dạ cầu Rạch Chiếc, phân luồng nhánh phụ rẽ lên cầu hướng vô trung tâm cho cư dân và phương tiện không sử dụng dịch vụ BOT" - ông Võ Quốc Bình (sống gần cầu Rạch Chiếc) đề xuất.
Phân tích thêm, ông Bùi Vũ Tuấn Anh (36 tuổi, cư dân Bắc Rạch Chiếc, TP Thủ Đức) nhẩm tính mỗi tháng, một ô tô qua trạm BOT mất 840.000 đồng, 1 năm là khoảng 10 triệu đồng. Trạm BOT này thu hơn 10 năm, người dân có 1 chiếc ô tô phải bỏ ra gần 200 triệu đồng để trả phí cho đoạn đường họ hoàn toàn không sử dụng.
"Trạm BOT xa lộ Hà Nội được xây dựng để hoàn vốn cho đoạn xa lộ Hà Nội từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn (cách cầu Rạch Chiếc khoảng 10 km), ô tô của cư dân Rạch Chiếc đi vào trung tâm không sử dụng đoạn đường trên mà nộp phí là vô lý. Chúng tôi mong muốn được miễn phí khi đi qua trạm hoặc chính quyền mở lại đường dưới dạ cầu Rạch Chiếc" - ông Tuấn Anh đề nghị.
Chờ phản hồi của Bộ GTVT
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Sở GTVT cho biết đã ghi nhận phản ánh, kiến nghị của người dân. Tuy nhiên, cần khẳng định đoạn đường rẽ vào dạ cầu Rạch Chiếc bị đóng theo phương án tổ chức giao thông của thành phố nhằm bảo đảm an toàn giao thông và tránh nguy cơ tai nạn tại điểm rẽ giao cắt để lên cầu.
Chủ đầu tư BOT xa lộ Hà Nội đã thực hiện thi công, tổ chức giao thông đúng kế hoạch được duyệt. Ngoài ra, đoạn đường bên dạ cầu Rạch Chiếc theo quy hoạch là để trồng cây xanh và một số hạ tầng kỹ thuật khác.
Do đó, khi dự án chưa triển khai thì có thể làm đường tạm cho người dân lưu thông nhưng khi dự án hoàn tất, đưa vào khai thác thì cần thực hiện theo đúng quy hoạch.
Khi thực hiện thu phí, chủ đầu tư, Sở GTVT đã cùng chính quyền địa phương thống kê số hộ dân có ô tô không kinh doanh trên mặt tiền đường song hành xa lộ Hà Nội để miễn, giảm phí và UBND thành phố đã có quyết định miễn giảm đối với các hộ này. Riêng các hộ sống phía trong gần trạm thu phí thì chưa có quy định nên chưa áp dụng miễn, giảm.
Nhìn nhận vẫn còn khó khăn khi triển khai các trạm thu phí BOT trên địa bàn TP HCM, Sở GTVT cho rằng đa số các trạm đều thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo lượt, đối tượng miễn giảm được thành phố áp dụng theo quy định tại điều 4 Thông tư 35/2016/TT-BGTVT ban hành năm 2016.
Với phương pháp thu theo lượt, chủ phương tiện sử dụng dịch vụ đường bộ sinh sống xung quanh trạm thu phí BOT này buộc phải có hành trình ra vào trạm thu phí thường xuyên với mức giá bằng với mức giá các chủ phương tiện sử dụng dịch vụ. Đây là bất cập, tạo ra sự không công bằng về sử dụng dịch vụ theo chiều dài tuyến đường.
"Sở GTVT thống kê sơ bộ có khoảng 1.600 phương tiện trong khu vực này. Từ tháng 1-2023, sở đã có công văn kiến nghị Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung quy định giảm mức thu cho chủ phương tiện sinh sống xung quanh trạm thu phí và có hành trình buộc phải vào ra trạm thu phí. Kiến nghị này đang chờ Bộ GTVT phản hồi" - đại diện Sở GTVT thông tin.
Tìm giải pháp thích hợp
Theo TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, không sử dụng dịch vụ đường bộ mà phải trả phí thì không công bằng. Người dân sống quanh khu vực chịu ảnh hưởng nên làm đơn kiến nghị đến UBND TP Thủ Đức, trên cơ sở đó địa phương thống kê số phương tiện ảnh hưởng và kiến nghị lên UBND TP HCM xem xét, bổ sung đối tượng miễn giảm theo quy định.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ TP HCM, đề nghị cần đặt quyền lợi chính đáng của người dân lên trên và sớm tìm giải pháp thích hợp. Bởi thời gian tới, khi thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15, thành phố sẽ triển khai thêm một số tuyến đường theo hình thức BOT, nhiều người dân sẽ bị ảnh hưởng.